Tổng hợp thông tin văn bản, chính sách nổi bật tuần qua

08:19, 15/10/2012

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khắc phục nợ đọng xây dựng cơ bản; hỗ trợ đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số vùng khó khăn; quy định chỉ gửi tin nhắn quảng cáo khi người nhận đồng ý; rút ngắn thời gian có ý kiến về đề nghị điều chỉnh giá xăng dầu... là những thông tin văn bản, chính sách nổi bật tuần qua.   

Thủ tướng yêu cầu khắc phục nợ đọng xây dựng cơ bản

 

Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải nhận thức đúng tác động bất lợi do nợ đọng xây dựng cơ bản gây ra; phải lập lại kỷ cương trong đầu tư xây dựng cơ bản.

 

Đối với những công trình thật sự có hiệu quả, mức vốn hoàn thiện không lớn thì tập trung bố trí vốn đầu tư dứt điểm để đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả.

 

Còn đối với những công trình có khả năng khai thác từng phần thì hoàn thiện đưa vào sử dụng từng hạng mục theo khả năng nguồn vốn cho phép, các hạng mục còn lại phải kiên quyết đình hoãn. Với những công trình dở dang khác cần có giải pháp xử lý phù hợp hoặc kiên quyết tạm dừng thực hiện.

 

Để không phát sinh thêm nợ đọng xây dựng cơ bản mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu từ năm 2013 UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản; chủ động áp dụng các biện pháp xử lý kịp thời để không làm phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; xác định rõ trách nhiệm và có hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân gây ra nợ đọng xây dựng cơ bản...

 

27.509 tỷ đồng để giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015

 

Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phấn đấu đến năm 2015, 10% số huyện nghèo và 50% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; 30% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

 

Chương trình trên đã đặt mục tiêu phấn đấu thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước tăng lên 1,6 lần so với cuối năm 2011, trong đó riêng các hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi tăng gấp 2,5 lần.

 

Đồng thời, phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân 2%/năm, riêng các huyện, xã nghèo giảm 4%/năm theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2011-2015.

 

Hỗ trợ đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số vùng khó khăn

 

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn sẽ được hỗ trợ về đào tạo, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, định mức lao động, tiền thuê đất.

 

Đối tượng áp dụng gồm: Các công ty TNHH một thành viên nông, lâm, thủy sản do nhà nước làm chủ sở hữu; Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ; hợp tác xã; các doanh nghiệp ngoài Nhà nước (bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) sử dụng đất vào mục đích sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản (gọi chung là đơn vị sử dụng lao động) có sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số cư trú hợp pháp trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

 

Chỉ gửi tin nhắn quảng cáo khi người nhận đồng ý

 

Nghị định 77/2012/NĐ-CP đã được Chính phủ ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2008/NĐ-CP ngày 13/8/2008 về chống thư rác.

 

Thay vì quy định như trước đây cho phép trong vòng 24 giờ, kể từ khi nhận được yêu cầu từ chối, người quảng cáo hoặc nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo phải chấm dứt việc gửi đến người nhận các thư điện tử quảng cáo hay tin nhắn quảng cáo đã bị người nhận từ chối trước đó, thì theo Nghị định 77/2012/NĐ-CP, việc chấm dứt phải được thực hiện ngay sau khi nhận được yêu cầu từ chối.

 

Về số lượng thư điện tử, tin nhắn quảng cáo, thay vì được gửi tối đa 5 thư điện tử, tin nhắn quảng cáo như quy định cũ, Nghị định 77/2012/NĐ-CP giới hạn không được phép gửi quá 1 thư điện tử quảng cáo có nội dung tương tự nhau tới một địa chỉ thư điện tử trong vòng 24 giờ trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với người nhận.

 

Cấm hát nhép, trang phục biểu diễn không phù hợp

 

Quy định trên được nêu trong Nghị định của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu vừa được Chính phủ ban hành.

 

Nghị định nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân biểu diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp, người mẫu sử dụng trang phục hoặc hóa trang không phù hợp với mục đích, nội dung biểu diễn và thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam. Đồng thời, không được sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn...

 

Nghiêm cấm cung cấp thông tin dự đoán trước kết quả xổ số

 

Đây là một trong những điểm mới được nêu tại Nghị định số 78/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 30/2007/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xổ số.

 

Theo quy định mới, bổ sung thêm 2 hành vi bị nghiêm cấm là cung cấp thông tin dự đoán trước kết quả xổ số; Lợi dụng hình thức khuyến mại mang tính may rủi để kinh doanh xổ số trái phép với mục tiêu kiếm lợi nhuận thông qua việc thu tiền của khách hàng.

 

Nghị định 78/2012/NĐ-CP mới cũng bổ sung quy định cán bộ, nhân viên làm việc tại doanh nghiệp kinh doanh xổ số; vợ hoặc chồng, cha, cha nuôi, mẹ, mẹ nuôi, con, con nuôi, anh, chị, em ruột, anh, chị, em nuôi của Chủ tịch, Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng và cấp trưởng, cấp phó các phòng, ban nghiệp vụ của doanh nghiệp kinh doanh xổ số không được làm đại lý xổ số.

 

Công bố danh sách khu neo đậu tránh trú bão hàng năm

 

Theo Nghị định về quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, trước ngày 1/4 hàng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố Danh sách các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên phạm vi cả nước.

 

Trong thời gian sử dụng làm nơi tàu cá vào tránh bão, khu neo đậu tránh trú bão do Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn của địa phương quản lý, điều hành.

 

Trong thời gian không sử dụng làm nơi tránh trú bão, khu neo đậu được giao cho Ban Quản lý cảng cá hoặc một đơn vị, tổ chức phù hợp quản lý, khai thác, sử dụng và được thu phí theo quy định.

 

Rút ngắn thời gian có ý kiến về đề nghị điều chỉnh giá xăng dầu

 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Tài chính rà soát cơ chế điều hành giá bán lẻ xăng dầu để điều chỉnh theo hướng rút ngắn thời gian có ý kiến đối với đề nghị điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, ngăn chặn việc lợi dụng để đầu cơ, găm hàng.

 

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan theo thẩm quyền hướng dẫn cụ thể về thời gian bán hàng, những nguyên nhân bắt buộc các cửa hàng, đại lý bán lẻ xăng dầu phải giãn, ngừng bán hàng không phải xử lý để làm căn cứ xác định và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

 

Ngăn chặn gia cầm nhập lậu không rõ nguồn gốc

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Bộ Công Thương sớm hoàn chỉnh Đề án ngăn chặn vận chuyển, kinh doanh gia cầm nhập lậu không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo an toàn thực phẩm...

 

Phó Thủ tướng chỉ đạo các địa phương và các Bộ, ngành liên quan phải yêu cầu Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bắt đầu từ năm 2013 phải báo cáo HĐND cấp tỉnh tại các kỳ họp hàng năm về tình hình quy hoạch, quản lý giết mổ, vận chuyển, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm ở địa phương.

 

Bộ Y tế ban hành Thông tư về danh mục các chất cấm sử dụng trong sản xuất thực phẩm trong tháng 11/2012.

 

Xác định sản phẩm chủ lực của từng địa phương

 

Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, để đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế của các sản phẩm chủ lực vùng đồng bằng sông Hồng, các Bộ, ngành cần ban hành quy định về sản phẩm chủ lực của từng vùng, trên cơ sở đó địa phương xác định sản phẩm chủ lực của mình.

 

Phó Thủ tướng yêu cầu mỗi địa phương có thể xác định và phát triển một số sản phẩm chủ lực, bao gồm sản phẩm chủ lực của vùng, của quốc gia và sản phẩm chủ lực đặc thù của địa phương. Việc phát triển sản phẩm chủ lực ở các địa phương phải có sự gắn kết với nhau và gắn với phát triển sản phẩm quốc gia.

 

Sản phẩm chủ lực của vùng thuộc ngành, lĩnh vực nào do Bộ quản lý ngành đó chịu trách nhiệm xác định và tổ chức chỉ đạo phát triển. Đối với sản phẩm chủ lực của địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm xác định và tổ chức chỉ đạo phát triển.