“Trong quá trình tham gia hoạt động cách mạng kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời tôi, không bao giờ quên đó là lần được gặp Bác Hồ tại Trường Nguyễn Ái Quốc năm 1959. Đến nay, tuổi đã cao, nhưng những lời căn dặn của Người vẫn còn vẹn nguyên trong trái tim tôi”. Đó là lời tâm sự của bà Trần Thị Chiến, sinh năm 1927, cán bộ tiền khởi nghĩa, thôn Thành Lập, thị trấn Ba Hàng (Phổ Yên).
Bà Chiến năm nay 87 tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh và tinh nhanh. Gặp và trò chuyện với chúng tôi, bà luôn nở nụ cười nhiều, ánh mắt ánh niềm vui vì như đang được sống lại những ngày hoạt động kháng chiến. Nhớ lại thủa nhỏ và những ngày đầu mới tham gia hoạt động cách mạng, bà Chiến tâm sự: Tôi sinh ra và lớn lên tại xã Vạn Phái, Phổ Yên. Năm tôi 2 tuổi, bố tôi qua đời. Đến năm 17 tuổi, được giác ngộ cách mạng, được hòa mình trong khí thế chiến đấu sục sôi, tôi đã tham gia hoạt động bí mật trong Mặt trận Việt Minh. Hoạt động tích cực, tôi được cấp trên bố trí phụ trách xây dựng tổ chức Hội Phụ nữ xã Hợp Thành (nay là xã Vạn Phái), ngoài ra còn tuyên truyền, vận động quần chúng ở các xã: Minh Đức, Thành Công, Phúc Thuận tích cực tham gia vào các tổ chức cách mạng. Tháng 8/1945, tôi công tác ở Hội Phụ nữ huyện. Đến tháng 1/1946, tôi được kết nạp Đảng và tiếp tục cống hiến cho phong trào phụ nữ tại địa phương.
Năm 1959, bà Chiến được cử đi học lý luận chính trị tại Trường Nguyễn Ái Quốc, Hà Nội. Tại đây, bà đã có vinh dự được gặp Bác Hồ. Bà Chiến nói: Những hình ảnh, phút giây xúc động ấy đến nay vẫn còn vẹn nguyên như mới hôm qua. Ngày 18/8/1959, sau khi được Ban Giám hiệu Nhà trường thông báo Bác sẽ về thăm trường, hơn 200 học sinh chúng tôi ai nấy đều phấn khởi, cả đêm thao thức không ngủ được. Sáng 19/8, sau lệnh tập trung lên hội trường, ai cũng hồi hộp chờ đợi. Đợi đến 10h, rồi 11h mà vẫn chưa thấy Bác đến. Gần trưa, chúng tôi được lệnh về phòng nhưng chẳng ai buồn ăn cơm vì tâm trạng hồi hộp đón chờ Bác. Ai cũng tin rằng Bác sẽ đến. 13h30’, bỗng có tiếng reo: Bác Hồ đến rồi! Chúng tôi từ trong nhà chạy ra ùa ra vây quanh Bác mà hô liên tiếp: Bác Hồ muôn năm! Bác Hồ muôn năm!
Tôi còn nhớ, hôm đó, bầu trời trong xanh và nắng đẹp, Bác mặc bộ quần áo màu gụ, đi đôi dép cao su, rất giản dị. Sau giây phút mừng rỡ gặp Người, ai cũng xúc động không cầm được nước mắt. Sau đó, Người đi thăm nhà ăn, khu sinh hoạt trước khi vào hội trường. Đến hè bếp, thấy cơm nguội phơi nhiều, Bác nói: Sao các cô, các chú không ăn hết cơm lại để cho ruồi ăn lãng phí quá. Nhân dân ta còn nghèo, cần phải tiết kiệm. Lên hội trường, chúng tôi đều im lặng lắng nghe từng lời Bác nói. Bác căn dặn: Các cô, chú phải học chủ nghĩa Mác-Lê nin để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, phải đoàn kết từ Trung ương đến địa phương để tổ chức lãnh đạo nhân dân hăng hái đấu tranh tiến tới thắng lợi hoàn toàn, Bắc-Nam sum họp một nhà. Rồi Bác nói chuyện xoay quanh chủ đề: Cần, kiệm, liêm, chính. Lời Bác giản dị, dễ hiểu, giọng Bác trầm ấm, gửi gắm trong đótình yêu thương, sự kỳ vọng của Người đối với lớp cán bộ lãnh đạo chủ chốt. Chúng tôi ai cũng tâm nguyện sẽ làm tốt những lời Bác dặn. Cuối buổi, Bác bắt nhịp hát bài Kết đoàn, chúng tôi say sưa hát theo. Khi Bác bước chân ra khỏi hội trường, chúng tôi bồi hồi, lưu luyến nhìn theo chiếc xe...
Học xong, bà Chiến tiếp tục trở lại địa phương công tác. Năm 1965, bà được phân công làm Chánh Văn phòng UBND huyện. Đến năm 1967, bà được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND huyện Phổ Yên. Trên cương vị lãnh đạo, thấm nhuần lời dạy của Bác, bà cùng với cấp ủy quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Với tác phong làm việc nghiêm túc, lối sống giản dị, bà luôn được cấp trên tin tưởng, cấp dưới yêu mến. Với những thành tích đã đạt được trong công tác, bà Chiến đã được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất và được nhận Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng.
Năm 1981, bà Chiến về nghỉ hưu và tham gia sinh hoạt tại địa phương. Phát huy vai trò người đảng viên, bà luôn thẳng thắn đóng góp ý kiến trong các buổi sinh hoạt Đảng, góp phần cùng chi bộ thôn Thành Lập đưa ra những định hướng phát triển kinh tế - xã hội, huy động sức đóng góp của nhân dân tham gia xây dựng đường bê tông, nhà văn hóa. Với bà con, lối xóm, bà sống chan hòa, gần gũi, sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ những khó khăn. Hiện, 6 người con của bà đều đã trưởng thành và có cuộc sống ổn định. Giờ bà Chiến đang sống những ngày tuổi già thanh thản, vui vẻ, quây quần bên con cháu. Đồng chí Nguyễn Sĩ Minh, Bí thư Đảng ủy thị trấn Ba Hàng nhận xét: Từ khi tham gia hoạt động cách mạng đến lúc nghỉ hưu, bà Chiến luôn hoàn thoành xuất sắc nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao. Hiện nay, bà vẫn luôn phát huy tốt vai trò người đảng viên, gương mẫu, giản dị, gần gũi với bà con lối xóm và được mọi người tin yêu, nể trọng.