Cần sự thiện chí phối hợp của chủ đầu tư

10:21, 26/04/2013

Người dân ngăn cản việc san lấp mặt bằng triển khai Dự án, trong khi chủ đầu tư chưa chuyển số tiền hỗ trợ chênh lệch theo cam kết và tỏ ra thiếu thiện chí phối hợp với các cơ quan chức năng để giải quyết vấn đề. Tình trạng này kéo dài đã 3 năm nay tại khu B, Khu công nghiệp (KCN) Nam Phổ Yên.

Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng  khu B – KCN Nam Phổ Yên được Ban Quản lý các KCN tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty CP Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki (Hà Nội) ngày 17/4/2008, trên diện tích 26,7ha tại xã Thuận Thành. Ngoài việc xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, chủ đầu tư còn dự kiến xây dựng tại đây nhà máy sản xuất phụ tùng và lắp ráp các loại ô tô. Theo ông Lê Văn Khôi, Phó Ban Quản lý các KCN tỉnh thì giai đoạn đầu, Dự án được triển khai thuận lợi, chủ đầu tư rất tích cực đẩy nhanh tiến độ, phần lớn người dân có đất bị ảnh hưởng thể hiện sự đồng thuận cao. Sau khi giải phóng mặt bằng (GPMB) xong giai đoạn 1 với diện tích khoảng 7ha, nhà đầu tư đã xây dựng tại đó một nhà máy đúc gang và thép hợp kim.

 

 

Việc GPMB gần 20ha còn lại tiếp tục diễn ra khá thuận lợi, nhưng đúng thời điểm Nghị định số 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ chuẩn bị có hiệu lực thi hành (Nghị định số 69 quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ và tái định cư, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2009), nên người dân đề nghị được chờ và áp dụng mức đền bù, hỗ trợ theo quy định mới. Nhưng do yêu cầu về mặt bằng để thi công Dự án, chủ đầu tư đề nghị Ban bồi thường GPMB huyện Phổ Yên chi trả tiền cho các hộ dân theo phương án đã phê duyệt (áp dụng Nghị định 84/2007/NĐ-CP của Chính phủ, quy định bổ sung về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai), đồng thời hứa sẽ có trách nhiệm hỗ trợ số tiền chênh lệch về bồi thường, hỗ trợ theo quy định tại Nghị định 69 so với Nghị định 84 cho người dân.

 

Nhưng đến nay, các hộ dân đã chấp thuận nhận tiền, bàn giao mặt bằng vẫn chưa nhận được số tiền hỗ trợ chênh lệch. Đó là lý do chính dẫn đến việc họ đã ngăn cản không cho đơn vị thi công san lấp mặt bằng và Dự án “dậm chân tại chỗ” từ đó. Ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng xóm Lai 2, xã Thuận Thành cho biết: “Chúng tôi đã rất kỳ vọng vào dự án này, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách về GPMB, nhưng sự thất hứa của chủ đầu tư đã làm giảm niềm tin của người dân và tạo ra tâm lý bức xúc”. Được biết, có thời điểm như đầu năm 2010, nhiều người dân đã kéo tới khu vực đang thi công, ngăn chặn quyết liệt việc đổ đất san lấp mặt bằng Dự án. Khoảng 1 năm trở lại đây, nhiều diện tích đất thuộc Dự án (đã được thu hồi và đang bỏ hoang) được người dân tận dụng trồng cấy, phần còn lại bị bỏ hoang do đã san lấp hoặc ngập úng.

 

Để giải quyết vấn đề này, lãnh đạo UBND tỉnh đã tổ chức một số cuộc họp với các sở, ngành liên quan, chủ đầu tư và huyện Phổ Yên, kết quả là chủ đầu tư đồng ý hỗ trợ 50% số tiền chênh lệch (9 tỷ đồng), số còn lại sẽ do tỉnh hỗ trợ. Nhưng đã 3 năm trôi qua, chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện và yêu cầu số tiền này phải được trừ vào tiền thuê đất 1 lần. Người dân vẫn tiếp tục kiến nghị, đồng thời ngăn cản thi công.

 

Theo ý kiến của đại diện một số cơ quan liên quan thì sự thiện chí phối hợp của chủ đầu tư đóng vai trò quyết định. Ông Lê Văn Khôi cho rằng, giải pháp mang tính chủ động hiện nay là cho phép chủ đầu tư được chuyển từ hình thức thuê đất sang được giao đất có thu tiền sử dụng đất, được nộp tiền một lần thay vì trả tiền thuê đất hằng năm. Số tiền này sẽ được trích dùng để hỗ trợ chi trả chênh lệch cho người dân, ngoài ra tỉnh có thể sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển hạ tầng các KCN (theo cơ chế đã ban hành) và nguồn thu tiền sử dụng đất nêu trên để giải quyết dứt điểm tồn tại. Cuối năm 2012, Sở Tài Nguyên và Môi trường đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh chấp thuận cho Công ty TNHH Một thành viên Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki Thái Nguyên (thuộc Công ty CP Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki) được chuyển sang hình thức Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, theo đề nghị của công ty này. Thời gian tới, Ban Quản lý các KCN tỉnh sẽ tăng cường đôn đốc, hướng dẫn chủ đầu tư lập hồ sơ theo quy định khi được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương.

 

Tuy nhiên, cũng như giai đoạn trước đó, chủ đầu tư đang tỏ ra thiếu thiện chí phối hợp, biểu hiện là khó liên lạc và có khi không cử đại diện đến dự họp để thống nhất cách giải quyết vấn đề. Ông Lê Thanh Tuyết, Chủ tịch UBND huyện Phổ Yên cho biết: Sắp tới, chúng tôi tiếp tục mời chủ đầu tư đến làm việc, yêu cầu chuyển tiền để huyện làm thủ tục chi trả cho người dân như đã cam kết, cũng như thúc đẩy tiến độ Dự án. Nếu không, huyện sẽ đề nghị tỉnh thu hồi gần 20ha đất đang vướng mắc để giao cho nhà đầu tư khác. Tình hình này nếu tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường thu hút đầu tư, hiệu quả sử dụng đất và gây bức xúc trong nhân dân.

 

Hướng giải quyết đã khá rõ ràng, người dân vẫn đang ngóng chờ, trong khi chủ đầu tư chưa cho thấy những động thái tích cực…