* Trong các ngày từ 27 đến 29/7, trên địa bàn huyện Đại Từ đã xảy ra mưa lớn, lượng mưa trung bình 50-80mm.
Do ảnh hưởng của mưa lớn đã làm đổ nhà của gia đình ông Lăng Văn Bình, xóm Lũng 2, xã Phú Lạc. Ngoài ra, mưa lớn còn gây ngập úng cục bộ tại các xã Cù Vân, An Khánh, Phục Linh, Phú Lạc… khiến trên 10ha lúa mùa bị hư hại. Tại một số công trình thủy lợi, mực nước đã cao hơn cao trình tràn như hồ Vai Miếu 111,5/ 110,84m; hồ Phú Xuyên 53,1/52,63m; hồ Phượng Hoàng 110,7/110 ,7m. Để khắc phục hậu quả do mưa lớn gây ra, huyện Đại Từ đã huy động lực lượng tại chỗ giúp gia đình có nhà bị đổ di chuyển tới nơi ở an toàn; tổ chức đoàn kiểm tra, thăm hỏi, động viên gia đình bị nạn; đôn đốc các xã khắc phục hậu quả ngập úng cục bộ; kiểm tra các công trình giao thông thủy lợi; hướng dẫn nhân dân chăm sóc lúa sau ngập úng. Đặc biệt, tại các công trình hồ, đập, đơn vị quản lý bố trí trực 24/24h, bảo đảm nếu tình huống xấu xảy ra sẽ thực hiện phương châm 4 tại chỗ theo phương án phòng, chống lụt bão…
* Tại T.P Thái Nguyên do mưa lớn kéo dài nhiều ngày đã làm sạt lở chân bãi thải thuộc Mỏ than Khánh Hòa làm vùi lấp tuyến đường dân sinh thuộc xóm 13, xã Phúc Hà vào ngày 29/7. Khối lượng sạt lở ước tính trên 10m3. Theo dự báo, trong những ngày tới, trên địa bàn thành phố mưa to vẫn tiếp diễn, nguy cơ sạt lở tại nơi đây rất cao. Ngay sau khi vụ sạt lở xảy ra, lãnh đạo thành phố cùng với các ngành chức năng, chính quyền địa phương cùng với Mỏ than Khánh Hòa huy động lực lượng và phương tiện thực hiện san gạt, xử lý, khắc phục đoạn đường bị sạt lở; thực hiện di dời người, tài sản của 3 hộ dân có nhà ở gần chân bãi thải nhanh chóng ra khỏi vùng nguy hiểm. Được biết, hộ gần nhất cách chân bãi thải chỉ khoảng 10m. Cùng với đó, Ban chỉ huy Phòng, chống lụt bão thành phố chỉ đạo ngành chức năng nhanh chóng thi công công trình kè chắn sau Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ của tỉnh với tổng kinh phí khoảng 3 tỷ đồng. Đây là khu vực bị sạt lở vào ngày 10/7…
Theo thông tin của Phòng Kinh tế T.X Sông Công, mưa kéo dài trong tuần qua đã gây ngập úng cục bộ khoảng 20ha lúa trên địa bàn. Đây là những diện tích nằm ở vị trí thấp, không gần hệ thống kênh thoát nước, tập trung chủ yếu ở các xã: Bá Xuyên, Tân Quang, Bình Sơn và các phường: Phố Cò, Bách Quang. UBND thị xã đã chỉ đạo các địa phương rà soát những diện tích lúa bị ngập, đối với những diện tích chưa tiêu thoát hết nước, hướng dẫn bà con khơi thông hệ thống kênh mương nội đồng, vệ sinh đồng ruộng, tích cực chăm sóc, bón tăng lượng phân lân và kali để lúa phục hồi. Đối với những diện tích lúa bị cuốn trôi, hỏng, chỉ đạo người dân gieo cấy bổ sung (nếu không còn mạ cũ thì phải gieo mạ bổ sung bằng giống lúa Bao Thai, cấy lại xong trước ngày 15-8, thực hiện tỉa cấy dặm, tăng cường bón thúc sớm). UBND thị xã Sông Công cũng yêu cầu UBND, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão - giảm nhẹ thiên tai các xã, phường tăng cường triển khai thực hiện phương án phòng chống lụt bão trên địa bàn, thường xuyên kiểm tra độ an toàn của các hồ, đập, các công trình đang thi công, trụ sở, nhà ở dân cư.