Bệnh dại có nguy cơ bùng phát

10:39, 25/03/2013

Hơn 20 năm qua, Thái Nguyên được Trung ương đánh giá là 1 trong 10 địa phương của cả nước thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác phòng, chống bệnh dại . Tuy nhiên, sau nhiều năm không có người chết do chó dại cắn, số ổ bệnh dại ít xuất hiện trên địa bàn nên ý thức của một số ban chỉ đạo cơ sở và người dân nông thôn về vấn đề này đang dần “trùng”  xuống…

Ngày 17/3 vừa qua được Chi cục Thú y Thái Nguyên ấn định là thời điểm đồng loạt 9 địa phương trong tỉnh ra quân tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó nhưng ở nhiều nơi, nhất là một số vùng nông thôn, người dân không mấy mặn mà với việc làm này nên tỷ lệ đàn chó được tiêm phòng chỉ đạt khoảng 40%, tương đương 120 nghìn con (năm 2012 là 114 nghìn con). Đối với một số địa phương, tỷ lệ đàn chó được tiêm phòng đạt rất thấp như: Phú Bình khoảng 8,5 nghìn con (chiếm khoảng 28%), Phổ Yên gần 7 nghìn con (khoảng 35%), Đồng Hỷ gần 7 nghìn con (khoảng 40%)… Địa phương đạt tỷ lệ cao nhất tỉnh trong công tác này là T.P Thái Nguyên cũng chỉ ở mức trên 22 nghìn con (đạt gần 70%).

 

 

Chi phí để tiêm phòng bệnh dại cho chó (gồm cả phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ nuôi và vắc-xin) là 17 nghìn đồng/con thì không phải là một khoản tiền quá lớn nhưng nhiều hộ dân bất hợp tác với cán bộ thú y. Bác sĩ thú y Lê Thị Loan, cán bộ Trạm Thú y huyện Phú Bình cho biết: “Chúng tôi và thú y viên cơ sở đi vận động tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó, nhiều người dân không hợp tác nói chó thả rông nên cán bộ bắt được thì tiêm. Ý thức của người dân không cao, chính quyền cấp xã lại không có chế tài bắt buộc, xử lý chủ nuôi không tiêm bệnh phòng dại cho đàn chó, chính vì vậy mà đã qua ngày tiêm phòng đại trà, Trạm Thú y Phú Bình vẫn còn tồn tới 970 liều vắc-xin, trong khi gần 70% đàn chó trên địa bàn chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh dại…” . Năm ngoái, tại huyện Đồng Hỷ đã bùng phát ổ bệnh chó dại ở xã Nam Hòa nên Chi cục Thú y phải phối hợp với chính quyền cơ sở tập trung dập dịch nhưng năm nay, số chó được chủ nuôi đăng ký tiêm phòng bệnh dại trong toàn huyện cũng chưa đạt 7 nghìn con. Theo ông Mai Tuấn Anh, Trưởng phòng Dịch tễ (Chi cục Thú y): “Tình trạng chủ nuôi thoái thác việc tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó là rất đang báo động vì như vậy loại bệnh gây nguy hiểm cho con người này sẽ bùng phát bất cứ lúc nào. Do vậy, ngoài tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, chúng tôi đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh dại cơ sở cần thực hiện biện pháp mạnh là tiêu diệt những con chó không được tiêm phòng vắc-xin, xử phạt hành chính đối với chủ nuôi…”.

 

Bình quân mỗi năm, đơn vị bảo hiểm phải giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho trên 400 người bị chó cắn (tỷ lệ trẻ em dưới 10 tuổi là 60%) và nếu trong số những con chó cắn người này mà không được tiêm phòng vắc-xin, mắc bệnh dại thì hậu quả thật khó lường.