Bảo vệ các tuyến đê, kè trong mùa mưa bão

10:02, 24/07/2013

Tháng 7, do có nhiều trận mưa lớn ở đầu nguồn đổ về khiến nước sông Cầu dâng lên cuồn cuộn. Đi trên tuyến đê cấp IV Gang Thép, nối từ phường Cam Giá , T.P Nguyên sang xã Đồng Liên (Phú Bình) dài 8,3km, chúng tôi cảm nhận được cuộc sống yên bình của những cư dân nơi đây.  

Phía bên này đê, những ruộng lúa đang bén rễ xanh rì. Xa xa, các bà, các chị vẫn đang thăm đồng, bón phân cho lúa. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Khang, một một người dân ở xóm Đồng Tâm, xã Đồng Liên (Phú Bình) cho biết: Bên này, nước sông Cầu lên cao là vậy, nhưng chúng tôi vẫn rất yên tâm bởi tuyến đê Gang Thép đã được gia cố rất chắc chắn, mặt đê đổ nhựa, bê tông còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi, lại của người dân sinh sống quanh khu vực này.

 

Đê Gang Thép chỉ là một trong 7 hệ thống đê chống lũ hiện có của tỉnh. Tổng chiều dài của các hệ thống đê này là 49km, trong đó tuyến đê Hà Châu (đi qua các huyện Phú Bình, Phổ Yên), đê Chã (Phổ Yên) và đê Tả sông Công (Phổ Yên) thuộc đê cấp III, tổng chiều dài 35,2 km. Còn lại là các tuyến đê cấp IV gồm đê Mỏ Bạch và đê chỉnh trang đô thị đều thuộc địa phận T.P Thái Nguyên, đê Gang Thép (thuộc địa phận T.P Thái Nguyên và Phú Bình), đê Đô Tân - Vạn Phái (Phổ Yên). Ngoài ra, còn có các công trình phòng chống lũ khác gồm 23 cống tiêu thoát nước, 12 kè lát mái, 5 kè mỏ hàn.

 

Anh Bùi Tiến Chính, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi và phòng, chống lụt bão tỉnh (PCLB) cho biết: Được sự đầu tư của Nhà nước, khoảng 5 năm trở lại đây, tỉnh ta đã triển khai các dự án nâng cấp các tuyến đê, kè xung yếu. Theo đó, số tiền được đầu tư để tu bổ, nâng cấp các tuyến đê, kè… lên đến gần 20 tỷ đồng mỗi năm. Đơn cử như tuyến đê Chã, đến nay có 10,5km trong tổng số chiều dài toàn tuyến là 16,6km đã được gia cố bằng bê tông; tuyến đê sông Công có 8 km, thì gần 7km đã được gia cố bằng bê tông; tuyến đê Gang Thép cũng cơ bản đã được gia cố bằng bê tông hoặc trải nhựa. Các tuyến đê còn lại, mặt đê cơ bản cũng đã được cứng hóa hoặc đã được gia cố bằng cấp phối sông, suối… Với hệ thống kè, cũng được tỉnh quan tâm sửa chữa, nâng cấp... Riêng trong năm 2012, kè Xuân Vinh, xã Trung Thành (Phổ Yên) và kè xóm Soi của tuyến đê Chã, thuộc địa phận xã Đông Cao (Phổ Yên) đã được khởi công xây dựng. Nhờ đó, các tuyến đê, kè cơ bản đảm bảo chống lũ theo mực nước thiết kế của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

 

Mặc dù vậy, hiện có 2 đoạn thuộc tuyến đê Hà Châu thiếu cao trình từ 0,2-0,3m; 1đoạn của tuyến đê sông Công thiếu cao trình bình quân từ 0,1-0,2m. Các tuyến đê về cơ bản đã được cứng hóa, tuy nhiên một số đoạn đã xuống cấp như đoạn từ K5+074 đến K5+460, K9+500 đến K10+600 của tuyến đê Chã. Ngoài ra, đoạn từ  K6+950 đến K7+500, K7+970 đến K8 của đê tả sông Công  và đoạn từ K7 đến K16+600 của đê Hà Châu chưa được cứng hóa cũng đang xuống cấp khá nghiêm trọng. Đó là chưa kể một số cống dưới đê như cống số 6 (K9+950 đê Chã), cống số 1 (K0+620 đê Chã), cống số 8 (K7+500 đê sông Công)… cũng đang có biểu hiện xuống cấp.

 

Để bảo vệ vững chắc đê, kè, cống trong mùa mưa bão, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, ngay từ đầu năm, Ban Chỉ huy PCLB tỉnh, các địa phương, các ngành chức năng đã tiến hành tổng kiểm tra đánh giá chất lượng các công trình đê điều và xác định được vị trí trọng điểm xung yếu. Đó là tuyến đê Hà Châu, đoạn thuộc địa phận xã Tiên Phong (Phổ Yên) có đoạn từ K9+700 đến K10+200. Ở khu vực xung yếu này, do trước đây đắp bằng thủ công nên thân đê yếu, chênh lệch cao trình chân đê và mặt đê trung bình là 7m, chưa có cơ đê. Mặt cắt đê nhỏ, bề rộng mặt đê từ 4 đến 4,5m. Phía sông dòng chảy sát vào chân đê, phía đồng có nhiều ruộng trũng. Do đó, Ban chỉ huy PCLB tỉnh đã xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm và phương án hộ đê, đề phòng đoạn đê trên bị vỡ.

 

Ông Đinh Khắc Tĩnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Mặc dù hệ thống đê, kè, cống đã được đầu tư củng cố nhưng trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn biến nhanh, tác động tiêu cực thì việc chuẩn bị tốt các điều kiện ứng phó, làm chủ tình thế, có giải pháp tích cực luôn là cách tốt nhất để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai... Ngay từ tháng 3 và 4, tất cả vật tư dự trữ PCLB như: đá hộc, đá dăm, rọ thép, bao tải, cuốc, xẻng… đã được tập kết tại các trọng điểm, các tuyến đê của tỉnh. Các địa phương đang tập trung chỉ đạo các hộ dân chuẩn bị các biện pháp chống lụt… theo phương châm "4 tại chỗ". Cùng với vật tư dự trữ của các hộ dân, các xã, phường, thị trấn (kể cả những địa phương không có đê) đều huy động lực lượng xung kích hộ đê, sẵn sàng bảo vệ các trọng điểm PCLB…

 

Nắm chắc hiện trạng, lường trước khó khăn, tìm ra giải pháp tích cực, hợp lý nhằm bảo vệ vững chắc hệ thống đê, kè, cống trong mùa mưa bão, lũ năm 2013 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh và các địa phương trong thời gian tới. Thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ", phát hiện sớm các sự cố, xử lý an toàn ngay từ giờ đầu, chủ động hiệp đồng theo các phương án chắc chắn sẽ bảo đảm hệ thống đê, kè, cống của tỉnh vững chắc trong mùa mưa bão năm nay.