Một chốn đi về

14:10, 09/04/2013

Ngày 9/4/2013, Ban Trị sự Hội Phật giáo tỉnh Thái Nguyên cùng Hợp tác xã Công nghiệp và Vận tải Chiến Công long trọng tổ chức Đại lễ đặt long cốt Tam Bảo chùa Cải Đan, phường Cải Đan (T.X Sông Công). Nhân dịp này, Báo Thái Nguyên có bài viết giới thiệu với bạn đọc về ngôi Chùa và việc nhân dân trong vùng đã phát tâm công đức xây dựng lại Chùa.

Tiếng mõ rơi đều đặn mỗi ngày, vọng vào thinh không, thoảng giữa đời thực, gợi một man mác, xa xăm mà gần gụi. Tiếng mõ nguyện cầu cho quốc thái dân an, cho mưa thuận gió hoà, cây cối tốt tươi, mọi sinh linh trong thế gian được sinh sôi, con người được hưởng thái bình. Tiếng mõ ấy, từ lâu như nhịp kim đồng hồ, điểm vào giữa trời đất Thái Nguyên, như lực hút nam châm gọi bao bước chân hành thiện tìm về ngôi chùa Cải Đan, với chút tâm thành, dâng về cõi Phật.

 

Mưa cuối Xuân mỏng như bụi phấn, cây lá hồi sức sống như tấm áo choàng xanh khoác lên đồng đất Sông Công, và bên những đường làng đào, mận đã đơm trái. Chùa Cải Đan sớm nay vừa lúc khoan tiếng mõ, Đại đức Thích Đồng Hoà, trụ trì ngôi Chùa thư thái bước ra, ngắm ngôi Tam Bảo đang được thi công, chuẩn bị hoàn thiện. Gặp chúng tôi bên sân chùa, Đại đức hỷ xả: Được sự nhất trí cho phép của UBND tỉnh, của T.X Sông Công, và nhằm thoả mãn nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân trong vùng và khách thập phương, chùa Cải Đan được xây dựng lại với quy mô lớn hơn rất nhiều so với trước. Trên khu đất rộng 6.000m2, ngôi Tam Bảo được xây dựng mới rộng 700m2, dự kiến tổng trị giá xây dựng hơn 20 tỷ đồng. Nguồn vốn xây dựng được huy động bằng phương thức xã hội hoá từ nguồn đóng góp công đức của nhân dân, trong đó bà Hà Thị Hương, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Công nghiệp và Vận tải Chiến Công, phát tâm công đức hàng tỉ đồng cho nhà chùa. Đến ngày 2/4, ngôi Tam Bảo đã thực hiện xây dựng đạt 60% tổng công trình.

 

Cũng như các doanh nhân khác, công việc đầu tư, kinh doanh phải chắt gạn từng đồng, nhưng bà Hương là một trong số những doanh nhân có tâm hành thiện. Bà đã tham gia ủng hộ nhiều chương trình khuyến thiện, giúp đỡ người nghèo. Ít năm trước đây, khi cùng chồng đến Chùa Cải Đan hành lễ, thấy ngôi chùa xuống cấp, mưa dột qua tấm mái lợp prôxi măng, nền nhà láng ướt, phút bùi ngùi, bà đề đạt tâm nguyện của mình với Đại đức Thích Đồng Hoà, xin được công đức cùng tăng ni, phật tử xây dựng ngôi chùa mới ngay trên nền chùa cũ. Tâm nguyện của bà được nhà chùa chấp thuận, và ngay sau đó trở thành một "cú hích tâm lý" hối thúc nhân dân trong vùng, phật tử tứ phương hưởng lời công đức, phát tâm gom tiền, quyên sức xây dựng ngôi Chùa mới.

 

Qua trò chuyện với Đại đức Thích Đồng Hoà chúng tôi còn được biết: Chùa Cải Đan cũ là ngôi chùa cổ. Chùa được xây dựng để thờ Cao Sơn Quý Minh Đại Vương Thần - Phò mã lang Triều Lý là tướng Dương Tự Minh từ thế kỷ thứ XII đã có công lớn trong cuộc kháng chiến chống giặc Tống xâm lược. Trong những năm trước cách mạng tháng Tám, chùa Cải Đan là nơi tập trung, hoạt động của du kích địa phương, góp phần tạo nên thành công của Cách mạng tháng Tám trên quê hương Thái Nguyên. Trong những năm 1946, 1947 thực hiện chủ trương "tiêu thổ kháng chiến" để chống lại Thực dân Pháp, nhân dân địa phương đã dỡ bỏ ngôi chùa… Đằng đẵng bao năm, cỏ mọc tươi tốt, khu nền chùa cũ được nhân dân địa phương gọi là Đồi Chùa. Mãi tới năm 2002, Chùa Cải Đan mới được Chính quyền địa phương cho phép nhân dân công đức dựng lại. Tuy là ngôi chùa nhỏ mái lợp tấm prôximăng, song nhanh chóng trở thành nơi để nhân dân trong vùng và phật tử tứ phương hội về cầu phúc. Cùng thời gian, ngôi Chùa xuống cấp và được chính thức khởi công dựng lại vào ngày 18/10/2010. Đến nay, sau 29 tháng thi công, những người thợ từ làng nghề Ninh Giang (Hải Dương) và nhân dân trong vùng đã dựng xong hình hài ngôi Tam Bảo, với 16 cây cột chính, mỗi cây cột dài 8m, đường kính rộng 45cm và 32 cột phụ. Đặc biệt ngôi Tam Bảo có 44 cột đá chạy xung quanh, trên thân cột được các nghệ nhân khắc lại lời Phật dăn dạy chúng sinh.

 

Ông Lưu Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND phường Cải Đan, phụ trách lĩnh vực Văn hoá, xã hội của phường cho biết: Trong thời gian xây dựng lại ngôi chùa, chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, tăng ni, phật tử, các doanh nhân công đức, xây dựng ngôi chùa khang trang, nhằm qua đó đáp ứng nhu cầu tự do tín ngưỡng của nhân dân theo quy định của pháp luật... Đại đức Thích Đồng Hoà cho biết thêm: Chùa do Cục Di sản Văn hoá (Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch) thiết kế, theo kiến trúc phương Đông, gồm 8 mái và 16 mái đao. Chùa ngự trên lưng một quả đồi có hình mai rùa, hướng nhìn về phía Tây - Nam. Hằng năm, Hội chùa Cải Đan được mở vào ngày 11 tháng Giêng, gồm có phần Lễ và phần Hội. Phần Lễ cầu cho Quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, cầu mùa… phần Hội chủ yếu các trò chơi dân gian như cờ người, đánh vật, kéo co và các trò chơi hiện đại.

 

Một ngôi chùa mới được xây dựng, thay thế cho ngôi chùa cổ năm xưa đang được đơn vị thi công gấp rút hoàn thiện để phục vụ chư tôn, thiền đức, tăng ni và tự do tín ngưỡng của nhân dân. Toàn bộ gỗ làm cột, hoành, xà đều bằng gỗ Lim, gỗ Táu nhập khẩu từ nước bạn Lào; các cột đá được chuyển ra từ Thanh Hoá. Đặc biệt, trong thời gian hơn 2 năm thi công, tuy ngôi chùa mới hoàn thiện đạt hơn 60% tiến độ, song nhân dân phường Cải Đan và nhân dân T.X Sông Công đã công đức được hàng tỷ đồng; quyên sức đóng góp được hơn 1 triệu ngày công tham gia san đất, tạo mặt bằng xây dựng, vận chuyển nguyên vật liệu giúp đỡ đơn vị thi công. Chùa mới, song vẫn mang những nét kiến trúc cổ kính phương Đông, vì thế trong mắt mỗi người về thăm chùa, ai nấy đều có cảm nhận gần gũi, yên bình.

 

Đại đức Thích Đồng Hoà: Nhờ hồng ân Tam Bảo gia hộ, sự quan tâm giúp đỡ của các cấp chính quyền tỉnh Thái Nguyên, T.X Sông Công, Phường Cải Đan, sự phát tâm cúng Dàng của thập phương thiện tín trong, ngoài tỉnh, đặc biệt sự phát tâm công đức của Hợp tác xã Công nghiệp và Vận tải Chiến Công, đến nay Chùa đã hoàn thiện được 60% công trình. Tuy nhiên, hiện chùa chưa có tường rào bảo vệ, thiếu tượng pháp, câu đối, cửa võng, hoành phi và các bàn thờ… Nhà chùa mong tiếp tục nhận được sự hoan hỷ công đức của tăng ni, phật tử tứ phương.    


 

 

Bà Dư Thị Bích, 75 tuổi, tổ dân phố Phố Mới, phường Cải Đan (T.X Sông Công), Trưởng ban Hộ tự: Tuy cuộc sống chưa dư dả, song tôi cũng như nhiều người dân trong vùng thường xuyên phát tâm, công đức bằng những đồng tiền tiết kiệm, góp sức để Nhà chùa xây dựng thêm phần uy nghi. Cũng từ ngày Nhà chùa thi công xây dựng lại, hôm nào tôi cũng có mặt từ sớm để phân công bà con lao động. Tuổi cao, song khi tham gia làm chùa, tôi thấy lòng thư thái.  

 

 

 

Bà Hà Thị Hương, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Công nghiệp và Vận tải Chiến Công: Tôi công đức xây dựng chùa, không phải để tìm ở đó sự sinh lợi kinh tế, mà với suy nghĩ được góp chút tâm thành với cửa Phật. Góp một chút lòng để Nhà chùa xây dựng ngôi Tam Bảo mới khang trang, đúng tầm. Vì tôi nghĩ, ngôi chùa Cải Đan ngoài việc tu tập của các tăng ni, phật tử và nhân dân trong vùng, trước đây ngôi chùa còn là một địa điểm qua lại an toàn của các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng.