Chuyện về đôi vợ chồng hiến đất xây trường

08:08, 23/04/2013

“Gia đình tôi hiến đất để xây dựng điểm trường mầm non với mong muốn các cháu ở xa trung tâm xã cũng được đến lớp và học tập trong môi trường thuận lợi. Hơn nữa đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự nghiệp “trồng người” nên chúng tôi không cảm thấy đắn đo khi làm việc này…”. Đó là những lời tâm sự rất mộc mạc của vợ chồng ông Phạm Văn Ngọc và bà Nguyễn Thị Yến ở xóm Ao Rôm 2, xã Khe Mo (Đồng Hỷ) với chúng tôi khi nói về việc hiến gần 1.200m2 đất để xây dựng trường học.

Chúng tôi có dịp đến thăm ông bà vào một ngày trung tuần tháng Tư. Tuy ông Ngọc và bà Yến đều đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn và để lại nhiều ấn tượng với chúng tôi bởi nụ cười đôn hậu và lối nói chuyện giản dị, cởi mở. Số phận không cho ông bà có được niềm hạnh phúc làm cha mẹ. Là người Nam Định, thời bấy giờ, cuộc sống ở quê nhà quá khó khăn nên ông bà quyết định ngược lên Thái Nguyên để khai hoang. Sau những tháng ngày vất vả phát nương làm rẫy, ông bà cũng dần ổn định cuộc sống tính đến nay đã hơn 40 năm ông bà gắn bó với nơi này. Hiện, gia tài lớn nhất của ông bà là mảnh đất gần 1.200m2 (trong đó có 300m đất thổ cư) và ngôi nhà Đại đoàn kết do chính quyền và bà con nhân dân trong xã xây dựng cho từ năm 2004.

 

 

Trong thời buổi “tấc đất, tấc vàng” như hiện nay thì việc hiến vài chục m2 đất cũng khiến nhiều người phải đắn đo, cân nhắc nhưng với ông bà Ngọc thì đây lại là việc làm rất bình thường. Bởi bao năm sống ở đây là bấy nhiêu năm ông bà chứng kiến cảnh các cháu ở những xóm xa trường mầm non xã phải chen chúc học nhờ tại các nhà văn hóa. Đa số các lớp học này rất chật chội, không có sân chơi, không có công trình vệ sinh, giếng nước, phòng ăn... nên ít nhiều đã gây ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất, trí tuệ của các cháu. Đặc biệt, mỗi lần xóm có việc như đại hội chi bộ, họp xóm, họp các đoàn thể…là các cháu lại phải nghỉ học. Xuất phát từ những điều đó nên ông bà luôn trăn trở là làm thế nào để giúp các cháu được học tập trong môi trường tốt hơn. Đến đầu tháng tư năm nay, ông bà bàn với nhau và quyết định hiến toàn bộ diện tích đất của gia đình cho xã để lấy mặt bằng xây dựng điểm trường mầm non. Ngôi nhà có diện tích hơn 50m2 đang ở nằm giữa khu đất cũng được ông bà đồng ý tháo dỡ để phục vụ công tác quy hoạch.

 

Trước nghĩa cử cao đẹp của ông Ngọc và bà Yến, gia đình ông Nguyễn Đức Bính là hàng xóm của hai ông bà đã dành ra một gian nhà để ông bà về đó ở tạm. Đồng thời, ông Bính cũng tự nguyện hiến 120m2 đất trồng màu của gia đình để mở một con đường chạy thẳng từ trục đường chính vào khu đất xây dựng trường. Ông Bính tâm sự: Tôi cũng có suy nghĩ là việc gì có lợi cho cộng đồng thì mình nên làm. Mong rằng sự đóng góp nhỏ bé của chúng tôi sẽ giúp các cháu ở lưa tuổi mầm non có được ngôi trường khang trang để học tập.

 

Để hiểu rõ hơn về sự vất vả của cô và trò tại các lớp học nhờ ở Nhà văn hóa, chúng tôi đã đến điểm trường xóm Ao Đậu. Tại đây, chúng tôi được biết, điểm trường có hai lớp học mầm non, hiện các cô đang chăm sóc cho 44 cháu bé của 3 xóm: Hải Hà, Ao Đậu, La Nưa. Tất cả các cháu đều học chung trong một gian nhà rộng khoảng 40m2, các lớp được ngăn cách nhau bằng chiếc bàn dài đặt ở giữa phần sân khấu và dưới hội trường. Sân chơi cũng chỉ rộng chừng 10m2 và có duy nhất một chiếc cầu trượt dành cho các em. Chị Phương Thị Loan, giáo viên ở điểm trường cho biết: "Từ trước đến nay, các cháu ở lứa tuổi mầm non của xóm đều phải học nhờ nhà văn hóa nên điều kiện học tập, chăm sóc trẻ gặp rất nhiều khó khăn. Do không có tường ngăn cách nên mặc dù chia lớp theo nhóm tuổi nhưng bên này cô giáo hướng dẫn các cháu vui chơi, học tập, bên kia nghe thấy nên các cháu cũng không tập trung. Còn các hoạt động ngoài trời thì các cháu rất ít được tham gia vì thiếu không gian và đồ chơi.

 

Ông Đinh Mạnh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Khe Mo cho biết: Khi điểm trường được hoàn thiện sẽ phục vụ nhu cầu học tập cho khoảng 120 cháu học sinh của 5 xóm là: Ao Rôm 1, Ao Rôm 2; Ao Đậu; La Nưa; Hải Hà. Trong quá trình xây dựng trường, UBND xã cũng sẽ huy động sự đóng góp về kinh phí, vật chất của bà con để xây một căn phòng nhỏ cho ông bà Ngọc.

 

Những việc làm như gia đình ông Ngọc, ông Bính thật đáng quý. Hy vọng, đó sẽ là những tấm gương có sức lan tỏa rộng khắp trong nhân dân để xã hội có thêm nhiều công trình phúc lợi thiết thực như thế. Trước khi chia tay chúng tôi, bà Yến còn bày tỏ: Vợ chồng tôi bây giờ đều già cả, chỉ mong làm chút gì đó để giúp ích cho đời. Mong rằng, khi có đất rồi thì chính quyền sẽ sớm triển khai xây dựng trường để chúng tôi được tận mắt chứng kiến cảnh các cháu đến đây học hành, vui chơi.