"Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba". Câu ca ấy như lời hối thúc, giục lòng những con dân đất Việt hướng tâm về nguồn cội, nơi đỉnh Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, huyện Phong Châu (Phú Thọ) các vua Hùng dựng nước. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, chuyện cha Lạc Long Quân đưa 50 người con xuống biển, mẹ Âu cơ đưa 50 người con lên rừng còn đọng lại giữa nhân gian. Hơn thế, câu chuyện xưa được khắc đậm trong tâm trí mỗi người, kể từ một ấu đồng đến bậc cao niên ngoài thất thập, ai nấy ắp đầy niềm tự hào mình mang dòng máu Lạc Hồng.
Giữa dòng người về dự Quốc giỗ (tháng Ba âm lịch), có chúng tôi, những người con của núi rừng Việt Bắc hướng về đất tổ, dâng nén nhang báo công với bậc tiền nhân... Vâng! Chúng con chỉ có tấm chân tình, thỉnh dâng các bậc Vua Hùng, cầu cho Quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, thế gian được hoà bình.
Trước ngày giổ Tổ năm nay, Trời Phú Thọ chợt hào sảng bởi từng đợt nắng ấm, lại chợt mưa giây và khắc khoải trong tiết trời loang sương lạnh, khiến cảnh đất, cảnh Đền thêm uy nghi, thiêng liêng mà gần gũi. Trước bậc đá đầu tiên nơi cửa Đền Hùng, chị Trần Thị Thơm, làm nghề gánh thuê cho người tứ xứ về hành lễ nói với tôi như một hướng dẫn viên du lịch: Núi Hùng là chiếc đầu rồng hướng về phía Nam, mình uốn khúc thành dãy núi Trọc, núi Vặn, núi Pheo. Từ núi Hùng nhìn ra thấy phía trước, ngã ba Việt Trì có hàng chục quả đồi thấp là đàn rùa bò từ ao nước lớn lên. Phía sau, mảnh đất làng Hy Sơn là hình chim phượng cặp thư. Bên phải là quả đồi Khang Phụ có hình hổ phục. Bên trái, quả đồi An Thái có hình vị tướng quân bắn nỏ. Và Làng Cổ Tích bên chân núi nằm trên lưng một con ngựa ghì cương, còn dãy đồi từ Phú Lộc đến Thậm Thình là 99 con voi chầu về đất Tổ. Xa hơn nữa về phía Tây có dòng sông Thao nước đỏ, phía Đông dòng sông Lô nước xanh, trông tựa 2 dải lụa màu mềm mại viền làm danh giới. Tương truyền, Vua Hùng đi khắp trong nước, cuối cùng mới chọn được vùng sơn thủy hữu tình này làm đất đóng đô.
Tôi đã rất ngạc nhiên khi được nghe một người phụ nữ làm nghề gánh thuê, lại thuộc nằm lòng về địa lý, phong thủy và cả từng câu chuyện chất chứa hồn cốt lịch sử dân tộc. Mà cũng phải thôi: "Dân ta phải biết sử ta", về Đền Hùng cũng là lúc mỗi người nguôi ngoai những lo toan đời thường, chân bước trên từng bậc đá, miệng nhẩm câu "cây có cội, sông có nguồn". Nguồn cội của người Việt Nam khai sinh từ đây, bởi thế một dân tộc phải trải biến cùng thời gian với biết bao thăng trầm, hết đô hộ của người phương Bắc, sự xâm lược của người phương Tây, nhưng người Việt luôn đằm lòng hướng tâm về nguồn cội. Cũng vì thế cả ngàn năm Bắc thuộc, đến trăm năm đô hộ của Thực dân Pháp, con dân đất Việt luôn tự hào mình là "dòng máu Lạc Hồng", không gì có thể khuất phục.
Nhớ ngày giỗ Tổ năm Nhâm Thìn (2012), tôi cùng Ban Quản lý đình Hùng Vương - đình ngự ở phường Trưng Vương, T.P Thái Nguyên về đất Tổ. Ông Phạm Trần Đang, 76 tuổi, Trưởng Ban Quản lý đình thủ thỉ: Được sự nhất trí của Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích lịch sử đền Hùng, từ 3 năm nay, đình Hùng vương đã tổ chức rước chân nhanh, thánh hiệu, sắc phong, đất đền Hùng và nhiều di vật thời Hùng Vương về đình thờ tự, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân trong vùng. Từ Thái Nguyên, những người dân không có điều kiện về đất Tổ, có thể đến đình bái vọng.
Dưới tán rừng xum xuê, tôi gặp cụ bà Hoàng Thị May, 85 tuổi, đến từ Thủ đô Hà Nội, tay lần tràng hạt, miệng nhẩm nam mô…, thấy tôi hỏi thăm, bà móm mém bảo: Con, cháu phải dìu bà lên đây. Bà thấy chân tay khoẻ khoắn ra. Bà về đất Tổ với một thỉnh cầu cho đất nước - mỗi người lãnh đạo đều là một tấm gương sáng cho nhân dân mừng. Vừa trò chuyện, bà vừa bước, từng bước trên phiến đá xanh để đến cửa đền Hạ, Chùa, gác Chuông, lên đền Trung, cột Miếu Cô rồi tới đền Thượng. Hàng triệu lượt người về đây mỗi năm, bề ngoài là vãn cảnh, song ai nấy thành tâm kính hiếu với đức Vua Hùng. Cụ Trần Văn Long, 81 tuổi, quê Nghệ An đã cùng con, cháu vượt hàng trăm cây số đường trường về trước ngày đại lễ (10-3). Lúc dừng chân nghỉ ở sân đền Thượng, cụ vuốt chòm râu dài bạc trắng, bảo với tôi: Trên thế giới chỉ có đất nước Việt Nam ta, các dân tộc đều là anh em, có nhà chung một nóc, chung một ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Đã gần 20 năm nay, năm nào tôi cũng về đền Hùng nhân ngày giỗ Tổ. Tuy tuổi cao, song tôi thấy khoẻ mạnh, tâm hồn thư thái, lòng không vướng bụi hồng trần.
Ông Jhon Nguyễn, Việt kiều từ Pháp về đã đến đây, bùi ngùi: Tôi là người con xa Tổ quốc, nay về nơi đất thiêng, thấy mình… dường như có lỗi vì hằng năm không về được đất nước đúng ngày giỗ Tổ. Cùng đi, bà Linda Rooney nhận xét: Người Việt Nam có chung một ông Tổ, mọi người đều là người một nhà, nên biết yêu thương, biết sẻ chia và thậm chí dám hi sinh tính mạng mình cho người khác được sống. Đấy là một đức tin vĩ đại mà ít quốc gia nào có được.
Trên từng bậc đá, tôi nhẩn nha bước dưới tán rừng dày sương ướt, bất chợt có giọt nắng xiên khoai xé tán lá làm một quãng đường dốc chợt lung linh tia ngũ sắc cầu vồng. Đây lăng Cô, đây nhà Bia rồi điểm cuối của chuyến hành hương về đất Tổ là đền Giếng. Đền Giếng - nơi thờ tự 2 bà công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa, 2 bà có công dạy dân trồng lúa, trị thủy nên được nhân dân lập đền thờ phụng. Cũng ở ngôi đền này, ngày 19-9-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lần về thăm đền Hùng lần đầu đã có bài nói chuyện với cán bộ nhân dân. Bác tổng kết bài nói chuyện bằng câu nói bất hủ: "Các Vua Hùng có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Lần thứ 2 về thăm đền Hùng, ngày 19-8-1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với các đồng chí bảo vệ: "Leo núi phải lên đến đỉnh, cũng như người làm cách mạng không được bỏ dở chừng, đã đi phải tới đích cuối cùng"… Lời Bác dạy còn đó, nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên đức tính cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư. Đã là con dân đất Việt thì đều là anh em ruột thịt, đừng để "môi hở" làm "răng lạnh", mà phải cùng đoàn kết, chung sức xây dựng đất nước ngày càng thêm phồn thịnh, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Ngày đại lễ của đất nước diễn ra giữa từng màn trống hội giục giã. Với lễ vật tam sinh (lợn dê, bò) và các loại ngọc thực trời đất ban tặng cho con người. Trong những ngày giỗ Tổ, vùng đất Cổ Tích, xã Hy Cương (Lâm Thao, Phú Thọ) dường như không ngủ bởi các trò chơi hội: Đu, vật, chọi gà và tiếng hát xoan, hát nhả tơ của người dân các làng, xã dưới chân núi Hùng tụ về, không ngơi nghỉ.