Góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội

09:36, 18/07/2013

Ngày 5/3/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 397/QÐ-TTg lấy ngày 19/7 hàng năm là "Ngày Truyền thống Thi hành án dân sự". Nhân dịp này, Báo Thái Nguyên đăng bài viết của đồng chí Dương Văn Quyết, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh về chặng đường 67 năm hình thành và phát triển của ngành THADS toàn quốc nói chung, của tỉnh Thái Nguyên nói riêng.

Ngày 24/1/1946, 5 tháng sau ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 13/SL quy định về tổ chức các Tòa án và các ngạch Thẩm phán, trong đó, khoản 3, Điều 3 của Sắc lệnh quy định: Ban Tư pháp xã có quyền “Thi hành những mệnh lệnh của các Thẩm phán cấp trên”. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên đánh dấu sự ra đời về tổ chức và hoạt động của ngành THADS trong chế độ mới. Tiếp đó, ngày 19/7/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 130/SL quy định về thể thức thi hành mệnh lệnh hoặc bản án của Tòa án. Đây là văn bản của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quy định riêng về công tác thi hành án, thẩm quyền và thể thức thi hành bản án.

 

 

Trải qua từng giai đoạn lịch sử cách mạng, phát triển của đất nước và xây dựng hệ thống pháp luật, từ năm 1946-1992, với các tên gọi khác nhau, cơ quan THADS đều nằm trong hệ thống cơ quan xét xử và Ban tư pháp xã, dưới sự chỉ đạo của Chánh án Tòa án, làm nhiệm vụ thi hành những bản án và quyết định dân sự, những khoản xử về bồi thường và tài sản trong các bản án, quyết định hình sự. Đặc biệt, thực hiện Hiến pháp năm 1959, 1980 và Pháp lệnh THADS năm 1989, công tác THADS được Đảng, Nhà nước quan tâm về tổ chức và người làm công tác THADS, nhưng vẫn thuộc Tòa án, mọi quyết định quan trọng trong thủ tục thi hành án đều thuộc thẩm quyền của Chánh án. Nhiệm vụ của Tòa án vừa xét xử vừa thi hành án, do đó có những mặt hạn chế về quản lý công tác THADS và tính khách quan của bản án. Chính vì vậy, Quốc hội khóa IX đã ban hành Nghị quyết về việc bàn giao công tác THADS từ Tòa án nhân dân các cấp sang các cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh THADS năm 1993. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng đánh dấu bước ngoặt trong cải cách về công tác THADS và hệ thống cơ quan THADS trong cả nước.

 

Từ năm 1993 đến nay, công tác THADS được chuyển giao hoàn toàn từ Tòa án nhân dân các cấp sang các cơ quan thuộc Chính phủ. Trải qua 20 năm thực hiện Pháp lệnh THADS năm 1993, 2004, đặc biệt là Luật THADS năm 2008 và hướng dẫn của Chính phủ, công tác THADS có sự chuyển biến tích cực, kết quả thi hành án về việc và tiền năm sau cao hơn năm trước, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, giữ vững trật tự an toàn xã hội; tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.

 

Có thể khẳng định trong những năm qua, ngành THADS đã từng bước phát triển và lớn mạnh không ngừng. Những thay đổi về tổ chức, những thành tựu và cả hạn chế đã để lại những bài học quý giá cho hiện tại và tương lai của ngành. Song dù ở bất cứ thời điểm nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào, đội ngũ cán bộ, công chức ngành THADS luôn đoàn kết, sáng tạo và nỗ lực phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Kết quả thi hành án về việc và về tiền nhìn chung đều vượt chỉ tiêu đề ra, tăng dần qua từng giai đoạn; số việc còn phải thi hành chuyển kỳ sau giảm đáng kể; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS đã được kiểm soát và đi vào hoạt động nền nếp, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và pháp chế XHCN; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

 

Ghi nhận thành tích vẻ vang của ngành THADS, để động viên các thế hệ cán bộ, công chức và người làm công tác THADS tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, ngày 5-3-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 397/QÐ-TTg lấy ngày 19-7 hàng năm là "Ngày truyền thống THADS".

 

Cùng với sự phát triển của ngành THADS cả nước, ngành THADS tỉnh Thái Nguyên đã trải qua 67 năm xây dựng và trưởng thành, đặc biệt kể từ năm 1993 đến nay, kết quả công tác có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giữ vững an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Sau 20 năm kể từ ngày thực hiện Pháp lệnh THADS, đến nay các cơ quan THADS của tỉnh đã thụ lý 74.562 việc với số tiền trên 644 tỷ đồng, giải quyết xong 69.692 việc với số tiền trên 524 tỷ đồng. Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động THADS, các cơ quan THADS đã thụ lý và giải quyết trên 1.000 đơn thư khiếu nại, tố cáo kịp thời, đúng pháp luật, đáp ứng yêu cầu của ngành; công tác tổ chức, cán bộ có sự chuyển biến rõ rệt, hệ thống các cơ quan THADS được thống nhất quản lý theo ngành; đội ngũ cán bộ, công chức được củng cố, kiện toàn và tăng cường về số lượng, chất lượng nhằm nâng cao hiệu quả công tác. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, ngành và cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của các cơ quan THADS trong tỉnh cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của ngành trong từng giai đoạn. Từ đó, vị thế của ngành đã được nâng lên, công tác THADS ngày càng được nâng cao và đi vào ổn định, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.

 

Để tiếp tục phát huy truyền thống, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong những năm tới, ngành THADS của tỉnh sẽ tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm như: Tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh, Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS đối với các cơ quan THADS thuộc tỉnh; phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của ngành và phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan THADS, trong đó tập trung kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của các cơ quan THADS  thuộc tỉnh; thực hiện tốt công tác quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng để bảo đảm xây dựng đội ngũ cán bộ THADS vững mạnh, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng trong toàn ngành; tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo của thủ trưởng đơn vị và các tổ chức đoàn thể đối với công tác thi hành án; xây dựng tổ chức Đảng, đoàn thể ở các cơ quan THADS trong sạch vững mạnh, xây dựng cơ quan văn hóa.

 

Củng cố và phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo THADS các cấp, hoạt động thường xuyên và có hiệu quả nhằm đẩy mạnh công tác THADS ở các địa phương. Phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương để hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn của ngành. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thi hành án, đặc biệt trong việc xác minh, phân loại án có điều kiện, án chưa có điều kiện thi hành, việc chấp hành pháp luật, đạo đức nghề nghiệp của chấp hành viên, cán bộ, công chức và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác THADS. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong các cơ quan THADS của tỉnh, kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác. Qua đó, phấn đấu xây dựng ngành THADS phát triển vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN.