Người mẹ của những mảnh đời éo le

14:21, 09/04/2013

Cưu mang nhiều người và hiện đang bỏ tiền túi để xây dựng hẳn một trung tâm bảo trợ xã hội trị giá 30 tỷ đồng, bà Nguyễn Thị Nguyệt (ở xã Đồng Bẩm, T.P Thái Nguyên) coi đó là niềm hạnh phúc lớn nhất và cũng là duyên phận của đời mình.

Duyên phận

 

Đang mải miết luồn rừng rậm để kiếm củi, cô gái Nguyễn Thị Nguyệt bỗng nghe thấy những tiếng  “ọ ọe” yếu ớt rất gần đó. Như có linh tính mách bảo, vừa hồi hộp vừa có chút lo sợ, cô lần tìm đến nơi phát ra âm thanh, rồi như chết lặng khi phát hiện một đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi trên mỏm đá cạnh bờ suối. Da thịt đứa bé bợt bạt, đàn kiến rừng bắt đầu tìm đến… Chuyện xảy ra năm 1974, bà Nguyệt lúc đó mới ngoài 20 tuổi. Bà tiếp tục kể và tôi dần bị cuốn hút vào câu chuyện về cuộc đời bà, người phụ nữ tuổi ngoại lục tuần, không chồng, không con đẻ.

 

Hơn 10 tuổi mồ côi bố, cô bé Nguyệt cùng 4 anh chị em được người mẹ gồng gánh, dắt díu đi bộ từ Cẩm Giàng, Hải Dương lên vùng đất thuộc xã Đồng Bẩm, T.P Thái Nguyên ngày nay mong tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Những năm đầu, 6 mẹ con mò cua bắt ốc, lấy măng, kiếm củi, đi ở, làm thuê để rau cháo qua ngày. Anh trai cả đi bộ đội, rồi hy sinh tại chiến trường Quảng Trị, Nguyệt là thứ hai, lúc này mang vai trò chị cả, ra sức giúp mẹ làm đủ việc để nuôi các em ăn học. Có một thời kỳ, người mẹ vì quá lam lũ, lại nhận thêm hung tin con trai hy sinh nên bà phát bệnh thần kinh, phải điều trị tại bệnh viện hàng năm trời. Giữa lúc tình cảnh gia đình như vậy, Nguyệt mang về một đứa trẻ sơ sinh yếu ớt. “Lấy gì nuôi nó bây giờ? Mang cho người hiếm muộn!” - rất nhiều người khuyên cô như vậy nhưng Nguyệt vẫn một mực để nuôi và nhận đứa bé làm con.

 

“Tiếng lành đồn xa”, một buổi sớm tinh mơ năm 1976, khi vừa mở cửa nhà mình, Nguyệt lại phát hiện một trẻ đã được ai đó để lại. Rồi đứa bé được cô chăm sóc, nuôi dưỡng và nhận làm con nuôi thứ hai. Vài năm sau, cô lại nhận thêm 2 người con nuôi nữa, đều là của những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, họ trực tiếp mang đến nhờ cô nuôi dưỡng. Bà Nguyệt nhớ lại những cảm xúc của mình: “Cô thấy hạnh phúc và niềm hạnh phúc đó ngày một lớn cùng với sự lớn khôn, ngoan ngoãn của những đứa con dù không do mình sinh ra”. Đó cũng là lý do khiến cô không có ý định lấy chồng, âu đó cũng là duyên phận.

 

Không phụ lòng người mẹ sớm hôm tần tảo, 4 người con nuôi của bà đều chăm chỉ làm lụng, học hành và rồi có công việc ổn định trong các cơ quan Nhà nước, trong đó có 3 người là đảng viên. Các con bà đều đã biết thân phận của mình, biết bố mẹ đẻ (2 gia đình gửi con năm nào đã tìm về nhận lại), nhưng với họ, bà là một người mẹ không chỉ cưu mang, dưỡng dục mà còn sinh ra họ lần thứ hai.

 

“Bà dở hơi”

 

Xuất thân cơ cực, nghèo khó nên bà Nguyệt sớm có được đức tính chăm chỉ, tháo vát. Trải qua rất nhiều nghề như cấy thuê, đóng gạch thuê, bán hàng thuê, tranh thủ nhặt phân đem bán, rồi khi có lưng vốn, bà mạnh dạn cất hàng mang bán tận các chợ thuộc những tỉnh biên giới vùng cao, miền Trung. Thân gái dặm trường nhưng chưa khi nào người phụ nữ có vóc dáng nhỏ bé ấy nản chí. Bà giải thích, “Hình như có duyên nên cô làm gì cũng thắng và cũng hay được người đời giúp đỡ”. Tích cóp, tằn tiện vừa dành tiền nuôi các con, em ăn học, bà dành đủ vốn để mua một căn nhà để ở và làm quán bán hàng tại thị trấn Chùa Hang, thời điểm những năm 80 của thế kỷ trước. Đúng như lời nhận xét của bà Bùi Thị Hà, nguyên giáo viên Trường THCS Đồng Bẩm, hàng xóm lâu năm của gia đình bà Nguyệt mà tôi có dịp tiếp xúc: “Chị ấy làm rất nhiều nghề và nghề gì cũng thành công. Nay đã thành đạt nhưng chị ấy sống giản dị, chan hòa với mọi người và đặc biệt là luôn tích cực làm việc thiện”.

 

Căn nhà mà bà Nguyệt mới mua ở gần chùa Hang, mỗi mùa lễ hội lại có khá đông những người lang thang cơ nhỡ tìm đến khu vực này xin ăn. Thỉnh thoảng, bà lại mời những người này về nhà nấu cơm cho ăn, cho tiền, những người còn khỏe mạnh thì bà phân tích, khuyên nhủ về quê tìm việc làm kiếm sống, những người không có sức khỏe được bà cho tiền bắt xe hoặc trực tiếp đưa họ về tận nhà. Nhiều khi đi đường gặp người già, trẻ nhỏ ăn xin, bà lại đỗ xe cho tiền, hoặc đưa về nhà cho ăn. Lúc đầu, con cháu, họ hàng cũng khuyên can, hàng xóm có người “độc miệng” bảo bà “dở hơi”, bà vẫn làm, với triết lý “mình chỉ bớt một miếng ăn sẽ bớt một người bị đói”.

 

Biết tấm lòng của bà, năm 2012, Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Hỷ đã “gọi” bà đến mong “làm phúc” nhận 2 đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi (một cháu có mẹ nhiễm HIV, cháu còn lại được phát hiện dấu dưới cầu thang, lúc đó đã rất yếu). Không chút đắn đo, bà làm thủ tục mang về nuôi dưỡng, bỏ tiền thuê người chăm sóc. Hiện nay, bà đang cưu mang 9 đứa trẻ, có trẻ nhiễm HIV, có cả những cháu bị bệnh tâm thần, bệnh đao phải xích chân trong phòng, cùng với 2 người già cô đơn không nơi nương tựa. Ngoài những người được thuê, các con dâu, con gái nuôi của bà cũng tích cực trợ giúp, chăm sóc tận tình những người già, đứa trẻ đó. Đại gia đình ngày một đông đúc.

 

Tâm nguyện

 

Dẫn tôi đi tham quan một vòng Trung tâm Bảo trợ xã hội Hường Hà Nguyệt do chính mình bỏ tiền đầu tư xây dựng, bà Nguyệt chia sẻ: “Xã hội còn nhiều hoàn cảnh éo le, cô chưa phải đã giàu có, nhưng suy cho cùng con người ta sống cũng chỉ cơm ngày ba bữa, chết có mang đi được đâu. Con cái cũng đâu vào đấy cả rồi, cô xây trung tâm này để mong đóng góp chút công sức cho xã hội, chết rồi thì để lại cho xã hội. Đó là tâm nguyện bấy lâu của cô”.

 

Trung tâm tọa lạc trên một khu đất rộng 3.000m2 tại xóm Tân Thái, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ), có 39 phòng và có thể tiếp nhận hàng trăm đối tượng trẻ em tàn tật có hoàn cảnh khó khăn, trẻ bị bỏ rơi, người già cô đơn không nơi nương tựa; có đầy đủ các phòng chức năng và sân chơi. Trị giá đầu tư lên tới 30 tỷ đồng, tất cả là tiền tích cóp của bà và 5,6 tỷ đồng tiền vay. Hiện, Trung tâm vẫn thiếu tiền đầu tư mua sắm tủ cá nhân, giường cho các phòng và hoàn thiện một số hạng mục cần thiết, bà cho biết sẽ tìm nguồn vốn vay và rất mong nhận được sự ủng hộ của những tấm lòng hảo tâm.

 

Để có nguồn “nuôi” Trung tâm, bà Nguyệt đang duy trì và tiếp tục mở rộng mô hình sản xuất, kinh doanh tổng hợp của mình, gồm 2 cửa hàng bán đồ gia dụng, điện tử, điện lạnh (một cửa hàng mới đi vào hoạt động), cấy trên 1 mẫu ruộng và nuôi trung bình trên 60 con lợn thịt, ao cá cùng với một số việc kinh doanh khác. Trên 60 tuổi, người phụ nữ ấy vẫn miệng nói, tay làm (kể cả những việc như cấy, chăn lợn, cuốc đất), tác phong nhanh nhẹn khác thường.

 

Đến nay, Trung tâm đã cơ bản hoàn thiện, ngày 2/4 vừa qua đã được UBND tỉnh ra Quyết định thành lập, mọi thủ tục gần như đã hoàn tất và sẵn sàng để tổ chức khánh thành vào ngày 11/4 tới. Ông Vũ Văn Mão, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: “Đây là trung tâm bảo trợ xã hội tư nhân đầu tiên của tỉnh, chúng tôi đánh giá rất cao mô hình này về cả hiệu quả kinh tế và xã hội, bởi sẽ góp phần đảm bảo an sinh xã hội khi ngân sách Nhà nước chưa thể bao cấp hết. Thời gian tới, Sở sẽ quan tâm giúp đỡ, tư vấn, tạo điều kiện để Trung tâm hoạt động hiệu quả”.

 

Tuy nhiên, bà Nguyệt vẫn canh cánh một nỗi lo, rằng sức lực, trình độ, khả năng tài chính có hạn của mình liệu có thể duy trì tốt một trung tâm nhân đạo lớn như vậy? Tôi chào từ biệt bà và cũng mang theo nỗi niềm ấy…