Chính sách cho không khiến người nghèo ỷ lại

16:38, 23/04/2013

Trước thực trạng ỷ lại của không ít hộ nghèo bởi các chính sách xóa nghèo hiện nay “cho không” quá nhiều, tại hội nghị trực tuyến công tác giảm nghèo bền vững hôm qua (22.4), đại biểu tỉnh An Giang đề nghị “Cần tính toán lại vấn đề cần câu, con cá” theo tinh thần chỉ “cho không hạ tầng, cho không sự hỗ trợ các doanh nghiệp, cho không bằng việc dạy nghề, bởi việc làm chính là thứ xóa nghèo bền vững”.

Cho không khiến người nghèo không muốn thoát nghèo

 

Đại diện UBND tỉnh Lào Cai nói thẳng về tư tưởng “trông chờ, ỷ lại” song song với thực tế “chất lượng cuộc sống hộ nghèo còn thấp; tính bền vững xóa nghèo chưa cao; chưa xóa bỏ được tập quán canh tác lạc hậu; tư duy tự cấp tự túc”. Thanh Hóa, Lâm Đồng cũng kêu ca, “một bộ phận” vẫn còn tâm lý ỷ lại, trước một thực tế mà đại diện tỉnh An Giang nói là “có quá nhiều chính sách “cho không”, khiến “người nghèo không muốn thoát nghèo”.

 

An Giang đề nghị “cần tính toán lại vấn đề cần câu, con cá” theo tinh thần chỉ “cho không hạ tầng, cho không sự hỗ trợ các DN, cho không bằng việc dạy nghề, bởi việc làm chính là thứ xóa nghèo bền vững. Lai Châu - địa phương đứng thứ hai toàn quốc về tỉ lệ hộ nghèo - cũng đề xuất “cần giảm dần mức “cho không” về đời sống và tăng chính sách hỗ trợ về sản xuất để tránh sự ỷ lại”.

 

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam - tự giới thiệu là 1 trong 8 trưởng đoàn khảo sát chính sách giảm nghèo, đồng thời là thành viên BCĐ giảm nghèo quốc gia - khẳng định sự “nhất quán cho cái cần câu hơn con cá”. Tuy nhiên, ông nhắc lại một thực tế được kiểm chứng ở những huyện nghèo, ở những thôn bản vùng sâu, vùng xa rằng: “Câu cả năm không ra con cá”. Ban chỉ đạo cũng từng đề nghị giảm những chính sách “cho không”, tăng cường cho vay - Thứ trưởng Nam cho hay. Nhưng theo ông, điều này “cần lộ trình thích đáng và lượng hóa rõ ràng tỉ lệ phần trăm giảm”, bởi người nghèo vẫn “cần con cá song song với cần câu”, nhất là những khu vực bão lũ, nơi đồng bào nghèo “nước không có, còn phải ăn cả mì sống”.

 

Tâm lý hết sức cổ 

 

Một trong số các chính sách giúp đồng bào thoát nghèo bền vững là việc đưa người nghèo ở các huyện vùng sâu, vùng xa đi lao động xuất khẩu. Tuy nhiên, rất nhiều địa phương bày tỏ những khó khăn “rất lớn” do tập quán văn hóa. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Sèn Chỉn Ly cho biết, trên địa bàn tỉnh vẫn có hơn 1 vạn đồng bào “tham gia lao động tự do ở Trung Quốc”; trong khi đó, chính sách đưa đồng bào đi xuất khẩu lao động lại bị “hưởng ứng rất thấp”.

 

Nguyên nhân - theo ông Ly - là do bà con “có tâm lý hết sức cổ là ngại xa nhà”. Phó Chủ tịch Hà Giang khẳng định: Khảo sát cho thấy, không có gì khác là cần có các dự án tạo việc làm tại chỗ cho bà con. Ý kiến này nhận được sự tán thành từ Thanh Hóa. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Phạm Văn Xuyên cũng nêu thực trạng qua 2 chữ “ngại”: “Bà con ngại học ngoại ngữ, ngại đi xa, một vài cháu đi về có vấn đề gì đó là sẽ gây tâm lý”. Ông đề nghị cần xem lại chính sách xuất khẩu lao động, “chẳng hạn hỗ trợ  DN trong nước để thu hút lao động, tạo XK lao động trong nước”.

 

 

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, hiện còn 512.000 hộ nghèo cần hỗ trợ nhà. Bộ Xây dựng đã có văn bản trình Chính phủ nâng mức hỗ trợ xây nhà cho người nghèo từ 7 triệu đồng lên 10 triệu (12 triệu đối với những hộ thuộc vùng khó khăn; 14 triệu đối với vùng đặc biệt khó khăn). Số tiền cho vay từ 8 triệu cũng sẽ tăng lên 15 triệu.