Cuối tuần, chúng tôi ngược đường lên huyện Võ Nhai, đến chợ phiên Cúc Đường, Nghinh Tường Và Thượng Nung, được chứng kiến một khung cảnh bán, mua hồn hậu - Không vội vã, bởi giữa người mua, người bán lâu lâu rồi mới gặp nhau.
Chạy xe máy rong ruổi trên tuyến đường mới trải nhựa từ hơn 1 năm trước, chúng tôi qua các xã phía Bắc của huyện là Cúc Đường, Vũ Chấn, Nghinh Tường, Sảng Mộc, Thần Sa và Thượng Nung rồi trở ra Cúc Đường. Cả tuyến đường dài mấy mươi cây số ôm gọn dải núi Khau Nao, và bạt ngàn những núi đá, núi đất tạo nên sự kỹ vĩ của một miền quê vùng cao.
Trung tâm các xã phía Bắc của huyện đều có những quầy quán. Hàng bán chủ yếu là đồ dùng gia dụng; mỳ tôm, các loại bánh kẹo, mấy quả trứng gà… Vào chợ phiên, khu vực này trở nên đông vui hơn. Người từ các lũng núi ra, người trên lưng núi xuống, gặp nhau tay nắm tay không muốn rời. Giữa khung cảnh ấy, tôi bắt gặp ở phía sau những cuộc đời hồn hậu, còn có những nỗi lo ẩn giấu. Đó là nỗi niềm cơm áo. Như anh Giàng Dỉ Trơ, người bản Mông Lũng Luông (Thượng Nung) lấn bấn mãi bên quầy bán thịt lợn, rồi sang xạp bán quần áo trẻ em, anh không biết sẽ chọn mua gì, quần áo cho con hay cân thịt mỡ về cả nhà xào nấu. Trơ bảo: Sáng nay tao mang con gà đi bán được hơn 100.000 đồng, vợ, con dặn mua nhiều thứ quá.
Rất nhiều người đi chợ lấn bấn chuyện mua, bán như Trơ. Họ đi lại trong chợ hơn mươi lượt vẫn chưa biết mua gì. Nhưng vì lòng sĩ diện, gặp ai, ai hỏi đều bảo đi chơi, đi tìm bạn. Cũng có người về chợ gặp được bạn tri kỷ, kéo nhau vào góc quán, người này gọi thêm người kia, tiền bán con gà, con dê đành mang trả tiền rượu.
Chợ phiên Nghinh Tường, gặp bà Hoàng Thị May đi từ Bản Cái (Vũ Chấn) sang. Vào các phiên chợ, bà May thường gùi mấy chục cặp bánh sang bán. Để sang tới chợ, bà May phải đi bộ, trên lưng gùi thêm sọt bánh nặng gần 10 kg, và đi một đoạn đường hơn 3 tiếng đồng hồ. Bà May bảo: “Đói đầu gối phải bò”.
Là bà May hay chuyện nói chơi, bởi từ hơn chục năm gần đây, các xã phía Bắc huyện Võ Nhai đã không còn hộ viết đơn xin trợ cấp lương thực cứu đói. Cũng ở vùng đất này, đã có rất nhiều gia đình đồng bào các dân tộc thiểu số trở lên khá giả nhờ trồng rừng, làm ruộng và chăn nuôi gia súc. Nhưng phần nhiều hơn vẫn là các hộ nghèo vì thiếu đất sản xuất, thiếu vốn đầu tư và thiếu kinh nghiệm làm ăn. Tuy nhiên, bà con vẫn thường rủ nhau đi chơi chợ, nách cắp theo con gà, con lợn nho nhỏ hoặc gùi rau trên lưng. Những thứ “nhà làm ra” có thể bán đều được mang ra chợ.
Giàng Văn Dương hay mang bò xuống chợ phiên Cúc Đường giao bán. Dương có con bò mộng, da mịn, sờ tay vào mông thấy êm như nhung. Dương người bản Lũng Hoài (Thượng Nung). Nhiều người biết Dương mang bò đi là để khoe với bạn. Bạn của Dương là người Mông ở Sảng Mộc, Thần Sa... là người Dao, người Tày ở Vũ Chấn, Cúc Đường và các xã lân cận. Nhiều người bảo Dương giàu, vì trong nhà có con bò to. Có người chỉ vào con bò nói vui: Chỉ cần Dương cắt cái bướu trên lưng con bò, bạn bè uống rượu cả ngày mới hết mồi nhắm... Nghe thế, Dương chỉ cười và đưa tay đón nhận bát rượu từ các bạn mời.
Rượu ngô vùng cao mang hơi men nồng nàn, uống cho tới lúc kềnh ra góc chợ, ngáy như đang nằm trên đệm miệng còn tóp tép. Hoàng Văn Dùng bảo: Lắm lúc bạn bè gặp nhau, toàn uống rượu suông, uống cho quên đi cái nghèo.
Dùng người Sảng Mộc, nhà có 3 sào ruộng bậc thang, nhà có đông người nên thóc, ngô chưa đủ ăn, năm nào trong nhà cũng hết lương thực khi cây lúa, cây ngô ngoài đồng còn hơn 1 tháng nữa mới được thu hoạch. Lần về chợ phiên này, Dùng đi trước cắp theo con lợn nhỏ để bán. Vợ Dùng tay cầm ô chạy theo sau. Họ tíu tít theo dòng người xuống chợ.
Đường đến chợ cũng có người đi xe máy, người đi ngựa, nhiều hơn vẫn là số người đi bộ như vợ chồng Dùng. Bà Triệu Thị Mến cũng là người đi bộ về chợ phiên, bà bảo: Từ ngày có cái đường nhựa, đi thấy đau đầu gối, mà đi mãi mới ra tới chợ... Bà Mến người dân tộc Dao ở xã Vũ Chấn, bà có nghề lấy cây thuốc nam mang bán chợ phiên. Có hôm gùi ra chợ 1 bao tải, tan chợ lại gùi về 1 bao. Nhưng cũng có hôm gặp khách miền xuôi, bán hết sạch bao thuốc. Hôm bán được, có tiền, bà rủ thêm mấy bà bạn già cùng bản vào quán, uống cốc bia hơi của người thành phố mang lên bán.
Chuyện trò rôm rả, gần tan chợ mới vội đi mua cân muối, sợi chỉ màu. Muối dùng nấu nướng cả nhà cùng ăn; chỉ màu cho cháu gái thêu thùa khăn áo.
Quá trưa, mặt trời chếch sang mỏm núi phía Tây, chợ tan, những chiếc ô tô tải hiếm hoi chạy xuôi về phố huyện, từng chiếc xe máy khuất dần sau dải núi, còn lại trên đường bao bước chân nhẫn nại, theo lối cũ về nhà. Họ không mua được nhiều đồ dùng và quà cho người thân, họ chỉ có vòng tay vội ôm lấy các con khi chúng hỏi: Quà của con đâu ?.