Ký ức về một thời "hoa lửa"

10:25, 15/07/2013

Ông Trần Văn Sáng, 86 tuổi, hiện ở xóm Khâu Giang, xã Bản Ngoại (Đại Từ) đã nói đầy hào sảng như vậy khi nhớ lại những tháng ngày là đội viên thanh niên xung phong (TNXP).

Ngày 15/7/1950, Đội TNXP đầu tiên của cả nước thuộc Trung ương đoàn được thành lập tại xã Yên Lãng (Đại Từ) nhằm huy động lực lượng phục vụ cho Chiến dịch Biên giới Thu đông. Cùng thời điểm đó, tại xã Hùng Cường (nay là Bản Ngoại), một đơn vị TNXP khác cũng được thành lập gồm chủ yếu là người ở Phú Thọ để xây dựng cầu Phú Thịnh. Ông Sáng khi ấy đã 22 tuổi, nhưng vì nhà nghèo, phải đi học muộn nên mới lên lớp 3. Ngày ngày đi qua nơi đóng quân, thấy các anh chị lao động hăng say, ca hát vui vẻ, ông thích quá bèn rủ thêm 3 người ở xóm giấu quần áo vào đống rơm, rồi trốn gia đình xin gia nhập Đội TNXP ở xã Hùng Cường. Nhiệm vụ của ông là ban ngày lấy cây đan sọt, tối gánh đá để làm cầu ngầm. Công việc tuy vất vả nhưng được sống và lao động giữa tập thể những người trẻ tuổi, đầy nhiệt huyết khiến ông quên hết mệt mỏi. Ý thức chấp hành kỷ luật và sự năng nổ của ông Sáng luôn được cấp trên đánh giá cao.

 

 

Cuối năm 1950, đơn vị của ông được điều động phục vụ Chiến dịch Biên giới Cao - Bắc - Lạng. Ông cùng một số đồng đội được phân công về Đội TNXP 312, có nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ cầu Nà Cù thuộc địa phận xã Cẩm Giang, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn). Đây là khu vực thực dân Pháp đánh phá ác liệt nhằm cắt đứt tuyến vận tải bằng ô tô của ta trên Quốc lộ 3. Trong chiến tranh, thật khó để so sánh cái nào khổ cực hơn cái nào, riêng với ông Sáng khoảng thời gian này là giai đoạn ông cảm thấy cơ cực nhất trong cuộc đời mình. Công việc vất vả, bom đạn kẻ thù không thấm vào đâu so với cái rét, cái đói mà ông và đồng đội phải chịu. Đang sức thanh niên mà “Mỗi ngày đi làm về, mỗi người chúng tôi phải hái một nắm rau rền hoặc rau tầu bay để nấu canh. Gạo đã ít lại bị ẩm, mủn mà vẫn phải chia nhau từng hạt. Mỗi người được bát cơm nhưng phải lấy đũa gạt ngang chứ không được đơm đầy. Người nào ốm quá, mới được ưu tiên mua cho cái bánh chưng 2 xu, to bằng cái chén, cắn 2 miếng là hết. Ông bảo: Tôi xác định đi TNXP nên khổ thế chứ khổ nữa tôi vẫn chịu được.

 

Một vinh dự lớn cho Đội 312 và cá nhân ông Trần Văn Sáng đó là lần đầu được gặp Bác Hồ. Ngày 30/3/1951, đơn vị được thông báo sẽ có thượng cấp đến thăm. Ai cũng nghĩ là đồng chí Trần Đăng Ninh, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, không ngờ hôm đó lại có Bác đến thăm, động viên chúng tôi. Ông bảo: Cho đến tận bây giờ tôi vẫn như cảm nhận được tiếng Bác vang vọng bên tai. Trong buổi nói chuyện với mọi người, Bác hỏi “Đào núi có khó không?”, “Lấp biển có khó không?”... Chúng tôi ai cũng nói thật to như sợ Bác không nghe thấy tiếng mình: - Có ạ, khó nhưng phải có quyết tâm cao, cần kiên gan, bền chí để vượt khó, vượt khổ ạ. Nghe vậy, Bác cười hiền lắm, được Bác động viên, nói cho chúng tôi hiểu rằng không phải chỉ có cầm súng giết giặc mới là chiến đấu và việc dù khó đến đâu cũng có thể làm được nếu có quyết tâm và sự đoàn kết. Bác còn đọc tặng chúng tôi bài thơ có 4 câu: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”. Rồi Bác căn dặn thêm: “TNXP chính là trường đào tạo lao động, sau khi đánh giặc xong, ai cũng sẽ có cơm ăn, áo mặc”. Lời Bác đã trở thành động lực cho toàn đơn vị nỗ lực hơn nữa, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

 

Chiến dịch Cao - Bắc - Lạng kết thúc, ông Sáng là một trong những người được lựa chọn để thành lập một trung đội TNXP mới di chuyển về Bắc Giang để vận chuyển hàng hóa, lương thực phục vụ cho Chiến dịch Hòa Bình. Cuộc hành quân kéo dài 15 ngày liên tục, mỗi người mang trên vai 35kg hàng, cùng với quân tư trang cá nhân. Có lúc trên lưng ông Sáng là gần 60kg hàng hóa vì phải phụ giúp anh em trong đội bị ốm. “Đến giờ, tôi cũng không hiểu sao mình mảnh khảnh thế mà có thể cõng được nhiều đến vậy”, ông kể. Trong Chiến dịch này, ông Sáng đã bị thương nặng. Đó là khi đơn vị TNXP được lệnh ứng cứu và đưa thương binh ra vùng hậu chiến để điều trị, ông Sáng là người đi đầu, vừa vượt qua khu vực đất trống để lao vào hầm sơ cứu và đưa thương binh ra thì bất ngờ một quả pháo của địch bắn trúng làm sập nắp hầm. Toàn thân ông bị vùi lấp dưới đống đất đá. “Tôi thấy trời tối sầm và không nghe thấy gì nữa, trong đầu chỉ kịp nghĩ chắc mình chết ở đây rồi”. Thật may, đồng đội đào bới và đưa ông ra ngoài. Ông bị gãy  xương sống, mất 2 cái răng và trầy xước khắp mình. Nằm điều trị tại bệnh viện dã chiến, rồi chuyển về Phú Thọ được gần một tháng thì ông Sáng xin trở lại đơn vị. Lần này, đơn vị được điều động về ATK Định Hóa để phục vụ Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất (tháng 5/1952). Tại đây, một lần nữa ông lại vinh dự được gặp Bác Hồ. Ông tâm sự: “Được tiếp xúc với những cá nhân tiêu biểu, tôi mới thấy những đóng góp của mình cho Tổ quốc còn thật nhỏ bé. Bản thân mình còn phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa”.

 

Sau Đại hội, ông  Sáng làm đơn tình nguyện nhập ngũ, được biên chế về đơn vị pháo của Trung đoàn 246, tham gia chiến đấu ở vùng hậu địch (tỉnh Vĩnh Phúc) và Chiến dịch Điện Biên Phủ. Được vinh dự cùng đoàn quân về tiếp quản Thủ đô, sau đó đơn vị của ông chuyển về đóng quân tại Sầm Sơn (Thanh Hóa) để bảo vệ vùng biển. Năm 1964, vì lý do sức khỏe, ông Sáng phục viên và tiếp tục tham gia công tác ở địa phương là xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ. Kỷ niệm về những năm tham gia TNXP và bộ đội của ông là những tấm Huân, Huy chương, luôn được ông cất giữ cẩn thận. Ký ức về một thời khói lửa luôn in đậm trong trái tim ông.