Vài năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh, tình hình phạm tội ở lứa tuổi vị thành niên trên xảy ra khá nhiều. Trong đó, có có nhiều vụ việc xảy ra có tính chất phức tạp, nghiêm trọng.
Những vụ việc đau lòng
Người dân thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) đến giờ vẫn chưa thể quên vụ việc đau lòng xảy ra tại xóm Đông vào ngày 12/2/2013. Lúc đó, mọi người vẫn còn đang tận hưởng không khí ngày xuân thì đến khoảng 22h30’ có tiếng hô hoán anh Dương Văn Tiến (trú tại xóm Bảo Lễ, xã Bảo Lý) bị kẻ thủ ác dùng dao đâm trọng thương phải đưa đi bệnh viện cấp cứu. Hung thủ là Nguyễn Văn Dương, trú tại tổ dân phố Hòa Bình, thị trấn Hương Sơn đã dùng dao nhọn đâm anh Tiến từ sau lưng xuyên qua phổi. Vì vết đâm quá hiểm nên anh Tiến đã tử vong 2 ngày sau đó. Điều đáng nói là cả người gây án và nạn nhân mới 17 tuổi chỉ vì mâu thuẫn cá nhân từ trước, không biết cách hòa giải mà dẫn đến vụ việc đau lòng.
Đó chỉ là một trong số những vụ việc phạm tội do vị thành niên gây ra có rất nhiều vụ án có hành vi, tính chất và mức độ vi phạm phức tạp, nghiêm trọng. Trên thực tế, có nhiều vụ đánh người gây thương tích, đánh nhau tập thể, cả hai bên còn sử dụng hung khí với mục đích triệt hạ đối phương. Vụ việc giữa Nguyễn Văn Tuấnvà Nguyễn Đình Đức cùng trú tại xã Hùng Sơn bị Tòa án nhân dân huyện Đại Từ đưa ra xét xử vào đầu năm 2013 là một ví dụ. Vì có mâu thuẫn với nhau từ trước mà Đức đã chủ động tìm dao phớ để đánh Tuấn. Lúc đầu, đây chỉ là xích mích cá nhân nhưng đến khi giải quyết lại có sự tham gia của bạn bè 2 bên để rồi trở thành cuộc ẩu đả giữa nhiều người. Hậu quả sau vụ đánh nhau tập thể này là 2 người phải vào bệnh viện cấp cứu, 3 người gây tội phải ra trước vành móng ngựa và chịu hình phạt trước pháp luật. Điều đáng nói là các đối tượng này mới ở độ tuổi 16, đang là học sinh của Trung tâm Giáo dục Thường xuyên huyện Đại Từ. Độ tuổi mà đáng lẽ các em cần tập trung cho việc học tập, rèn luyện. Vậy mà, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ, không biết cách xử lý mà dẫn đến những hậu quả đáng tiếc: người thì bị thương tật suốt đời, kẻ vướng vào vòng lao lý, khiến các bậc phụ huynh không khỏi đau lòng…
Bên cạnh những vụ việc đánh nhau gây thương tích đau lòng xảy ra là hàng chục vụ trộm cắp tài sản mà người thực hiện tuy trong độ tuổi vị thành niên. Vụ việc Đỗ Mạnh Hoàng (sinh năm 1995, là lao động tự do, trình độ văn hóa 7/12 trú tại tổ 5, phường Phú Xá, T.P Thái Nguyên) dưới đây là một điển hình. Từ tháng 3/2012 đến tháng 1/2013. Hoàng làm thuê tại nhà hàng Thiên Đường thủy sản (ở thị trấn Chùa Hang, Đồng Hỷ) do anh Phạm Thanh Văn làm chủ. Trong thời gian làm việc ở đây, Hoàng biết anh Văn thường để tiền trong kết sắt nhưng có lúc sơ hở không dùng chìa khóa lại mà chỉ khóa bằng núm xoay số. Vì có ý định xấu từ trước nên mỗi lần anh Văn mở két, Hoàng thường nhìn trộm, ghi nhớ các con số mở két, chờ thời cơ thuận lợi sẽ hành động. Đến cuối tháng 1/2013, lợi dụng lúc gia đình anh Văn sơ hở, Hoàng đã xoay núm mở két lấy đút túi 30 triệu đồng sau đó băt taxi xuống Hà Nội tiêu hết chỉ trong vài ngày sau đó. Tuy nhiên, vì Hoàng chưa đến tuổi thành niên nên chỉ bị phạt 9 tháng từ cho hưởng án treo và thử thách 18 tháng tại địa phương.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh (Phòng PC45): Năm 2011, toàn tỉnh có 52 vụ vi phạm pháp luật với 67 đối tượng mà thủ phạm bị cơ quan công an xử lý là người chưa thành niên; con số này của năm 2012 tăng lên 61 vụ với 74 đối tượng. Còn 6 tháng đầu năm 2013 là 20 vụ với 23 đối tượng phạm tội. Phần lớn các đối tượng phạm vào tội danh: Trộm cắp tài sản, Cố ý gây thương tích, tiếp đó là cướp giật tài sản, gây rối trật tự công cộng.
Trách nhiệm từ nhiều phía
Đã đến lúc gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ phạm tội ở độ tuổi vị thành niên. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, hành vi là do các em gây ra nhưng không thể không nói đến sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, giáo dục từ phía gia đình, nhà trường và xã hội.
Thực tế cho thấy, phần lớn các đối tượng vị thành niên phạm tội đều do chơi bời lêu lổng, không tập trung hoặc học hành dở dang, gia đình buông lỏng quản lý. Nhiều em sống trong những gia đình có hoàn cảnh khó khăn hoặc thường xảy ra mâu thuẫn hay bố mẹ ly hôn nên dẫn đến tình trạng chán nản, sống buông thả, học theo thói xấu của bạn bè. Cũng có gia đình, các bậc phụ huynh sống thiếu gương mẫu, quá nuông chiều con theo kiểu muốn gì cho nấy mà không hề quản lý, quan tâm đến suy nghĩ, cách sống của con. Chưa kể, các trò chơi điện tử, văn hóa phẩm đồi trụy có ảnh hưởng rất lớn đối với lứa tuổi mới lớn. Do vậy. ở tuổi này các cháu rất cần được sự chia sẻ, cảm thông và gần gũi của người lớn.
Đồng chí Vũ Văn Chính, Phó Trưởng phòng nghiệp vụ, Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh băn khoăn: Trong nhiều trường hợp, chỉ vì mâu thuẫn, xích mích cá nhân rất nhỏ nhưng do các em không biết kiềm chế, tìm cách hóa giải mà lại “nổi máu anh hùng” nên đã dẫn đến những hậu quả đau lòng. Các em phạm tội đều xuất phát từ nhu cầu ích kỷ cá nhân, thậm chí có em phạm tội nhiều lần, phạm tội với mức độ rất nghiêm trọng. Trong khi đó, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành dành cho đối tượng phạm tội ở tuổi vị thành niên còn có sự “ưu ái”, mang tính giáo dục, phòng ngừa nên việc xử lý tội phạm chưa đủ tính răn đe. Điều này dẫn đến hiện tượng “nhờn luật” ở một bộ phận không nhỏ vị thành niên. Bởi vậy, các cấp, ngành chức năng cũng nên xem xét, sửa đổi cho phù hợp, nhất là đối với các hành vi phạm tội rất nghiêm trọng.
Còn Đại tá Dương Xuân Quý, Trưởng phòng PC45 cho rằng: Trong quá trình đấu tranh, điều tra, ngành chức năng cần chú trọng tới việc tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, xác định nguyên nhân dẫn tới con đường phạm tội... để giúp các em cải tạo, rèn luyện nhân cách có hiệu quả. Để đấu tranh, phòng ngừa loại tội phạm này cần sự vào cuộc nghiêm túc từ phía gia đình, nhà trường và cộng đồng trong việc giáo dục, quản lý các em. Đối với trẻ phạm tội là mồ côi, không nơi nương tựa, sau một thời gian cải tạo, nếu quay về tiếp tục bị xã hội, gia đình bỏ rơi, các em rất dễ tái phạm. Do đó, những trường hợp này cần có sự hỗ trợ rất lớn của ngành chức năng, địa phương, cộng đồng để giúp các em làm lại cuộc đời.