Đột phá trong điều trị HIV

08:47, 07/07/2013

Đột phá trong điều trị HIV vừa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố vào ngày 30-6 tại Hội nghị Hiệp hội AIDS Quốc tế tại Kuala Lumpur. Theo đó, WHO khẳng định: điều trị kháng virus sớm hơn, an toàn hơn và đơn giản hơn sẽ có thể đẩy lùi dịch bệnh HIV.

Những bằng chứng gần đây cho thấy, điều trị kháng virus sớm hơn sẽ giúp người nhiễm HIV sống lâu hơn, sống khỏe hơn đồng thời sẽ giảm đáng kể nguy cơ lây truyền HIV cho người khác. Các chuyên gia của WHO nhận định bước đột phá này có thể ngăn chặn 3 triệu người chết và phòng ngừa hơn 3,5 triệu ca nhiễm HIV mới từ nay đến năm 2025.

 

Những khuyến nghị mới được WHO đưa ra trong tài liệu “Hướng dẫn thống nhất về việc sử dụng thuốc kháng virus trong điều trị và phòng chống lây nhiễm HIV”. Theo đó, WHO khuyến khích tất cả các quốc gia bắt đầu điều trị cho những người lớn bị nhiễm HIV khi số lượng tế bào CD4 của họ giảm xuống 500 tế bào/mm ³ hoặc ít hơn, với điều kiện hệ miễn dịch của họ vẫn còn mạnh. Trước đó, vào năm 2010, WHO khuyến nghị tiến hành điều trị ở mức 350 tế bào CD4/mm³ hoặc ít hơn. Chín mươi phần trăm các quốc gia đã áp dụng các khuyến nghị năm 2010, chỉ một vài quốc gia như Algeria, Argentina và Brazil tiến hành điều trị ở mức 500 tế bào/mm3.

 

Theo hướng dẫn của WHO, tất cả những người lớn bắt đầu nhận điều trị kháng virus sẽ dùng một loại thuốc kết hợp của ba loại thuốc kháng vi-rút là tenofovir, lamivudine (hoặc emtricitabine) và efavirenz. Liều dùng cố định là mỗi viên một ngày. Sự kết hợp này giúp cho việc sử dụng thuốc dễ dàng hơn và an toàn hơn, đồng thời, thuốc có thể sử dụng ở người lớn, phụ nữ mang thai, thanh thiếu niên và trẻ em. Báo cáo của WHO lưu ý rằng, điều trị người nhiễm HIV sớm hơn bằng loại thuốc an toàn, giá cả hợp lý và dễ quản lý hơn sẽ có thể giữ sức khỏe cho họ và làm giảm lượng vi rút trong máu, giảm nguy cơ truyền bệnh cho người khác.

 

Những khuyến nghị mới mang ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS. Bởi theo tính toán, số người hội đủ điều kiện nhận điều trị kháng virus sẽ là 26 triệu người trên toàn cầu. Phấn khởi trước kết quả này,

 

Tổng Giám đốc WHO, Tiến sĩ Margaret Chan nói: “Hướng dẫn thống nhất về việc sử dụng thuốc kháng virus trình bày một bước nhảy vọt hướng tới những mục tiêu ngày càng cao và những thành tựu to lớn hơn bao giờ hết. Với gần 10 triệu người đang điều trị kháng vi-rút hiện nay, chúng ta thấy xuất hiện những triển vọng mà cách đây một vài năm là không thể tưởng tượng được – nhưng hiện nay có thể tạo nên động lực cần thiết để đẩy lùi dịch bệnh HIV”.

 

Các khuyến nghị mới còn nhấn mạnh việc cung cấp điều trị kháng virus - không phân biệt số lượng tế bào CD4 - cho tất cả trẻ em nhiễm HIV dưới 5 tuổi, phụ nữ mang thai và cho con bú bị nhiễm HIV và cho tất cả những người dương tính với HIV. Tất cả những người nhiễm HIV mắc bệnh lao hoặc bệnh viêm gan B cần được điều trị kháng virus. Các quốc gia cần tiếp tục cải thiện cách thức cung cấp dịch vụ về HIV, chẳng hạn như liên kết chặt chẽ hơn các dịch vụ này với các dịch vụ y tế khác trong điều trị bệnh lao, sức khỏe bà mẹ và trẻ em, sức khỏe sinh sản và tình dục, điều trị phụ thuộc vào thuốc.

 

Giám đốc điều hành UNICEF, Anthony Lake đánh giá: “Những tiến bộ như thế này cho phép trẻ em và phụ nữ mang thai tiếp cận điều trị sớm hơn và an toàn hơn, đưa chúng ta đến gần hơn mục tiêu về một thế hệ không có AIDS”. Còn tiến sĩ Mark Dybul, Giám đốc điều hành của Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét nói: “Hướng dẫn mới của WHO rất kịp thời trong bối cảnh chúng ta đã đạt được những tiến bộ nhanh chóng trong việc mở rộng các chương trình phòng ngừa và điều trị”. Kể từ khi thành lập vào năm 2002, Quỹ Toàn cầu đã hỗ trợ hơn 1.000 chương trình ở 151 quốc gia, cung cấp điều trị HIV cho 4,2 triệu người.

 

Ở Việt Nam, tính đến ngày 30/06/2012, số trường hợp nhiễm HIV hiện còn sống là 204.019 trường hợp, số bệnh nhân AIDS hiện còn sống là 58.569 và 61.856 trường hợp tử vong do AIDS. Khoảng 110.000 người cần được điều trị bằng thuốc kháng vi rút. Tuy nhiên, thách thức đối với nước ta rất lớn khi có gần một nửa số người cần được điều trị ARV vẫn chưa được tiếp cận với chương trình điều trị. Người bệnh đến với cơ sở điều trị ở giai đoạn rất muộn. 52,7% người bệnh có số lượng tế bào CD4 dưới 100 tế bào/mm3 khi bắt đầu điều trị ARV. Đây chính là yếu tố dẫn đến tỷ lệ tử vong, tỷ lệ mắc bệnh cao và gánh nặng chi phí, đồng thời góp phần làm tăng tỷ lệ lây truyền HIV trong cộng đồng. Bệnh lao vẫn là nguyên nhân chính gây ra tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong cao ở những người sống chung với HIV/AIDS. Việc chẩn đoán HIV sớm trong quá trình mang thai, mở rộng can thiệp điều trị ARV hiệu quả để giảm thiểu những trường hợp nhiễm HIV ở trẻ sơ sinh còn nhiều hạn chế. Hy vọng rằng những đột phá trong điều trị HIV được WHO công bố sẽ góp phần đẩy lùi căn bệnh thế kỷ ở nước ta.