Nguồn lực tài chính, con người đã sẵn sàng nên UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai công tác cấp Giấy chứng nhận QSDĐ đối với tất cả những diện tích đất đã được hỗ trợ kinh phí đo đạc bản đồ địa chính từ năm 2012 trở về trước, tận dụng các bản đồ hiện có để chỉnh lý, tiến hành cấp Giấy đối với những hồ sơ đủ điều kiện, không khoanh vùng, phân biệt loại đất.
Kỳ III- Từng “nút thắt” cần có cách tháo g ỡ riêng
Số diện tích đất phải cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) lần đầu trên địa bàn chỉ còn 25,6%, tương đương trên 67,5 nghìn héc-ta và năm nay UBND tỉnh phấn đấu hoàn thành cấp Giấy cho diện tích 31,5 nghìn héc-ta. Đây là chỉ tiêu rất khiêm tốn nhưng khi hoàn thành sẽ có tác dụng lớn đối với sự phát triển của tỉnh trên các mặt: tăng thu ngân sách từ các loại thuế, phí; công tác quản lý đất đai dần hướng tới sự khoa học, đúng theo quy định của pháp luật; uy tín và tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư của tỉnh sẽ tăng lên; tình hình khiếu kiện, tranh chấp liên quan đến đất đai sẽ giảm…
Đó là những mặt lợi cho công tác của quản lý Nhà nước đối với tài nguyên đất, còn các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu đối với những diện tích đang quản lý, sử dụng sẽ có căn cứ pháp lý để chứng minh và bảo vệ quyền sở hữu, định đoạt; dùng quyền sử dụng đất để mua bán, cầm cố, cho thuê… Nhưng 25,6% diện tích đất còn lại là “hòn đá tảng” vì hầu hết đều có vướng mắc, tồn tại kéo dài như: đất chưa được đo đạc bản đồ địa chính; diện tích đất có tranh chấp, nhiều chủ quản lý; chủ sử dụng đất khó khăn về điều kiện tài chính, chưa ý thức được tầm quan trọng của Giấy chứng nhận QSDĐ… Dẫn đến, chủ sử dụng đất tiến hành các bước để cơ quan chức năng cấp Giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu luôn trong tình trạng chậm hoặc thiếu thủ tục hành chính.
T.P Thái Nguyên hiện đã hoàn thành cấp Giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu đạt 95,5% diện tích nhưng rất khó để hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận cho 4,5% diện tích còn lại. Chỉ đơn cử như 231 hộ dân ở các xóm Tân Thành 1, Tân Thành 2, Nhị Hòa (xã Đồng Bẩm) đã sử dụng đất ở, đất canh tác tại khu vực sân bay từ trước khi Luật Đất đai ra đời nhưng diện tích đất trên UBND tỉnh đã giao cho Quân khu 1 quản lý. Ông Nguyễn Văn Thi, Chủ tịch UBND xã Đồng Bẩm thông tin: “Chưa cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho người dân nên việc quản lý về trật tự xây dựng rất khó khăn và yêu cầu người dân thực hiện nghĩa vụ của chủ sử dụng đất đối với Nhà nước cũng khó. Qua rất nhiều hội nghị, Quân khu 1 đã chấp thuận trả lại địa phương khoảng 75ha diện tích đất ở, đất canh tác, đất giao thông, đất cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, đến nay vấn đề này vẫn chưa được giải quyết…”.
T.X Sông Công đã hoàn thành cấp Giấy chứng nhận QSDĐ gần 98,5% diện tích và chỉ còn tương đương với 72,8ha phải cấp Giấy nhưng ngoài những diện tích chưa thống kê được, vẫn vướng mắc xung quanh việc hàng trăm hộ dân sử dụng nhà thanh lý của các đơn vị, doanh nghiệp trước đây và giờ theo quy định của pháp luật phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước mới được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ.
7 địa phương còn lại trong tỉnh thì việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân cũng đang gặp rất nhiều khó khăn do một số người dân không chủ động kê khai những diện tích đất đã sử dụng trong nhiều năm. Vì thế, giải pháp của chính quyền các địa phương trên không chỉ dừng ở việc ban hành các văn bản hành chính, hô hào chung chung, chỉ tập trung vào cấp Giấy chứng nhận QSDĐ lâm nghiệp mà nên có kế hoạch cụ thể cho người dân ở từng xóm, tổ dân phố để họ phối hợp đo đạc, kê khai, chuẩn bị kinh phí. Anh Nguyễn Văn Phước, cán bộ địa chính - xây dựng xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) cho biết: “Diện tích cần phải cấp Giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu trên địa bàn còn tới 985,2ha nhưng địa bàn quá rộng trong khi chỉ có 2 cán bộ làm công tác địa chính, nếu không có sự hỗ trợ về nghiệp vụ chuyên môn thì chúng tôi rất khó hoàn thành kế hoạch. Đặc biệt, ở các xóm có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Đèo Bụt, Bãi Vàng nhận thức của người dân còn hạn chế về Giấy chứng nhận QSDĐ, khó khăn về kinh tế nên Nhà nước nên có chính sách miễn nghĩa vụ tài chính”. Đại diện các nông, lâm trường và Ban Quản lý rừng cũng băn khoăn và đề nghị được tỉnh giúp đỡ tháo gỡ kịp thời về tài chính, hỗ trợ nghiệp vụ chuyên môn, đo đạc chỉnh lý bản đồ…
Từ thực tế khó khăn của các đơn vị, hộ gia đình cá nhân, chúng tôi đã trao đổi với đại diện cơ quan thường trực trong công tác cấp Giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu là Sở Tài nguyên và Môi trường được biết: Nguồn kinh phí đo đạc chỉnh lý bản đồ đối với đất của các tổ chức, doanh nghiệp khoảng 5 tỷ đồng và đã được tỉnh cân đối ứng trước sau đó sẽ tính toán vào tiền sử dụng đất của các đơn vị hàng năm. Đối với kinh phí đo đạc chỉnh lý bản đồ diện tích đất của các hộ gia đình, cá nhân, cấp huyện sẽ cân đối 10% thu từ tài nguyên đất (những đơn vị 10% từ đất không đủ thực hiện công tác cấp Giấy chứng nhận QSDĐ thì báo cáo để tỉnh hỗ trợ). Việc đo đạc chỉnh lý bản đồ ở cấp xã sẽ được Sở Tài nguyên và Môi trường giới thiệu các đơn vị tư vấn thực hiện ngay khi các địa phương có nhu cầu và cho nợ kinh phí đo đạc.
Về nghĩa vụ tài chính, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường thông tin: Các tổ chức khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu chỉ phải nộp 1,5 triệu đồng tiền phí thẩm định hồ sơ (khoản tiền này Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ cho các đơn vị nợ lại) và 100.000 đồng tiền lệ phí cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, 7.000 đồng tiền tách thửa. Riêng với đất sản xuất người dân tự khai phá khi cấp Giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu không mất bất kỳ khoản phí nào, đất ở nông thôn cấp Giấy mất 15.000 đồng tiền phí, đất ở đô thị mất 25.000 đồng tiền phí. Như vậy là những khúc mắc về nghĩa vụ tài chính của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi cấp Giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu đã được giải đáp và khoản chi phí này không quá lớn. Riêng về nguồn lực con người, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định, đã bố trí đủ và những đơn vị, địa phương cần hỗ trợ có văn bản đề nghị sẽ được giải quyết kịp thời.
Nguồn lực tài chính, con người đã sẵn sàng nên UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai công tác cấp Giấy chứng nhận QSDĐ đối với tất cả những diện tích đất đã được hỗ trợ kinh phí đo đạc bản đồ địa chính từ năm 2012 trở về trước, tận dụng các bản đồ hiện có để chỉnh lý, tiến hành cấp Giấy đối với những hồ sơ đủ điều kiện, không khoanh vùng, phân biệt loại đất.
Công tác cấp Giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu cho các tổ chức cá nhân đã thực sự trở thành chủ đề nóng, nhiệm vụ ưu tiên của tỉnh nên ngày 8/4/2013, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã có Kết luận số 69-KL/TU đánh giá kết quả công tác này của tỉnh và đưa ra nhiều giải pháp như: Tiếp tục làm tốt công tác quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương về cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa của công tác này; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, giải quyết dứt điểm các tồn tại về đất đai của các nông, lâm trường; đẩy mạnh cải cách hành chính trong thủ tục cấp Giấy chứng nhận QSDĐ và công bố công khai để người dân thực hiện, giám sát; gắn trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, địa phương trong triển khai và kết quả cấp Giấy chứng nhận QSDĐ của đơn vị mình; kiện toàn Văn phòng đăng ký QSDĐ các cấp, nhất là cấp huyện đảm bảo có đủ bộ máy, nhân lực, kinh phí và các điều kiện cần thiết để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác cấp Giấy chứng nhận QSDĐ; bố trí đủ kinh phí cho công tác cấp Giấy chứng nhận QSDĐ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh, có hình thức xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ…
Đây là văn bản chỉ đạo cao nhất, toàn diện nhất của tỉnh trong thực hiện công tác cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn với đất cho các tổ chức, cá nhân và tạo điều kiện thuận lợi để các cấp, ngành trong tỉnh thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao. Cùng đó, ngoài việc tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân thực hiện đầy đủ quyền sử dụng đất còn được giám sát quá trình thực hiện nhiệm vụ của cơ quan Nhà nước. Đặc biệt, các đồng chí lãnh đạo tỉnh khuyến khích các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời khi bị sách nhiễu, cản trở việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ để xử lý cán bộ vi phạm. Nhằm ngăn chặn những hành vi tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, các tổ chức cá nhân khi đã hoàn thanh hồ sơ xin cấp Giấy tại cấp xã hoặc cơ quan có thẩm quyền, có thể nộp hồ sơ ngay tại bộ phận một cửa ở cơ sở hoặc trực tiếp nộp hồ sơ tại Văn phòng cấp QSDĐ cấp huyện (đối với hộ gia đình, cá nhân) và Văn phòng cấp QSDĐ của Sở Tài nguyên và Môi trường (đối với tổ chức, doanh nghiệp).
Ông Trần Hồng Thái, Chủ tịch UBND xã Phúc Tân (Phổ Yên): “Qua các lần tiếp xúc cử tri, tôi thấy người dân rất muốn được nhận lại những diện tích đất Nhà nước giao cho Lâm trường Phúc Tân nhưng không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả. Nếu lâm trường hiện nay khó khăn về kinh phí đo đạc chỉnh lý, thực hiện nghĩa vụ tài chính thì các hộ dân đang có nhu cầu sử dụng đất ở Phúc Tân sẵn sàng gánh vác phần việc này để sau đó được Nhà nước giao lại đất canh tác…”. |
Ông Lương Viết Thuận, cán bộ địa chính - xây dựng xã Thượng Nung (Võ Nhai): “Năm nay, chúng tôi được cấp trên giao hoàn tất thủ tục cấp Giấy chứng nhận QSDĐ mỗi loại đất lâm nghiệp nhưng do địa bàn rộng, dân cư phân tán, 3 loại rừng chưa được phân định nên triển khai đến đâu, vướng đến đó. Chúng tôi rất cần sự hỗ trợ nghiệp vụ của cán bộ chuyên môn cấp trên, nhất là trang bị những phần mềm quản lý về chuyên môn”. |
Ông Hoàng Thọ Hạc, xóm Tân Thành 2, xã Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên): “Chúng tôi đã sống tại khu vực sân bay Đồng Bẩm từ trước khi Luật Đất đai ra đời nhưng đến nay vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ. Nếu khu vực này cần phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng thì tổ chức đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho bà con đi nơi khác. Còn nếu Quân khu 1 không có nhu cầu sử dụng thì sớm hoàn tất thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật để chính quyền địa phương cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho người dân yên tâm, được thế chấp khi vay vốn ngân hàng”. |