Diện tích cần cấp Giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân trong tỉnh năm 2013 ít hơn so với diện tích cần cấp lần đầu cho tổ chức nhưng độ phức tạp lại hơn nhiều do số thửa được chia nhỏ, người quản lý sử dụng đất có điều kiện kinh tế, trình độ nhận thức rất khác nhau...
Kỳ II: Vẫn còn thái độ “bình thản”
Khác với sự chủ động của các cơ quan Nhà nước, khi tìm hiểu quá trình triển khai công tác cấp Giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu tại một số tổ chức đang sử dụng diện tích đất rất lớn trên địa bàn tỉnh, chúng tôi lại cảm nhận có sự “bình thản” và tâm lý “sức tới đâu, làm tới đó”. Cùng với đó là một số hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh cũng nhận thức chưa thỏa đáng về việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ nên phối hợp thiếu chặt chẽ với cán bộ chuyên môn trong việc hoàn tất các thủ tục hành chính, thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định…
Cụ thể, Chi nhánh Lâm trường Phúc Tân được giao quản lý 4.465ha tại 3 địa phương (huyện Phổ Yên, T.X Sông Công, T.P Thái Nguyên) nhưng diện tích đang có tranh chấp là 375,9ha, diện tích bị lấn chiếm, không quản lý được lên tới 3.148ha. Ông Nguyễn Ngọc Đoan, Giám đốc Chi nhánh Lâm trường Phúc Tân cho biết: “Đơn vị rất muốn đo đạc lại diện tích đất được giao để sau đó trả lại cho địa phương quản lý 3.148ha. Điều khó khăn nhất hiện nay là Chi nhánh không đủ năng lực tài chính để bỏ ra toàn bộ kinh phí đo đạc bản đồ và thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước khi tiến hành cấp Giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu. Thêm nữa chúng tôi đang đợi lãnh đạo Công ty thực hiện những chính sách tương tự tại 2 tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn rồi mới tiến hành công việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ đất của đơn vị được giao quản lý trên địa bàn Thái Nguyên. Năm 2013, nếu thuận lợi, chúng tôi sẽ tiến hành làm thí điểm công tác đo đạc bản đồ địa chính, hoàn tất thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu khoảng 250ha trên địa bàn T.X Sông Công”.
Tại Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đại Từ tiến độ triển khai cấp Giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu đối với những diện tích được giao quản lý cũng rất chậm và lúng túng. Hiện Công ty này đang sử dụng đất trên địa bàn 5 xã: Quân Chu, Yên Lãng, Phú Lạc, Tân Linh, Minh Tiến nhưng mới đo đạc được 1.700ha, còn 300ha chưa được đo đạc, 400ha có tranh chấp. Ông Tầu Văn Hải, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đại Từ cho biết: “Công tác cấp Giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu của đơn vị ngoài khó khăn về kinh phí để thực hiện nghĩa vụ tài chính, bí nhất hiện nay là việc đo đạc bản đồ. Được sự giúp đỡ của Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2010, chúng tôi đã đo đạc bản độ địa chính được 1.700ha nhưng lại đo bao cả diện tích đất sông, suối nên vẫn phải rà soát, chỉnh lý lại. Nỗ lực lắm năm nay, đơn vị cũng chỉ có thể hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ đất trên diện tích khoảng 1.000ha, phần đất còn lại sẽ phải thực hiện cấp Giấy chứng nhận QSDĐ vào những năm sau…”.
Ngay sự phối hợp giữa các sở, ngành của tỉnh trong việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu cho các cơ quan, đơn vị trong năm nay như: đất rừng, đất quốc phòng, đất an ninh, đất trường học, đất cơ sở y tế…cũng chưa được triển khai đảm bảo tiến độ. Đơn cử như đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin diện tích của 3 Ban Quản lý rừng trực thuộc tỉnh quản lý đã được thống kê xong, phần việc còn lại để cấp Giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu thuộc trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường. Nhưng khi làm việc với chúng tôi, ông Phan Thanh Hà, Trưởng phòng Quản lý đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường) lại cho rằng: “Cán bộ chuyên môn của Sở sẵn sàng phối hợp, hướng dẫn về chuyên môn cho các chủ sử dụng đất nhưng đơn vị sử dụng đất phải có đơn xin cấp Giấy chứng nhận QSDĐ và thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Sở Tài nguyên và Môi trường không thể làm thay thủ tục thuộc trách nhiệm của đơn vị, tổ chức sử dụng đất…”. 11 nông, lâm trường và 3 Ban Quản lý rừng đang quản lý tới 58,9 nghìn héc-ta nên nếu tiến độ cấp Giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu (năm 2013 phải cấp Giấy trên 16,5 nghìn héc-ta) không được thực hiện triệt để sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả chung của tỉnh.
Diện tích cần cấp Giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân trong tỉnh năm 2013 ít hơn so với diện tích cần cấp lần đầu cho tổ chức nhưng độ phức tạp lại hơn nhiều do số thửa được chia nhỏ, người quản lý sử dụng có điều kiện kinh tế, trình độ nhận thức rất khác nhau. Do vậy, tại tất cả 9 huyện, thành, thị hiện nay đều có vướng mắc ngay từ bước kê khai số thửa, diện tích, loại đất hay nguồn kinh phí để thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước khi cấp Giấy chứng nhận QSDĐ. Bà An Thị Hương, Phó Giám đốc Văn phòng Cấp quyền sử dụng đất huyện Đồng Hỷ thông tin: “Qua kiểm tra tại một số xã trên địa bàn huyện, chúng tôi thấy hầu hết là các hộ gia đình, cá nhân đều mong muốn được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu đối với những diện tích đang quản lý, sử dụng. Nhưng cũng có trường hợp người đang canh tác, sử dụng đất không muốn kê khai, không phối hợp với cán bộ chuyên môn ký kết các biên bản giáp ranh, đo đạc vị trí thửa đất vì lo tăng, giảm diện tích, lo nguồn kinh phí hoặc một số hộ vắng mặt tại địa phương nên chưa kịp kê khai. Không thực hiện được những việc làm bắt buộc theo quy định của Luật Đất đai thì chính quyền không thể cấp Giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân”. Bà Nguyễn Thị Minh Tú, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường T.X Sông Công thông tin thêm: “Các gia đình, cá nhân đang sử dụng đất thanh lý của nhà máy, xí nghiệp rất muốn được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ nhưng theo quy định mới của Chính phủ buộc họ phải thực hiện nghĩa vụ tài chính. Theo khung giá đất của UBND tỉnh năm 2013, số tiền phải nộp để được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ lên đến hàng trăm triệu đồng nên những hộ khó khăn về kinh tế chưa đủ khả năng để thực hiện, một số hộ khác lại so bì với những hộ được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ từ trước tháng 3/2011 không phải thực hiện nghĩa vụ tài chính nên có ý ỷ lại…”.
Theo chúng tôi, việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu có lợi đối với Nhà nước, các tổ chức, cá nhân và công tác này không thể kéo dài mãi. Do vậy, những trường hợp triển khai công tác cấp Giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu không đảm bảo tiến độ, thiếu tinh thần hợp tác thì cơ quan thường trực là Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện ngoài đốc thúc cần lập biên bản để có cơ sở xử lý người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cấp ủy, chính quyền các địa phương hoặc tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất để “thủng” chỉ tiêu cấp Giấy chứng QSDĐ năm 2013, ảnh hưởng tới nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Ông Đinh Công Ích, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường T.P Thái Nguyên: “Ngoài số hộ chưa thể cấp Giấy chứng nhận QSDĐ ở xã Đồng Bẩm do liên quan đến đất quốc phòng và một số hộ phi nông nghiệp nhưng đang quản lý, canh tác đất nông nghiệp theo Nghị định 84 của Chính phủ thì trên địa bàn T.P Thái Nguyên hiện còn 228 hộ thuộc diện sử dụng nhà thanh lý nhưng không chấp nhận việc thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Cá biệt có 15 hộ ở phường Quan Triều đã hoàn tất hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận QSDĐ và cơ quan Thuế đã có thông báo nộp thuế lần 2 nhưng không thực hiện nghĩa vụ tài chính. Đối với những trường hợp này, T.P Thái Nguyên không thể cấp Giấy chứng nhận QSDĐ…”. |
Ông Đỗ Quảng, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Núi Cốc: “Chúng tôi là chủ rừng nên rất muốn được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ để quản lý hiệu quả hơn và thực hiện việc kinh doanh từ tài nguyên rừng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thủ tục thực hiện thế nào thì cần cơ quan chuyên môn hướng dẫn chi tiết. Riêng nghĩa vụ tài chính với Nhà nước nên miễn vì chúng tôi thay mặt Nhà nước quản lý rừng…”. |