Còn nhiều khó khăn trong công tác dân số ở Đồng Hỷ

16:54, 11/07/2013

Đồng Hỷ là huyện miền núi với nhiều xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn như: Văn Lăng, Tân Long, Văn Hán… Điều này đã khiến cho công tác Dân số - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) của toàn huyện còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tình trạng sinh con thứ 3.

Nhiều năm nay, Nam Hòa là một trong những xã có tỷ lệ sinh con thứ 3 cao nhất huyện Đồng Hỷ. Để tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi đã trao đổi với chị Chu Thị Loan, cán bộ dân số xã và được biết: Xã Nam Hòa hiện có trên 2.450 hộ với hơn 10.000 nhân khẩu, sinh sống tại 22 xóm. Trong đó, người dân tộc thiểu số chiếm 86%. Từ đầu năm đến nay, xã có trên 80 trẻ sơ sinh thì số trẻ là con thứ 3 trong gia đình là 11 cháu.

 

 

Nguyên nhân khiến cho tỷ lệ sinh con thứ 3 của xã cao như vậy chủ yếu là do mật độ dân cư đông, trình độ dân trí của người dân còn hạn chế. Quan niệm phải có con trai nối dõi vẫn còn nặng nề trong các gia đình. Mặt khác, mặc dù bà con sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn nhưng vẫn mang thai bởi họ áp dụng các biện pháp tránh thai không đúng cách. Hiện nay, toàn xã có gần 2.300 phụ nữ có chồng trong độ tuổi sinh đẻ từ 15-49 tuổi thì có trên 1.700 trường hợp đang sử dụng các biện pháp tránh thai. Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan đó còn có nguyên nhân khách quan là do phần lớn lực lượng cộng tác viên dân số thôn, xóm phải kiêm nhiều chức vụ, tuổi đời còn trẻ, chưa có kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền dân số - KHHGĐ, còn ngại ngần khi truyền thông ở các buổi sinh hoạt xóm nên chất lượng tuyên truyền chưa cao.

 

Những khó khăn trên là tình trạng chung của hầu hết các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Đồng Hỷ. Bà Triệu Phương Hạnh, Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Đồng Hỷ cho biết: Từ đầu năm đến nay, toàn huyện có trên 730 trẻ được sinh ra, trong đó có gần 60 trẻ là con thứ 3 trong gia đình. So với các địa phương khác, tỉ lệ sinh con thứ 3 của huyện Đồng Hỷ vẫn còn ở mức cao. Mặc dù chúng tôi đã triển khai nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng sinh con thứ 3 như: duy trì sự hoạt động của cộng tác viên dân số ở các xóm, bản; thường xuyên chỉ đạo cán bộ chuyên trách dân số xã tuyên truyền và triển khai các biện pháp tránh thai đến các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ; tham mưu với chính quyền các xã cụ thể hóa chính sách Dân số - KHHGĐ vào hương ước, quy ước xóm; thực hiện nghiêm tiêu chí này trong việc xét công nhận gia đình văn hóa… thế nhưng, hiệu quả vẫn còn thấp.

 

Hiện nay, Đồng Hỷ có 18 xã, thị trấn thì có đến 2/3 số xã thuộc vùng sâu, vùng xa. Đây cũng là những địa phương có tỷ lệ sinh con thứ 3 cao bởi ở đó tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Họ có những tập quán, quan niệm riêng về chuyện sinh đẻ nên việc thay đổi nhận thức của bà con không dễ. Bên cạnh đó, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn nên họ chỉ tập trung vào việc làm ăn, phát triển kinh tế, ít quan tâm đến những chính sách dân số. Muốn tuyên truyền cho bà con về vấn đề này, hầu hết cán bộ dân số ở các xã phải lồng ghép vào các buổi họp xóm. Nếu tổ chức riêng, bà con đi nghe rất ít hoặc có đi đủ thì cũng không ngồi nghe hết.

 

Một nguyên nhân khác khiến cho công tác dân số của huyện gặp nhiều khó khăn là do phần lớn đường giao thông ở những xã vùng sâu vùng xa là đường đồi núi khó đi, trong khi đó dân cư lại sống tập trung rải rác trên những quả đồi cao. Điều này khiến cho những người làm công tác dân số vô cùng vất vả trong mỗi lần đi tuyên truyền tại các xóm, bản hoặc tại nhà dân. Hiệu quả của những buổi làm việc như vậy cũng không cao bởi thời gian đi, về thì nhiều mà thời gian trao đổi, tiếp xúc với bà con lại rất ít. Chị Ma Thị Thu Huyền, cán bộ phụ trách dân số ở xã Văn Lăng tâm sự: Làm công tác dân số ở vùng cao, một trong những nỗi lo lắng lớn nhất của tôi là khi đến nhà mà không gặp được đúng đối tượng truyền thông bởi chặng đường băng rừng lội suối vô cùng nhọc nhằn, gian nan. Xã có 3 xóm khó đi nhất là Liên Phương, Mỏ Nước và Bản Tèn, vào mùa mưa có khi cả tháng tôi không vào được 3 xóm này vì nước ở các con suối dâng cao. Không ít lần tôi đã phải tranh thủ tuyên truyền cho người dân lúc họ đến Trạm Y tế khám, chữa bệnh.

 

Trong khi đa số đội ngũ cán bộ dân số của huyện phải làm việc, di chuyển trong điều kiện vất vả thì kinh phí cho các hoạt động của công tác này còn cấp chậm, thậm chí nhiều xã hiện nay không có kinh phí hỗ trợ cho công tác dân số hoặc có thì ngân sách hỗ trợ cũng rất hạn hẹp. Điều này phần nào khiến cho cán bộ dân số và cộng tác viên dân số ở các địa phương không mấy mặn mà với công việc của mình.

 

Ngoài những khó khăn trên, vấn đề chất lượng của đội ngũ cán bộ dân số cũng còn nhiều bất cập. Cán bộ làm công tác dân số ở các xã hầu hết đều là người mới, còn trẻ tuổi, chưa nắm được đầy đủ các chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về Dân số-KHHGĐ, chưa hiểu rõ vai trò của công tác dân số đối với sự phát triển kinh tế - xã hội thiếu kinh nghiệm, kỹ năng tuyên truyền.

 

Để tháo gỡ những khó khăn trong công tác dân số của huyện, bà Triệu Phương Hạnh cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực tham mưu với chính quyền địa phương nhằm đẩy mạnh sự tăng cường lãnh đạo đối với công tác Dân số - KHHGĐ. Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền về công tác này. Hướng dẫn và đôn đốc các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác truyền thông chuyển đổi hành vi nhằm tăng nhanh số người áp dụng các biện pháp tránh thai và thực hiện mô hình gia đình ít con…