Tình đồng chí

09:51, 27/04/2013

Gần 40 năm khép lại cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những người lính từ mặt trận trở về, lòng phơi phới một niềm vui chiến thắng và hăng hái bước vào mặt trận xóa đói, giảm nghèo ngay trên mảnh đất quê hương. Song ở mặt trận mới, có không ít người lính cũ phải hằng ngày giấu nỗi đau riêng, vượt lên chính mình để gượng sức làm việc như bao người trong xã hội. Những câu chuyện cảm động dưới đây, chúng tôi ghi lại ở xã Minh Lập (Đồng Hỷ).

Ông Phạm Hồng Vinh, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB), Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) xã Minh Lập tâm sự: Tôi cũng như những người đồng chí của mình bị ảnh hưởng, bị di chứng chất độc da cam đều mang trong mình nhiều loại bệnh tật mà thế giới chưa tìm được thuốc chữa. Chỉ người trong cuộc như chúng tôi mới hiểu ngấm cái nỗi đau dày vò thúc ra từ gan ruột. Cũng vì thế trong cuộc sống đời thường, giữa chúng tôi thêm một lần nữa gắn bó hơn bởi tình đồng chí.

 

 

Vâng! Còn gì ấm áp, chân thành hơn tình đồng chí, đồng đội. Nhất là với những người lính năm xưa từng xẻ dọc Trường Sơn vào mặt trận miền Nam đánh giặc. Nhớ chuyện chiến trường xưa, CCB Cao Đức Thịnh xóm Cà Phê 1 xúc động: Sau mỗi trận đánh, đơn vị lại mất đi vài đồng chí. Mình được trở về là may mắn hơn rất nhiều đồng đội phải nằm lại chiến trường, di cốt hóa vào đất nơi rừng thẳm, bạn cùng chiến đấu năm xưa chưa tìm được để mang về quê hương truy điệu. Sau 16 năm phục vụ trong quân đội, ông Thịnh mang về với niềm tự hào: Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt xe tăng. Nhưng phía sau nụ cười hân hoan ngày đoàn tụ, ông phải âm thầm chịu đựng nỗi đau thể xác vì bệnh tật, thương tích. Giây lát dừng lời, đôi mắt ông chợt nhòe nước, bảo: CĐDC ngấm vào máu thịt, hành hạ tôi bằng nhiều thứ bệnh. Nhưng đau đớn hơn rất nhiều nỗi đau thể xác, con tôi, cháu Cao Trung Thành liên tục 12 năm học đều là học sinh giỏi, năm học lớp 12, cháu thi học sinh giỏi toán cấp tỉnh đoạt giải Ba. Cháu thi đỗ vào Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, học được nửa năm thì… phát điên. Tôi sinh cháu ra đời, đồng thời tôi để cho cháu di chứng CĐDC. Tôi là nạn nhân. Con tôi cũng là nạn nhân của chiến tranh.

 

Còn gì đau hơn nỗi đau từ di chứng CĐDC. Ông Thịnh cởi áo cho tôi xem vết thâm tím, chai lại thành sẹo bên phía ngực trái: Con tôi, trong lúc lên cơn điên đã đấm bố 1 quả chí mạng. Tôi không giận, vì cháu có tội gì đâu. Lắm khi nghĩ cũng thấy buồn, song bên tôi còn có những đồng chí, đồng đội cùng cảnh ngộ. Thậm chí có nhiều người còn khổ hơn tôi, như anh Lý Xuân Thanh, xóm Cầu Môn vừa là thương binh và là nạn nhân CĐDC. Anh Thanh có 6 người con, thì người con thứ 4 là Lý Xuân Trường bị khoèo 1 chân, 1 tay, đi lại lật đật, cuộc sống thiếu thốn đủ bề. Chúng tôi, những đồng đội cũ cũng chỉ biết qua lại thăm nom, động viên bằng lời nói chứ chẳng có gì giúp bằng vật chất.

 

Năm 2012, thông qua sự giúp đỡ, hỗ trợ của các tổ chức xã hội, gia đình ông Lý Xuân Thanh và gia đình các nạn nhân Lê Phú Thanh, Nguyễn Quyết Thắng (xóm Đoàn Kết), Đặng Văn Hậu (xóm Làng Chu) đã làm lại được ngôi nhà ở chắc chắn. Trong thời gian làm nhà, các đồng chí trong Hội nạn nhân CĐDC đã thường xuyên qua lại, tư vấn cách làm ăn, khuyến khích mọi người cùng trụ vững trong cuộc sống. Cũng bằng lời động viên của tình đồng chí, đồng đội, trong năm 2012, các gia đình nạn nhân Cao Đức Thịnh (xóm Cà Phê 1), ông Đào Văn Viện (xóm Làng Chu), ông Long Viết Hợi (xóm Sông Cầu) và ông Vi Văn Khèo (xóm La Rịa) đã vay mượn của anh em để làm lại nhà ở. Ông Hợi, ông Khèo bảo: Nạn nhân CĐDC chúng tôi là những người nghèo nhất, vì chút tiền chế độ trợ cấp của Nhà nước chủ yếu thuốc thang chữa bệnh. Còn ông Viện bảo: Là nạn nhân chiến tranh, chúng tôi là những người nghèo nhất, nhiều bệnh tật nhất và phải chịu đau đớn, song bên chúng tôi luôn có anh em đồng chí, đó là những người từng một thời vào Nam đánh giặc, từng hành quân qua vùng giặc Mỹ dải chất độc hoá học và ngày trở về, chúng tôi mang theo những căn bệnh không chỉ gặm nhấm cơ thể mình, mà gặm nhấm cả những thế hệ con, cháu chúng tôi.

 

Ông Vinh cho biết thêm: Hiện trong xã có 256 CCB, trong đó có 30 nạn nhân CĐDC (25 trực tiếp và 5 gián tiếp), còn 45 đồng chí có đầy đủ giấy tờ chứng nhận nhưng chưa được hưởng trợ cấp nạn nhân CĐDC… Từ đầu năm 2013 đến nay, 5 nạn nhân CĐDC của xã từ trần vì các bệnh hiểm. Hiện còn 2 nạn nhân là CCB Nguyễn Minh Tân (xóm Làng Chu) bị ung thư phổi; nạn nhân Trần Văn Kỳ (xóm Hang Le) mắc bệnh gan. Hầu hết các nạn nhân CĐDC trong xã đều là hộ cận nghèo, cần được Nhà nước hỗ trợ, giúp đỡ tiền làm nhà, vốn đầu tư cho sản xuất. Còn giữa chúng tôi, những CCB cao tuổi cũng chỉ biết gần gũi, thăm nom, động viên nhau vượt lên nỗi đau thể xác, tinh thần để làm gương cho con cháu. Có mặt ở đó, CCB, nạn nhân CĐDC Nguyễn Hữu Tĩnh (xóm Cà Phê 1) cho biết thêm: Cánh bộ đội đánh Mỹ chúng tôi nay đều đã cao tuổi, sức yếu, thân lại mang bệnh hiểm, có người quanh năm trên thân thể mẩn ngứa, người lú lẫn như mất trí, người sùi đầy mụn nhọt, cuộc sống lắm lúc còn lắm khó khăn, nếu không có sự động viên đúng lúc của người thân, của những đồng đội cũ, chắc chắn mỗi chúng tôi khó trụ vững trong cuộc sống đời thường. Cũng nhờ có tình đồng chí, đồng đội, mỗi chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh để sống, để vươn lên trong phát triển kinh tế, xóa giảm nghèo. Ở mặt trận này, chúng tôi giúp nhau kinh nghiệm sản xuất, như kỹ thuật trồng cây ăn quả, kỹ thuật làm chè ngon, chè chất lượng cao, điển hình như đồng chí Vinh đã tư vấn, thiết kế nhà xưởng sản xuất chè, kỹ thuật xây lò xao sấy chè chất lượng cho hàng chục gia đình hội viên nạn nhân CĐDC trong huyện. Còn tôi cũng như đồng chí Thịnh, tuy sức khỏe yếu nhưng vẫn tích cực giúp đỡ các đồng đội cũ kinh nghiệm chăm sóc, chế biến chè chất lượng cao. Khi gia đình đồng chí mình có việc, chúng tôi có mặt, lời động viên kịp thời, đúng lúc, sẽ hơn rất nhiều những vật chất đời thường, tiếp thêm nghị lực cho người lính cũ - những nạn nhân CĐDC tin yêu cuộc sống hơn.