Nỗi lo sạt lở đất ven sông

09:34, 31/07/2013

Xã Nga My (Phú Bình) có 5/26 xóm nằm ven dòng sông Cầu với tổng chiều dài trên 2,4km. Những năm gần đây, tình trạng sạt lở đất dọc bờ sông xảy ra khá phổ biến, đặc biệt là sau những trận mưa lớn, kéo dài. Người dân trong khu vực sạt lở luôn sống trong tâm trạng thấp thỏm, lo lắng mỗi khi mùa mưa bão đến.

Những ngày gần đây, khi trên địa bàn liên tục có mưa lớn kéo dài thì tại 5 xóm của xã Nga My là: Nghể, Đò, Dinh A, Dinh B và Dinh C, tình trạng sạt lở đất lại diễn ra khá nghiêm trọng, đã cuốn trôi khoảng 2.800m2 đất, gồm cả đất thổ cư và đất vườn tạp của người dân. Trong đó, xóm Đò bị sạt lở nhiều nhất với diện tích khoảng 700m2.

 

 

Có mặt tại điểm sạt lở nặng nhất thuộc địa phận xóm Đò, chúng tôi thấy bờ sông sạt lở tạo thành những vách đất dựng đứng, sâu từ 7-10m. Gần đó, những bụi tre trơ rễ bám trụ, nằm chênh vênh trên bờ sông như muốn ụp xuống bất cứ lúc nào. Ngôi nhà 2 tầng vừa mới xây trị giá hàng trăm triệu đồng của gia đình ông Nguyễn Văn Kếch chỉ còn cách khu vực sạt lở khoảng 20 mét. Sự lo lắng hiện rõ trên nét mặt từng thành viên trong gia đình ông. Gần 500m2 đất cùng hoa màu của gia đình đã bị cuốn theo dòng nước xuống lòng sông trong mùa mưa bão năm nay. Ông kể: Mấy hôm trước khi trời mưa to, nước sông dâng cao, chảy xiết đã cuốn trôi mọi thứ ở khu vực gần nhà tôi. Ngôi miếu và một cây sấu trên 50 năm tuổi cùng với một số cây trồng khác của gia đình đã bị nước cuốn phăng. Nhiều đêm trời mưa to, tôi không dám ngủ vì sợ nước sông dâng cao đất sẽ vào đến nhà ở.

 

Sát nhà ông Nguyễn Văn Kếch là hộ ông Dương Văn Diệu. Vợ chồng ông Diệu sống trong một ngôi nhà cấp 4 đã cũ hiện chỉ còn cách mép bờ sông hơn 2m. Mùa mưa bão đến, ngôi nhà ông nằm trong vùng sạt lở rất nguy hiểm bởi vậy từ nhiều ngày nay, vợ chồng ông đã chuyển sang sống ở nhà con trai. “Những hộ dân ven sông như chúng tôi rất mong muốn các cấp có thẩm quyền nhanh chóng hỗ trợ xây kè ven sông để mọi người có thể yên tâm làm ăn sinh sống. Nếu cần chúng tôi sẵn sàng hiến một phần đất của gia đình mình”. Ông Diệu nói.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Nga My cho biết: Năm 2010, xã Nga My được đầu tư hơn 7 tỷ đồng để xây dựng 450m kè chống xói lở dọc theo bờ sông Cầu. Tuy nhiên, hiện nay, toàn xã vẫn còn 2.000m bờ sông chưa được kè, ngày càng bị sạt lở nghiêm trọng khiến cuộc sống của những người dân sống dọc bờ sông Cầu trở nên mất an toàn. Những năm gần đây, do sự tác động của mưa bão cộng với hoạt động khai thác cát sỏi trái phép kéo dài của một số đối tượng nên sự cố sạt lở bờ sông diễn biến ngày càng phức tạp. Theo các chuyên gia địa chất thì chính việc khai thác cát sỏi đã làm lòng sông trở nên sâu hơn, khiến kết cấu trầm tích ven bờ yếu đi, nên khi lũ về, nước sông dâng cao xoáy vào bờ đất gây ra hiện tượng sạt lở ở nhiều nơi.

 

Ông Dương Xuân Đỡ, Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão của xã cho biết: Qua quá trình kiểm tra thấy có hiện tượng đất bị sạt lở, chúng tôi đã tới nhà những hộ dân nằm trong khu vực nguy hiểm nhắc nhở và giúp các hộ dân di rời vào địa điểm an toàn. Đồng thời bố trí lực lượng tăng cường công tác kiểm tra, thường trực 24/24h trong mùa mưa bão, thường xuyên báo cáo với huyện về tình hình sạt lở đất ven sông. Bên cạnh đó, xã tiếp tục đề nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm đầu tư nhằm hoàn thiện hệ thống kè chống xói lở dọc bờ sông Cầu, ưu tiên thực hiện trước những nơi xung yếu. Trước đó, do có nhiều đợt mưa lớn bất thường nên UBND xã cũng đã có thông báo đến các hộ dân nằm trong khu vực bị sạt lở nhiều chuẩn bị trước phương án di chuyển đến nơi an toàn khi cần thiết, qua đó hạn chế tối đa những thiệt hại về người và tài sản.

 

Tình trạng sạt lở đất ven sông tại một số xóm của xã Nga My đang là vấn đề “nóng” ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân địa phương. Qua đây, đề nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm và có những biện pháp cụ thể giải quyết dứt điểm tình trạng sạt lở bờ sông, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.