Chuyện nguồn điện quá yếu không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, sản xuất ở các xóm: 1, 2, 6, 7 xã Phúc Tân (Phổ Yên) đã kéo dài suốt từ năm 2005 đến nay. Nhưng trong những ngày nắng nóng vừa qua, chuyện thiếu điện càng bức xúc, trở thành chủ đề bàn luận chính của người dân địa phương bởi có quạt máy, tủ lạnh… nhưng phải vứt xó.
Ông Trần Ngọc Ước ở xóm 6 cho biết: “Có điện lưới nên hầu hết các hộ dân trong xóm tôi đều mua sắm các thiết bị sử dụng điện để phục vụ sản xuất, sinh hoạt nhưng không phát huy được. Ngay việc thắp sáng của bà con ở đây cũng lâm vào cảnh “ăn cơm đèn, đi ngủ điện” trong khoảng thời gian từ 18 đến 22 giờ hàng ngày. Nguồn điện yếu nhưng giá điện người dân phải trả lên tới 2.500 đồng/kw và thường nhật lo dây điện đứt gây tai nạn khi mưa to, gió lớn. Vấn đề này chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần qua các đợt tiếp xúc cử tri nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”. Người dân thành phố chỉ mất điện 1 ngày đã thấy sản xuất, sinh hoạt bị đảo lộn thì chuyện thiếu điện của người dân Phúc Tân suốt 10 năm qua là vấn đề không nhỏ.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, lưới điện ở xã Phúc Tân được đầu tư xây dựng từ năm 2003 theo cơ chế Nhà nước đầu tư 40% giá trị đường điện, nhân dân đối ứng 60% phần còn lại. Tuy nhiên, thời điểm đó, người dân xã Phúc Tân do khó khăn về kinh tế nên phần vốn đối ứng đã không thực hiện được. Vì điều này mà chỉ có trên 400 hộ dân ở các xóm nằm trên trục đường liên xã Phúc Tân - Phúc Thuận được sử dụng nguồn điện đảm bảo (gần trạm biến áp) và được hỗ trợ công-tơ, đường dây hạ áp đúng quy chuẩn. Người dân ở các xóm còn lại của xã Phúc Tân phải tự đầu tư kinh phí kéo điện nên dây dẫn, công-tơ không đảm bảo theo tiêu chuẩn của ngành Điện, cộng thêm khoảng cách từ trạm biến áp đến các xóm quá xa (nơi xa nhất tới trên 3km) nên điện năng yếu, hao tải lớn. Ông Trần Hồng Thái, Chủ tịch UBND xã Phúc Tân cho biết: “Nguồn điện quá yếu ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, sinh hoạt của người dân trong xã là đúng. Đáng lo ngại hơn, lãnh đạo 3 trường học trên địa bàn còn cho biết hầu hết các cháu ở những xóm thiếu điện có kết quả học tập không cao là do buổi tối các cháu không thể làm bài tập tại nhà. Vấn đề này chúng tôi đã kiến nghị lên huyện xem xét đầu tư thêm trạm biến áp, đường dây hạ thế. Tuy nhiên, số vốn đầu tư nâng cấp đường điện cho Phúc Tân lớn nên cấp trên đang nghiên cứu, cân đối vốn. Không có nguồn điện ổn định thì việc xây dựng nông thôn mới tại địa phương chúng tôi sẽ rất khó thực hiện theo đúng lộ trình”.
Phúc Tân còn tới 35% số hộ nghèo (tương đương 168 hộ) nên việc huy động nội lực tại chỗ để nâng cấp đường điện đảm bảo phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt là khó khả thi. Theo nguyện vọng của các hộ dân chưa được sử dụng nguồn điện ổn định ở xã Phúc Tân, Nhà nước hỗ trợ đầu tư trạm biến áp, còn phần đường dây hạ áp thực hiện theo cơ chế đối ứng 50/50 (nhân dân đóng góp 50% chi phí). Chỉ có như vậy vấn đề thiếu điện ở xã Phúc Tân mới có thể sớm được giải quyết…