Nguy cơ sạt lở cao do mưa lớn kéo dài

16:12, 30/07/2013

Sau nhiều ngày mưa lớn liên tiếp, trên địa bàn huyện Phú Lương đã xuất hiện 4 điểm sạt lở đất lớn gây thiệt hại nghiệm trọng về người và tài sản. Theo khảo sát, còn khá nhiều khu vực có nguy cơ tiếp tục bị sạt lở cho dù thời tiết có thể nắng ráo trở lại.

Như Báo Thái Nguyên đã đưa tin, vụ sạt lở đất nghiêm trọng vào chiều 29/7 tại xóm Yên Thủy 1, xã Yên Lạc (Phú Lương) cướp đi tính mạng của cháu Nguyễn Bích Ngọc, 4 tuổi. Tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết gia đình anh Nguyễn Văn Năm (bố cháu Ngọc) mới làm nhà và mở quán Internet ở đây từ năm 2012. Vì diện tích đất thổ cư hạn chế nên anh Năm đã xây nhà dựa vào núi, chỉ cách ta luy cao gần 20m một khoảng nhỏ chưa đầy sải tay người lớn. Ông Vũ Hải Quân, Trưởng xóm Yên Thủy 1 cho biết: “Chúng tôi đã một vài lần nhắc nhở anh Năm phải cẩn thận vì nền đất phía sau nhà rất yếu, rất dễ sạt lở. Gia đình cũng bảo sẽ sớm xây kè để chắn, không ngờ chưa kịp làm thì sự việc thương tâm đã xảy ra”.

 

Ở xã Ôn Lương, đợt mưa lớn vừa qua cũng gây sạt lở nghiêng trọng ở 2 tuyến đường vào hồ Nà Mạt và xóm Đầm Rum. 8 gia đình thuộc các xóm Thâm Trung, Na Rủn, Na Pặng bị đất đá trồi vào nhà gây ảnh hưởng đến tài sản. Trong số này, gia đình ông Nguyễn Nhạc Tình, Bí thư Chi bộ xóm Thâm Trung bị thiệt hại nhiều nhất. Hơn 30m3 đất đá bất ngờ tràn vào nhà đã vùi lấp một số vật dụng, làm chết 3 con lợn rừng và một số con gia cầm. Gia đình ông Nguyễn Văn Thuyên, xóm Thâm Trung còn bị hơn 100m3 đổ xuống phía sau nhà rất may không gây ra thiệt hại nào. Trao đổi với chúng tôi, ông Thuyên vẫn chưa hết bàng hoàng: May mà nhà tôi xây gạch tương đối chắc chứ nhà đất thì không biết hậu quả sẽ ra sao”. Ông Phan Thanh Thúy, Chủ tịch UNBD xã cho biết: Đối với những gia đình bị sạt lở, xã đã chỉ đạo xóm khẩn trương huy động lực lượng tại chỗ để thu dọn, khắc phục giúp bà con sớm ổn định cuộc sống. Còn 2 tuyến đường bị sạt lở, do lượng đất đã tràn xuống quá lớn, chúng tôi mới chỉ tạm giải phóng một lượng đất đá để người dân có thể đi lại được. Phần còn lại, xã đang đề nghị sự hỗ trợ của huyện về phương án, cũng nhưng kinh phí để xử lý”. Theo rà soát của UBND xã Ôn Lương, trên địa bàn xã có gần 100 gia đình nằm trong khu vực có khả năng sạt lở cao trong mùa mưa. Đối với những hộ này, nhất thiết phải hạ thấp ta - luy phía sau, xây kè bảo vệ hoặc chuyển vị trí nơi ở sang khu vực khác. Tuy nhiên, vì điều kiện kinh tế còn khó khăn, chỉ số ít gia đình làm được điều này.

 

2 điểm sạt lở nghiêm trọng khác trên địa bàn huyện Phú Lương trong đợt mưa bão vừa qua thuộc xã Cổ Lũng và Sơn Cẩm. Trong đó, khu vực bãi thải của Công ty cổ phần Xây dựng và Khai thác than Thái Nguyên đã xảy ra tình trạng rạn nứt, trôi đất đá xuống cánh đồng của người dân xóm Đồng Sang, xã Cổ Lũng gây ngập úng cục bộ. Phía sau xưởng may của Công ty cổ phần May xuất khẩu Phú Lương và Văn phòng đại diện Công ty cổ phần Xây dựng và Khai thác than Thái Nguyên thuộc xóm 7, xã Sơn Cẩm cũng sạt lở một lượng đất đá lớn. Theo nhận định, những vết rạn nứt ở 2 khu vực trên có thể tiếp tục sạt xuống bất cứ lúc nào gây thiệt hại đến tính mạng và tài sản người dân. Riêng xóm 7, xã Sơn Cẩm, sẽ có khoảng 20 hộ dân và hơn 300 công nhân may của Công ty cổ phần May Phú Lương gặp nguy hiểm nếu  sự cố sạt lở xảy ra.

 

Ông Lê Văn Trọng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lương nhận định: Mưa lớn kéo dài khiến độ bền liên kết trong đất đá bị giảm dẫn đến nguy cơ sạt lở cao, đặc biệt là các xã phía Bắc của huyện nơi người dân thường san ủi mặt bằng và làm nhà dựa lưng vào núi. Nền đất yếu nên nhiều điểm thuộc các xã Ôn Lương, Yên Lạc, Phú Đô… vẫn có thể bị sạt lở khi thời tiết hết mưa và nắng trở lại. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, chúng tôi đã báo cáo và trình UBND huyện để chỉ đạo doanh nghiệp và chính quyền 2 xã Cổ Lũng và Sơn Cẩm xây dựng phương án di dời người và tài sản ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở khi cần thiết. Với những địa phương còn lại, biện pháp quan trọng nhất là tuyên truyền, cảnh báo để người dân nâng cao cảnh giác phòng tránh. Phương châm 4 tại chỗ (gồm lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và kinh phí tại chỗ) đã được huyện chỉ đạo các xã triệt để thực hiện nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt sở đất nói riêng và những hậu quả trong mùa mưa bão nói chung.