4 gương mặt được đề cập trong bài viết này đều là người dân tộc thiểu số “đứng mũi chịu sào”, đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, họ đã và đang góp phần làm đổi thay diện mạo quê hương mình.
Trò chuyện với chúng tôi tại Hội nghị tuyên dương những điển hình người dân tộc thiểu số của tỉnh, ông Đàm Văn Phòng, dân tộc Tày, Bí thư Chi bộ xóm Ao Chũng xã Yên Lãng (Đại Từ) bộc bạch: Năm nay 60 tuổi, ông đã có 10 năm làm trưởng xóm, 3 năm gần đây ông được các đảng viên tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận, được dân bản tôn vinh là người có uy tín trong cộng đồng. Thành tích nổi bật của ông là đã tuyên truyền để 92 hộ dân của xóm đồng thuận trồng lúa lai và chè cành. Từ đó thu nhập của người dân tăng rõ rệt, tỷ lệ hộ khá và giàu của xóm chiếm gần 50%.
Nói về vai trò của Trưởng xóm trong thực hiện Nghị quyết TW7 về xây dựng nông thôn mới, ông Phòng cho biết: Để làm được điều này, ông và những người có chức trách không chỉ triển khai chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên hội nghị mà còn đến từng nhà, giải thích cặn kẽ để người dân hiểu rõ về chủ trương lớn này. Cùng với sự giúp đỡ của Công ty Than Núi Hồng (đơn vị đứng chân ở xóm), nhân dân đã đóng góp để bê tông hóa 2/3 tuyến mương chính nội đồng; xây dựng hoàn chỉnh nhà văn hóa và trang bị nội thất trị giá 170 triệu đồng; quy hoạch khu nghĩa trang gọn gàng với tổng diện tích hơn 5 nghìn m2… Bây giờ đường làng ngõ xóm sạch sẽ, 100% hộ dân có phương tiện nghe nhìn, 98% có xe máy, điện thoại di động. Bộ mặt xóm Ao Chũng thực sự thay đổi.
Trước bài toán xây dựng nông thôn mới, anh Lý Hồng Ca, 39 tuổi, dân tộc Nùng, Trưởng xóm Vàng Ngoài, xã Tân Hòa (Phú Bình) lại trăn trở: làm thế nào để nâng cao mức sống của gia đình mình cũng như của người dân trong xóm? và anh đã chứng minh việc cần thay đổi tập quán chăn nuôi, trồng trọt lạc hậu là hướng đi đúng. Ngoài việc đưa các cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, anh còn vận động bà con mua máy cày, bừa thay trâu bò, mua máy sạ lúa, máy vò chè liên hoàn thay việc gieo mạ, sao chè bằng tay trước đây để giảm ngày công, tăng năng suất lao động. Đến nay, diện tích lúa lai của xóm đạt 80%, năng suất lúa bình quân tăng 30-50kg/sào so với trước. Đời sống khá lên, bà con tự nguyện đóng góp 65 triệu đồng và 300 ngày công, 20 hộ tự nguyện hiến 2500m2 đất và 200 mét tường rào để mở rộng 4km hành lang đường.
Cũng đảm nhiệm vai trò Trưởng xóm, ông Bàn Kim Ngọc, dân tộc Dao ở xóm 4 Kim Tân, xã Kim Sơn, Định Hóa lại có thành tích nổi bật trong việc tuyên truyền nhân dân thực hiện tốt nếp sống văn minh. Dân cư xóm 4, xã Kim Tân sống không tập trung, có 48 hộ thì đến 19 hộ nghèo, đường đi lối lại lầy lội, khó khăn. Mức sống thấp nhưng việc cưới, việc tang ở đây lại khá tốn kém. Người chết thường để vài ngày trong nhà, người đến phúng viếng ăn uống ngay tại nhà có tang. Ông Ngọc đã vận động nhân dân tổ chức việc cưới, việc tang giản tiện, tiết kiệm. Với cách dân vận “mưa dầm thấm lâu”, đến nay bà con dân tộc ở đây (chủ yếu là người Dao) đã không để người chết ở trong nhà quá 48 tiếng, không ăn uống trong đám ma. Không chỉ có vậy, để đạt được các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, ông Ngọc cùng Ban Công tác mặt trận xóm 3 và 4 vận động nhân dân hiến đất, hiến công, cộng với sự hỗ trợ của Nhà nước đã làm được 600 mét đường liên thôn rộng 3 mét; bê tông hóa được 0,5km kênh mương nội đồng. Vị trưởng xóm 52 tuổi này cho biết: Từ nay đến cuối năm 2013, chúng tôi tiếp tục xây dựng 1km đường nội thôn rộng 3 mét nữa.
Ông Hoàng văn Thêm, dân tộc Nùng, Trưởng xóm Làng Cả, xã Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên) lại có nhiều kinh nghiệm trong triển khai nghị quyết của Chi bộ về xây dựng Nhà văn hóa xóm. Ông nói: với vai trò của mình, 10 năm nay tôi có điều kiện gần gũi, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con nhiều hơn. Từ đó, tôi thấy rằng nếu mọi việc với dân công khai, minh bạch thì dân luôn ủng hộ. Việc xây dựng Nhà văn hóa (NVH) xóm tôi là việc làm chứng minh điều này. 3 năm trước, Làng Cả chỉ có 1 NVH nhỏ hẹp, không đủ chỗ để người dân đến hội họp, sinh hoạt. Chi bộ đã giao cho tôi là Trưởng Ban xây dựng, lập dự toán, thành lập Ban Xây dựng, Ban Giám sát. Khó nhất là việc vận động thu tiền của dân. Suốt 3 năm chúng tôi bền bỉ, kiên trì vận động từng nhà, thu được đến đâu tôi báo cáo chi bộ và thông báo trên hệ thống loa truyền thanh và các buổi họp xóm. Từng đồng chi tiêu cũng vậy, mua vật tư thế nào, giá tiền bao nhiêu cũng được báo cáo rõ ràng trước dân. Vì vậy NVH có diện tích xây dựng 102m2, sân bê tông 220m2, tổng kinh phí 120 triệu đồng đã hoàn thành không ai thắc mắc gì. Ông vui vẻ kể: Hôm tổng kết xây dựng NVH, tôi được Ban Xây dựng và nhân dân bình xét, khen ngợi là người có nhiều công lao.
4 gương mặt trên đấy chỉ là con số rất nhỏ trong rất nhiều người dân tộc thiểu số đang mang sức lực, trí tuệ của mình tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Họ là những điển hình “dân vận khéo” và thành công do thực hiện đúng phương châm công tác dân tộc là: Chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì và vững chắc.