Tổng hợp thông tin văn bản, chính sách nổi bật trong tuần

20:26, 07/10/2012

Hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ; tiếp tục mục tiêu giảm tai nạn giao thông 3 tháng cuối năm; kết thúc thí điểm hình thành 2 Tập đoàn xây dựng; thí điểm ký cam kết sản xuất, cung cấp rau an toàn... là những thông tin văn bản, chính sách nổi bật tuần qua. 

Hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả mưa lũ

 

Thủ  tướng Chính phủ quyết định trích 162 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2012 để hỗ trợ 13 tỉnh, thành phố tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, lốc xoáy, bão số 4, số 5 năm 2012.

 

Cụ thể, hỗ  trợ tỉnh Sơn La 25 tỷ đồng, tỉnh Yên Bái 10 tỷ đồng, tỉnh Hà Giang 25 tỷ đồng, tỉnh Cao Bằng 10 tỷ đồng, tỉnh Phú Thọ 15 tỷ đồng, tỉnh Vĩnh Phúc 20 tỷ đồng, tỉnh Thái Nguyên 15 tỷ đồng, tỉnh Bắc Giang 10 tỷ đồng, thành phố Hải Phòng 10 tỷ đồng, tỉnh Hưng Yên 7 tỷ đồng, tỉnh Sóc Trăng 5 tỷ đồng, tỉnh Vĩnh Long 5 tỷ đồng và tỉnh Bạc Liêu 5 tỷ đồng.

 

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính tạm ứng 16 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương năm 2012 để thực hiện hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản khôi phục sản xuất vùng bị thiên tai theo quy định tại Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, tỉnh Phú Thọ 8 tỷ đồng và tỉnh Vĩnh Phúc 8 tỷ đồng. Các địa phương khác chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để thực hiện theo quy định.

 

Tiếp tục mục tiêu giảm tai nạn giao thông 3 tháng cuối năm

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã lưu ý Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, các Bộ, ngành, đoàn thể và Ban An toàn giao thông các địa phương, trong 3 tháng còn lại của năm 2012 tiếp tục thực hiện hướng vào mục tiêu giảm tai nạn giao thông từ 5-10%.

 

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra, đôn đốc hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại một số địa phương.

 

Khẩn trương xây dựng hệ thống thư điện tử quốc gia

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân giao Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương đề xuất việc xây dựng hệ thống thư điện tử quốc gia đã được phê duyệt tại Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015.

 

Nhiệm vụ trên phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý IV/2012.

 

Kết thúc thí điểm hình thành 2 Tập đoàn xây dựng

 

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định kết thúc thí điểm hình thành Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam (VNIC) và Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD).

 

Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ  Xây dựng quyết định thành lập Tổng công ty Sông Đà trên cơ sở tổ chức lại Công ty mẹ  - Tập đoàn Sông Đà và các đơn vị thành viên của Tổng công ty Sông Đà trước đây; thành lập Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị trên cơ sở tổ chức lại Công ty mẹ - Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị và các đơn vị thành viên của Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị trước đây.

 

Thủ tướng cũng giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng chuyển các Tổng công ty sau về trực thuộc Bộ Xây dựng: Tổng công ty Lắp máy Việt Nam; Tổng công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng; Tổng công ty Cơ khí xây dựng; Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng; Tổng công ty Xây dựng Hà Nội; Tổng công ty Thủy tinh và gốm xây dựng; Tổng công ty Đầu tư xây dựng cấp thoát nước và môi trường Việt Nam.

 

Người đại diện trình bày nội dung khiếu nại phải là người khiếu nại

 

Theo Nghị  định 75/2012/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật khiếu nại vừa được Chính phủ ban hành, khi nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì phải cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại. Người đại diện phải là người khiếu nại.

 

Việc cử đại điện  được thực hiện như sau: Trường hợp có từ  5-10 người khiếu nại thì cử 1 hoặc 2 người đại diện; trường hợp có từ 10 người khiếu nại trở lên thì có thể cử thêm người đại diện, nhưng không quá 5 người.

 

Việc cử người đại diện để trình bày khiếu nại phải được thể hiện bằng văn bản. Người đại diện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của việc đại diện và văn bản cử đại diện.

 

Thí điểm ký  cam kết sản xuất, cung cấp rau an toàn

 

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, một số vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm cần triển khai trong thời gian tới như tiến hành sơ kết việc thí điểm "chợ an toàn" tại một số địa phương; xây dựng chuyên đề "trồng rau an toàn"; họp bàn phương án ngăn chặn gà không rõ nguồn gốc nhập lậu vào Việt Nam.

 

Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì nhiệm vụ phối hợp xây dựng chuyên đề về "trồng rau an toàn", có ký cam kết giữa người trồng rau với chính quyền địa phương về đảm bảo trồng rau an toàn.

 

Dự kiến sẽ tổ chức thí  điểm buổi ký cam kết về sản xuất và cung cấp rau an toàn giữa thành phố Hà Nội với một số tỉnh lân cận vào đầu tháng 11 năm nay.

 

Phấn đấu tiết kiệm 5 - 8% tổng mức tiêu thụ năng lượng của cả  nước

 

Theo Chương trình mục tiêu quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2012 - 2015 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu của giai đoạn này là tiết kiệm từ 5 - 8% tổng mức tiêu thụ năng lượng của cả nước.

 

Chương trình này cũng đặt mục tiêu  đạt mức giảm ít nhất 10% cường độ năng lượng của các ngành sử dụng nhiều năng lượng.

 

Trong đó, ngành xi măng giảm mức tiêu hao năng lượng bình quân để sản xuất 1 tấn xi măng từ 97 kgOE năm 2011 xuống còn 87 kgOE vào năm 2015.

 

Tương tự ngành thép phấn đấu giảm mức tiêu hao năng lượng bình quân để sản xuất 1 tấn thép thành phần từ mức 179kgOE năm 2011 xuống còn 160 kgOE năm 2015.

 

Ngành dệt may mục tiêu phải giảm mức tiêu hao năng lượng bình quân để sản xuất 1 tấn sợi năm 2011 là 773 kgOE xuống còn 695 kgOE vào năm 2015.