Đô thị hóa là động lực chính thúc đẩy giảm nghèo

10:53, 20/04/2013

Báo cáo Giám sát toàn cầu 2013, do Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa công bố đã đưa ra nhận định đô thị hóa giúp thoát nghèo và thực hiện Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDG). Tuy vậy, nếu không quản lý tốt có thể dẫn đến gia tăng các khu ổ chuột, ô nhiễm và tội phạm.

Đô thị hóa là động lực chính thúc đẩy giảm nghèo và các tiến bộ MDG. Với trên 80% hàng hóa và dịch vụ được sản xuất tại các thành phố, các nước có mức độ đô thị hóa cao như Trung Quốc và các nước Đông Á và Mỹ Latinh khác đã giữ một vai trò quan trọng trong quá trình giảm tình trạng nghèo khổ trên toàn thế giới. Ngược lại, hai vùng có tỉ lệ đô thị hóa thấp nhất, là Nam Á và châu Phi Hạ Xahara có tỷ lệ nghèo cao hơn hẳn và tiếp tục tụt hậu trong lộ trình của phần lớn các mục tiêu MDG.

 

 

Khi đưa ra mối quan hệ nông thôn-thành thị và mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, báo cáo đã so sánh và nêu bật sự khác nhau về mức độ thịnh vượng của các vùng nông thôn và thành thị. Tại châu Mỹ Latinh và Trung Á tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh tại thành phố thấp hơn vùng nông thôn từ 8 đến 9 điểm phần trăm; tại các vùng Trung Đông, Bắc Phi, Nam Á và châu Phi Hạ Xahara mức chênh lệch này là từ 10-16 điểm phần trăm; và mức độ chênh lệch cao nhất lên tới 21 điểm phần trăm được quan sát thấy tại Đông Á. Tại Nam Á, 60% dân sống tại đô thị có công trình vệ sinh trong khi chỉ có 28% dân sống tại vùng nông thôn có công trình vệ sinh. Tại vùng châu Phi Hạ Xahara, 42% dân thành thị và 23% dân nông thôn có công trình vệ sinh. Tại các nước đang phát triển, cho đến năm 2010 hầu như toàn bộ dân sống tại thành thị (96%) đã có nước sạch trong khi tỉ lệ đó tại vùng nông thôn là 81%.

 

Nhìn chung, tiến độ thực hiện giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh và xây dựng công trình vệ sinh vẫn còn xa mục tiêu đề ra; cho đến 2015 các mục tiêu này cũng khó có thể thực hiện được. Tuy nhiên, mục tiêu giảm tình trạng nghèo cùng cực, cấp nước sạch và xóa bỏ phân biệt giới trong giáo dục cơ sở được thực hiện rất tốt và đã hoàn thành trước kế hoạch vài năm. Tuy tình trạng nghèo cùng cực đã giảm mạnh tại nhiều nước nhưng ước lượng của Ngân hàng Thế giới cho thấy đến năm 2015 trên toàn thế giới vẫn còn 970 triệu người sống dưới mức 1,25 đô la Mỹ một ngày. Vì vậy, vẫn cần phải tiếp tục chung tay giảm tỉ lệ nghèo cùng cực xuống càng gần mức bằng 0 càng tốt.

 

Theo ông Kaushik Basu, Chuyên gia Kinh tế trưởng, kiêm Phó Chủ tịch phụ trách Kinh tế Phát triển của Ngân hàng Thế giới, sự khác biệt giữa nông thôn - thành thị rất rõ nét. Các siêu đô thị và các thành phố lớn giàu nhất và có mạng lưới dịch vụ công cộng thiết yếu tốt hơn nhiều so với những nơi khác; các thành phố nhỏ hơn, các đô thị phụ và các khu ngoại ô nghèo hơn; còn vùng nông thôn là nghèo nhất. Nhưng không phải cứ đô thị hóa rộng rãi là giúp giải quyết được mọi vấn đề. Người nghèo tại khu vực đô thị vẫn rất cần cải thiện dịch vụ và hạ tầng kết nối họ với dịch vụ giáo dục, y tế và việc làm.

 

Ông Hugh Bredenkamp, Phó Giám đốc Ban Chiến lược, Chính sách và Rà soát của IMF thì cho rằng, các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển tăng trưởng mạnh mặc dù các nền kinh tế phát triển tăng trưởng chậm. Để duy trì mức tăng trưởng này cần thực hiện tiếp tục duy trì các chính sách vĩ mô thận trọng, và tăng cường năng lực quản lý rủi ro, kể cả tái lập các vùng đệm chính sách đã bị sử dụng hết. Đây là yếu tố quan trọng để tiếp tục các tiến bộ trong giảm nghèo khi năm 2015 đã đến gần kề.

 

Thực tế cho thấy, thách thức giảm nghèo và cải thiện điều kiện sống cho người nghèo tồn tại cả ở khu vực đô thị và nông thôn. Các thành phố lớn và các thị trấn nhỏ, nhanh chóng trở thành các khu ổ chuột lớn nhất thế giới. Cụ thể, châu Á chiếm 61% trong số 828 triệu dân sống trong khu ổ chuột trên toàn thế giới, châu Phi chiếm 25,5% và châu Mỹ Latinh chiếm 13,4%. Các trung tâm đô thị tại các nước đang phát triển dự tính sẽ phát triển và thu hút 96% trong tổng số 1,4 tỷ người tăng thêm cho tới năm 2030. Để đối phó với tình trạng tăng trưởng đô thị cần có một gói giải pháp về hạ tầng và dịch vụ được điều phối tốt. Chỉ khi đáp ứng được các nhu cầu thiết yếu về giao thông, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, y tế và giáo dục thì các thành phố mới không bị trở thành các trung tâm nghèo khổ và mất vệ sinh, báo cáo khẳng định.

 

Đánh giá về vấn đề trên, ông Lynge Nielsen, Chuyên gia Kinh tế cao cấp, Ban Chiến lược, Chính sách và Rà soát của IMF nhận xét, sự tập trung hoặc kết nối con người tới các hoạt động kinh tế là động lực phát triển quan trọng. Bằng chứng cho thấy, có thể phải trả giá quá cao, nhất là trong trường hợp các nước đang phát triển ở nhóm thấp hơn. Đồng thời, cũng cần tăng cường nỗ lực phát triển khu vực nông thôn, nơi hiện có 76% trong tổng số 1,2 tỉ người nghèo thuộc các nước đang phát triển sinh sống mà chưa tiếp cận tới các dịch vụ thiết yếu qui định trong mục tiêu MDG.

 

Điểm đáng chú ý, tỷ lệ nghèo nông thôn vượt xa tỷ lệ nghèo đô thị tại tất cả các vùng trên thế giới. Trong đó, phụ nữ nông thôn chịu thiệt thòi nhất do tình trạng hạ tầng yếu kém vì họ chính là người đảm nhiệm hầu hết công việc gia đình và thường phải đi bộ rất xa để tiếp cận được với nước sạch, và trình độ giáo dục của họ cũng thấp hơn. Tuy vậy, mặc dù không dễ để giải quyết các thách thức phát triển nông thôn, nhưng có thể thực hiện được thông qua các chính sách bổ sung về phát triển nông thôn - thành thị và các chương trình hành động của chính phủ tạo điều kiện cho các thành phố phát triển lành mạnh, tránh những ảnh hưởng thiển cận cho vùng nông thôn.

 

Đô thị hóa là vấn đề quan trọng. Tuy nhiên, muốn tận dụng được tác động tích cực về kinh tế và xã hội của quá trình này, các nhà hoạch định chính sách cần lập kế hoạch sử dụng đất hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu về đi lại, nhà ở và các yêu cầu về hạ tầng khác khi mật độ dân số tăng lên; và cần thu xếp được các khoản kinh phí cần thiết cho các chương trình phát triển đô thị đó.