"Làm đường to, đẹp là để dân mình đi"

09:57, 26/01/2013

Cuối năm 2012, ngay sau khi quy hoạch xây dựng nông thôn mới của xã Trung Thành (Phổ Yên) được phê duyệt, nhân dân xóm Thanh Xuyên 5 đã tiên phong góp tiền của, sức lao động và hiến hàng trăm m2 đất để xây dựng hơn 700m đường bê tông. Điều đáng nói là có những gia đình thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo nhưng đã tự nguyện hiến đất, chặt cây cối, tháo dỡ công trình để thi công con đường, đưa vào sử dụng ngày 15/1 vừa qua.

Về xóm Thanh Xuyên 5 đúng hôm gió rét và mưa dày hạt, tôi nghĩ ngay đến cảnh phải gồng mình giữ tay lái thật chắc thì mới vào được khu "rẻo cao" của xóm như hơn 2 năm trước đây, thế nhưng tôi đã lầm. Trước mắt chúng tôi là con đường bê tông rộng rãi theo đúng tiêu chuẩn xây dựng nông thôn mới.

 

Chúng tôi gọi Thanh Xuyên là "rẻo cao" vì ở đây địa hình đồi núi cao hơn hẳn so với bên ngoài, hơn nữa, trước đường đi rộng chưa đầy 2m, xung quanh trông um tùm bởi toàn tre nứa và cỏ dại. Cuộc sống của người dân nơi đây tách biệt với bên ngoài, con gà, con lợn làm ra đều bị tư thương vào mua ép giá. Hạt thóc đến ngày được gặt chở từ đồng về nhà cũng khó khăn. Khổ nhất là cảnh trẻ con đạp xe đến trường gặp phải những hôm trời mưa ngã lấm lem cả quần áo. Bởi vậy, con đường bê tông không chỉ làm mới diện mạo ở "rẻo cao" mà làm thay đổi tầm nhìn, tư duy của người dân, mở ra hướng phát triển kinh tế mới. Qua con đường này, người dân các xóm trong 3 xã Trung Thành, Đông Cao, Tân Phú có thể dễ dàng, nhanh chóng đi ra Quốc lộ 3.

 

Mơ ước về con đường bê tông rộng rãi, sạch sẽ để đi lại, thông thương, sản xuất thuận tiện của người dân xóm Thanh Xuyên 5 thành hiện thực khi tháng 8-2012, xã Trung Thành được phê duyệt quy hoạch xây dựng nông thôn mới, xóm đã đăng ký đối ứng hơn 240 triệu đồng (40%) xây dựng 700m đường bê tông trị giá trên 800 triệu đồng (mỗi khẩu đóng góp 50 nghìn đồng). Tuy nhiên, điều khó khăn là việc xây dựng đường sẽ ảnh hưởng tới 18 hộ dân với trên 800m2 đất canh tác, thổ cư, vườn tạp và nhiều tường bao, các loại cây tre, nứa nên cần các hộ hiến đất không có bồi thường. Những gia đình này lại đa phần là hộ nghèo, cận nghèo đang thiếu đất sản xuất. Thế nhưng khi xóm thông báo, họ đều đồng tình. Chưa đầy 3 tuần, người dân trong khu vực bị ảnh hưởng đã tự nguyện hiến đất, chặt cây cối, phá bỏ tường rào để bàn giao mặt bằng thi công. Đáng ghi nhận là 7 hộ trong gia đình cụ Phạm Quốc Oai (gồm các em ruột và con trai, con gái của cụ), bị ảnh hưởng trên 500m2 đất các loại, mặc dù đều thuộc diện cận nghèo, hộ nghèo và mới thoát nghèo đã tự nguyện hiến đất và dỡ bỏ tài sản trên đất trị giá trên 100 triệu đồng để làm con đường. Trò chuyện với chúng tôi, cụ Oai bảo: Đường là của chung. Làm đường to, đẹp là để dân mình đi lại thuận tiện hơn. Vì thế, gia đình tôi cũng như các hộ khác phải có trách nhiệm xây dựng chứ không thể trông chờ hoàn toàn vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

 

Nói về việc làm này của gia đình cụ Oai, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng xóm Thanh Xuyên 5 cho biết: Ông bà Oai tuổi cao, hay ốm đau, bệnh tật, thuộc diện thường xuyên nhận trợ cấp khó khăn của xóm, vậy mà trong thời buổi "tấc đất, tấc vàng" này, ông đã tự nguyện hiến trên 50m2 đất ở, phá bỏ tường rào, toàn bộ rặng tre vầu dài 15m. Ban đầu, khi hai hộ con gái là Phạm Thị Xuân và Phạm Thị Lan chưa đồng ý, ông Oai đã phân tích cặn kẽ thấu đáo để các con hiểu. Chưa đầy một tuần, các con cái, anh chị em gia đình ông Oai đã chặt cây cối, phá bỏ tường rào, tạo điều kiện để chúng tôi xây dựng con đường theo đúng kế hoạch. Hơn thế, khi xóm có ý kiến không thu tiền đóng góp của các hộ nghèo và cận nghèo, ông Oai và các con đã xin đóng góp theo định mức như các hộ dân khác. Riêng con trai ông là Phạm Quốc Tuấn còn ủng hộ thêm 500 nghìn đồng, con gái Phạm Thị Thắng lấy chồng ở xa cũng ủng hộ xóm 100 nghìn đồng.

 

Trước sự gương mẫu vì lợi ích tập thể của gia đình ông Oai, nhiều hộ dân khác trong xóm thuộc diện bị ảnh hưởng cũng đồng thuận hiến trên 200m2 đất, chặt phá tre, phá bỏ hàng rào như bà Nguyễn Thị Cúc, ông Lã Văn Hùng, Lê Đình Sơn, Lê Văn Minh... Còn gia đình bà Lê Thị Thìn, hộ làm kinh tế trang trại giỏi trong xóm đã góp thêm 10 triệu đồng xây dựng đường bê tông. Nói về chuyện làm đường, bà Thìn bảo: Nhà cụ Oai là hộ nghèo, bệnh tật như vậy còn hiến đất và đóng góp tiền, gia đình tôi có kinh tế khá hơn càng phải có trách nhiệm tham gia. Từ sự thành công trong xây dựng đường bê tông ở Thanh Xuyên 5, hai xóm Thu Lỗ và Thanh Xuyên 4 của xã Trung Thành cũng đã xây dựng trên 400m đường bê tông theo quy hoạch được phê chuẩn trong năm 2012.

 

Cho xe chạy trên con đường mới, tôi thầm nghĩ nếu ở đâu các hộ dân cũng có tinh thần vì lợi ích tập thể như gia đình ông Oai và người dân xóm Thanh Xuyên 5 thì việc xây dựng nông thôn mới của xã Trung Thành nói riêng, cả tỉnh nói chung chắc chắn sẽ thuận lợi hơn nhiều...