Bám cơ sở để hiểu dân

10:17, 15/10/2012

Hùng Sơn hiện là một trong những điểm sáng của huyện Đại Từ về việc huy động sức dân phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, cũng như tạo sự đồng thuận của nhân dân phục vụ các công trình xây dựng trên địa bàn. Có được kết quả này, cách làm của xã là huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trên tinh thần bám cơ sở để gần dân, hiểu dân, từ đó có hình thức dân vận phù hợp.

Theo tính toán, chỉ tính riêng Dự án Khai thác và Chế biến khoáng sản Núi Pháo (Nui Phao Mining) đã “lấy mất” gần 100 ha đất nông nghiệp của người dân thuộc 6 xóm của xã Hùng Sơn. Trong số này, xóm Liên Giới mất toàn bộ đất nông nghiệp. Các xóm An Long, Hàm Rồng, Táo, Trung Hòa, Đồng Trũng phải nhường đất để phục vụ cho khu tái định cư Nam sông Công và Hùng Sơn 3. Cùng với đó, công trình đường dây truyền tải điện 220kv Tuyên Quang - Thái Nguyên đi qua địa bàn xã cũng làm 22 hộ dân thuộc 4 xóm Bàn Cờ, Phú Thịnh, Xuân Đài và Đá Mài bị ảnh hưởng.

 

Ông Nguyễn Phúc Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hùng Sơn cho biết: Đa số người dân bị ảnh hưởng đều thắc mắc về việc đo đạc, kiểm kê diện tích tích đất, tài sản và không đồng ý với phương án đền bù giải phóng mặt bằng. Một số hộ lo lắng về chất lượng của khu tái định cư và lo thiếu tư liệu sản xuất khi chuyển tới nơi ở mới. Thấu hiểu những thắc mắc của bà con, song Đảng ủy xã xác định đây là những dự án lớn, có tầm quan trọng không chỉ với tỉnh và cả nước, nên việc vận động nhân dân ủng hộ dự án, yên tâm lao động sản xuất ổn định cuộc sống là việc làm cần thiết.

 

Ban Vận động của xã được thành lập với thành phần là lãnh đạo Đảng ủy, UBND, đại diện các đoàn thể và các xóm liên quan. Hình thức vận động được đưa ra là đến tận các hộ bị ảnh hưởng để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, tâm tư nguyện vọng cũng như giải thích để người dân hiểu. Đây là cách chính quyền cơ sở thể hiện sự tôn trọng người dân và kịp thời giải đáp những thắc mắc, gỡ bỏ những băn khoăn trong lòng mỗi người. Nhiều gia đình đã hiểu và tự giác di dời, nhưng cũng còn nhiều gia đình Ban vận động phải kiên trì giải thích hàng chục lần mới chấp nhận phương án. Nhờ kiên trì và bám sát cơ sở, đến nay xã đã hoàn thành việc giải phóng mặt bằng cho Dự án Núi Pháo và đang tiếp tục hoàn thiện giải phóng hành lang cho đường dây truyền tải điện 220kv Tuyên Quang - Thái Nguyên.

Không chỉ làm tốt dân dận phục vụ các dự án, Hùng Sơn còn là địa phương đi đầu của huyện về phát triển giao thông nông thôn. Từ năm 2007 tới nay, xã đã đổ bê tông được hơn 10km đường (chiếm gần 60% tổng chiều dài đường liên xóm của xã). Đáng chú ý, để làm đường theo chuẩn nông thôn mới, người dân các xóm An Long, Đồng Khuôn, Gò, Đồng Cả và Cầu Thành đã ký cam kết hiến trên 10 nghìn m2 đất nông nghiệp để mở rộng nền đường bê tông cũ.

 

Ông Nguyễn Khắc Hải, Bí thư Chi bộ xóm Cầu Thành cho biết: Cách làm của xóm là công khai dân chủ để nhân dân cùng bàn bạc, đóng góp ý kiến. Qua thảo luận, xóm thống nhất mức đóng góp của mỗi nhân khẩu là 130 nghìn đồng. Đối với những hộ dân bị mất đất nhiều, diện nghèo hoặc neo đơn sẽ được miễn hoặc giảm tùy theo mức độ. Xóm cũng bầu ra Ban Giám sát công trình cộng đồng gồm 7 thành viên để giảm sát việc thi công và chất lượng công trình.

 

Ở các xóm khác của xã, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, đồng thời cũng là Ban Vận động để tuyên truyền các chủ trương của chính quyền các cấp, vận động người dân đồng thuận thực hiện các mục tiêu chung. Bà Đỗ Thị Hồng Vân, một người dân xóm Gò chia sẻ: “Sau khi được vận động, hiểu và thấy được lợi ích của các công trình tập thể, tất cả nhân dân trong xóm đều nhiệt tình ủng hộ. Gia đình tôi đã ký cam kết phá bỏ tường rào, công trình phụ và hiến 30m2 đất vườn để mở rộng tuyến đường liên xóm”.

 

Cũng nhờ huy động sức dân, các xóm Bàn Cờ, Cầu Thành và Trung Hòa… đã huy động được sức dân để xây dựng nhà văn hóa và khuôn viên nhà văn hóa khang trang đạt chuẩn của nông thôn mới. Chị Đỗ Thị Thủy, người dân xóm Tạo, xã Hùng Sơn nói: “Định kỳ tổ chức đối thoại với dân, cán bộ dân vận thường xuyên bám cơ sở đã giúp người dân chúng tôi thêm hiểu các chủ trương, chính sách và tin tưởng vào sự lãnh đạo của chính quyền các cấp. Ngay tại xóm Tạo, nhân dân cũng thường xuyên được trao đổi, đóng góp ý kiến thông qua các buổi họp, khi mọi ý kiến của nhân dân đã đồng thuận thì công việc chung sẽ thông suốt”.

 

Từ kinh nghiệm ở Hùng Sơn cho thấy, muốn làm tốt công tác dân vận, đội ngũ cán bộ phải gắn bó với cơ sở để gần dân, hiểu dân từ đó có cách làm phù hợp và trọng tâm hơn. Công tác dân vận phải hướng tới mục đích cuối cùng là phục vụ lợi ích của chính người dân.