Năm qua, Thái Nguyên đứng thứ 9 trong 63 tỉnh, thành của cả nước về xếp hạng sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin. Ông Vũ Quốc Thạnh, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông (TTTT) đưa ra con số này để chứng minh sự phát triển vượt bậc của tỉnh.
Hạ tầng kết nối mạnh, nhưng…
Cũng theo ông Thạnh, hầu hết chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT (ICT INDEX), tỉnh đều đạt và vượt: 100% cán bộ, công chức (CBCC), trừ công chức cấp xã, được trang bị máy vi tính và có hộp thư điện tử phục vụ công việc chuyên môn; hệ thống đường truyền gửi, nhận thông tin, văn bản giữa các cơ quan, các công chức từ cấp tỉnh đến các xã, phường luôn đảm bảo thông suốt.
Ở từng đơn vị, đã có 100% cơ quan Nhà nước từ tỉnh đến huyện có mạng LAN, mạng Internet và kết nối mạng truyền số liệu; 100% trường đại học có website và ứng dụng phần mềm; 355 doanh nghiệp có website hoạt động trên mạng internet.
Trong ứng dụng CNTT vào dịch vụ công, phải kể đến Cổng thông tin điện tử với 55 kênh thông tin (TT), tích hợp 15 trang TT của sở, ban, ngành phục vụ người dân, thường xuyên có 1.000 lượt người truy cập đồng thời. Tại Cổng này, hiện có 1.224 thủ tục hành chính được cập nhật để doanh nghiệp và người dân khai thác thường xuyên. Đã có 17/35 cơ quan, đơn vị có trang web chính thức cung cấp thông tin cho người dân.
Toàn tỉnh hiện nay áp dụng 2 mô hình một cửa liên thông hiện đại đang vận hành tại UBND Thành phố Thái Nguyên, Thị xã Sông Công. Đây là mô hình một cửa liên thông ứng dụng CNTT với các phần mềm xử lý khép kín. Các công đoạn như xếp hàng, nộp hồ sơ, giao phiếu hẹn, báo thời hạn trả kết quả, kiểm tra công việc… đều thực hiện trên hệ thống máy tính và phần mềm. Người dân ngồi ở nhà cũng có thể kiểm tra kết quả qua mạng Internet.
Bên cạnh hạ tầng kết nối, Thái Nguyên còn mạnh về nguồn nhân lực do có hệ thống các cơ sở đào tạo chuyên ngành CNTT, các trường ở bậc học phổ thông đạt chuẩn nhiều, việc đưa tin học vào dạy ở các trường, các trung tâm dạy nghề sớm. Tỷ lệ học sinh trung học phổ thông được phổ cập tin học cao so với cả nước. Đó là những điểm mạnh để đưa chỉ số ICT INDEX của tỉnh đứng thứ 9 trong tổng số 63 tỉnh, thành trong cả nước như đã nêu ở trên.
Ứng dụng công nghệ còn hạn chế
Hạ tầng kết nối mạnh là vậy, nhưng việc ứng dụng CNTT của tỉnh hiện nay lại nhiều hạn chế. Ông Lê Hữu Nhân, Trưởng phòng Quản lý CNTT (Sở TTTT) so sánh: Một tỉnh xa, nghèo, có nhiều chỉ số về KT-XH thấp hơn Thái Nguyên như Lào Cai hiện nay việc quản lý điều hành công việc và văn bản đi/đến bằng CNTT đã “phủ” 100% từ tỉnh đến huyện. Hệ thống một cửa liên thông hiện đại của Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng đã triển khai đến 100% cấp huyện. Còn tại thành phố Đà Nẵng, hệ thống này đã là 80% ở cấp xã. Ngoài ra việc cung cấp thông tin, thủ tục hành chính (mức độ 3 trực tuyến) cho người dân, doanh nghiệp trên mạng Internet qua Trang thông tin điện tử (website) hay Cổng thông tin điện tử cũng rất được họ quan tâm đầu tư và quyết liệt trong triển khai. Ở các tỉnh nói trên, về cơ bản 100% các sở, ngành, các huyện đều có Trang thông tin điện tử chính thức hoạt động trên mạng Internet, có ít nhất từ 10 đến 50 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cho người dân và doanh nghiệp, nhưng ở Thái Nguyên đến nay còn 17 sở, ban, ngành và UBND các huyện vẫn chưa có Trang thông tin điện tử trên mạng Internet, và cơ bản chưa có dịch vụ công trực tuyến nào ở mức độ 3 cung cấp cho người dân và doanh nghiệp.
Thái Nguyên còn đặc biệt yếu về con người: thiếu biên chế chuyên trách CNTT ở các đơn vị; nhiều sở, ngành lớn của tỉnh chưa có người chuyên trách về CNTT. Các tỉnh khác trong cả nước cũng gặp khó khăn này nhưng họ đã hóa giải bằng cách hỗ trợ cho cán bộ chuyên trách CNTT ngoài lương. Như các tỉnh: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Lào Cai, T.P Hồ Chí Minh, Hà Nội đã phụ cấp từ 800 nghìn đến 2,5 triệu đồng/tháng cho đội ngũ này.
Để ứng dụng CNTT mạnh lên, ông Vũ Quốc Thạnh cho rằng có 2 việc: Thứ nhất là, muốn có chính phủ - chính quyền điện tử phải có con người điện tử. Vì thế mối quan tâm đầu tiên là con người, trong đó người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị là quan trọng và quyết định. Thủ trưởng có thói quen và quyết liệt sử dụng CNTT thì bắt buộc nhân viên phải làm theo. Thế nhưng hiện nay, ở nhiều cơ quan Nhà nước vẫn còn thủ trưởng chỉ quen đọc văn bản, xử lý công việc trên giấy, không có hộp thư điện tử và thậm chí chưa biết sử dụng máy vi tính. Vậy nên cần có cơ chế chính sách đủ mạnh thúc đẩy, thậm chí bắt buộc phải ứng dụng CNTT điều hành, xử lý công việc trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, cung cấp dịch vụ hành chính công để phục vụ người dân và doanh nghiệp; cần có chỉ tiêu biên chế về chuyên trách CNTT cho các đơn vị, đặc biệt là tại cấp huyện (tối thiểu từ 2 đến 3 biên chế/ 1 UBND cấp huyện), đồng thời có cơ chế thu hút người tài, đặc biệt là các cán bộ chuyên trách về CNTT ở các cấp, ngành, bên cạnh đó phải thường xuyên quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách về CNTT này đảm bảo vừa hồng vừa chuyên, đặc biệt là công tác tham mưu, tổ chức, quản lý tốt các hệ thống thông tin và ứng dụng trong các cơ quan Nhà nước. Thứ hai là cần tập trung nguồn vốn đầu tư cho ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước của tỉnh theo đúng kế hoạch giai đoạn 2011-2015 đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Việc ứng dụng CNTT còn yếu đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhất là việc gắn kết ứng dụng CNTT với cải cách hành chính nhằm xây dựng một nền hành chính hiện đại, trong sạch, vững mạnh, hiệu quả.
ICT INDEX là chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đưa ra một đánh giá khách quan về tình hình phát triển và ứng dụng ICT của các tỉnh thành, bộ ngành và các doanh nghiệp. 7 chỉ tiêu quan trọng như hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng công nghệ, phát triển công nghiệp CNTT, môi trường chính sách, phát triển nguồn nhân lực |