Thực hiện Thông tư số 30: Không có nghĩa là cấm kinh doanh trên đường phố

09:20, 19/01/2013

Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đang là mối quan tâm của người dân, đặc biệt là khi Tết Nguyên đán Quý Tỵ đang đến gần, nhu cầu thực phẩm càng tăng cao, nguy cơ mất VSATTP cũng gia tăng. Từ ngày 20/1/2013, Thông tư số 30/2012/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn có hiệu lực. Theo đó, hàng nghìn cơ sở kinh doanh, chế biến thức ăn đường phố phải thay đổi để đảm bảo yêu cầu… Phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn đồng chí Ma Thị Nguyệt, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo VSATTP tỉnh về vấn đề này.

P.V: Thưa đồng chí, Thông tư 30 của Bộ Y tế với những quy định chặt chẽ trong hoạt động chế biến, kinh doanh thức ăn đường phố sẽ làm ảnh hưởng đến một bộ phận lớn người dân kinh doanh. Vậy, đồng chí nhận định thế nào về mức ảnh hưởng này?

 

Đồng chí Ma Thị Nguyệt: Trước tiên phải khẳng định, Thông tư 30 ra đời không có nghĩa là sẽ cấm kinh doanh trên đường phố mà đây sẽ là hành lang cơ bản để chúng ta tiến tới việc kinh doanh dịch vụ ăn uống đường phố phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) cho người dân. Việc này có lợi lớn nhất cho người tiêu dùng. Mặc dù vậy, chúng tôi cũng cho rằng việc thực hiện những quy định của Thông tư là khó khăn với chính người bán hàng và đặt ra những thách thức với cấp quản lý trong việc triển khai quy định này thời gian tới.

 

Tỉnh Thái Nguyên có trên 8 nghìn cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm, trong đó có tới trên 60% là các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm đường phố. Hầu hết các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm đường phố không có đăng ký kinh doanh, thậm chí nhiều cơ sở kinh doanh lưu động khiến việc kiểm tra, kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Theo Thông tư 30, tới đây, các hộ kinh doanh đường phố phải có “bàn ghế, giá tủ để bày bán thức ăn, đồ uống phải cách mặt đất ít nhất 60cm”; “Nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thực phẩm bao gói, chế biến sẵn bảo đảm có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định”… Những quy định này sẽ làm ảnh hưởng tới nhiều người đang chế biến, kinh doanh thực phẩm đường phố, đồng thời khiến cho công tác quản lý, giám sát về VSATTP thêm khó khăn.

 

Trước mắt, với những quy định của Thông tư 30, tỉnh chỉ đạo Chi cục VSATTP phải sớm tuyên tuyền, phổ biến và hướng dẫn người dân thực hiện.

 

P.V: Được biết, hiện nay mới chỉ có 28% số cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP, trong đó hầu hết các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm đường phố đều chưa được cấp. Xin đồng chí cho biết nguyên nhân và biện pháp khắc phục tình trạng này?

 

Đồng chí Ma Thị Nguyệt: Sở dĩ tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP đạt thấp như trên là do theo Quyết định số 11/2006/QĐ-BYT ngày 9-3-2006 của Bộ Y tế về việc ban hành "Quy chế cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao" thì các cơ sở thực phẩm phải đảm bảo 3 điều kiện bắt buộc về cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người theo đúng quy định mới được thẩm định và cấp Giấy chứng nhận. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm thuộc các nhóm thực phẩm nêu trên của tỉnh hầu hết có quy mô nhỏ lẻ, chưa đủ điều kiện nên không thể cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP.

 

Để triển khai thực hiện tốt hoạt động cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP, với mục tiêu đến hết năm 2013 tỷ lệ cơ sở được cấp Giấy chứng nhận theo quy định đạt 80%, các cơ sở nhỏ lẻ (không phải cấp Giấy chứng nhận) được ký cam kết thực hiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm với chính quyền địa phương đạt 60%, tỉnh có một số giải pháp cụ thể như sau: Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các ngành liên quan: Y tế, Công Thương và Nông nghiệp - Phát triển nông thôn trong việc tổ chức cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP; phân cấp quản lý các cơ sở thực phẩm theo ngành, theo các cấp địa phương; Chỉ đạo các địa phương hướng dẫn ký cam kết thực hiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm với các cơ sở thực phẩm sản xuất ban đầu nhỏ lẻ, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, bán hàng rong, kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn không yêu cầu điều kiện bảo quản đặc biệt theo quy định không phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.

 

P.V: Thưa đồng chí, dịp Tết Nguyên đán này, tỉnh sẽ triển khai các hoạt động gì để đảm bảo VSATTP cho người dân?

 

Đồng chí Ma Thị Nguyệt: Ban Chỉ đạo VSATTP tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác tuyên truyền “Tháng cao điểm về an toàn thực phẩm Tết năm 2013” và triển khai đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành về ATTP trên địa bàn tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 với mục tiêu huy động toàn thể nhân dân, chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý các cấp tham gia vào việc phổ biến, tuyên truyền công tác bảo đảm chất lượng VSATTP nhằm nâng cao nhận thức - ý thức - thái độ - thực hiện của các nhóm đối tượng, qua đó hạn chế đến mức thấp nhất các vụ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm hoặc sự cố về an toàn thực phẩm, để góp phần thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, chỉ tiêu trong “Tháng cao điểm về an toàn thực phẩm Tết năm 2013” với chủ đề “Bữa ăn an toàn”.

 

Trong dịp này, tỉnh sẽ tổ chức các đoàn tiến hành công tác kiểm tra, thanh tra toàn diện, tập trung vào những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán, trong đó chú trọng những cơ sở có dấu hiệu vi phạm về bảo đảm VSATTP. Đối tượng kiểm tra tập trung vào các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán (như thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo)... các cơ sở dịch vụ ăn uống. Trong đó, các đoàn của tỉnh tập trung thanh tra, kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm với số lượng lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. Đối với các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở dịch vụ ăn uống chủ yếu do cấp huyện, xã tiến hành thanh tra, kiểm tra...

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!