Nỗi lo sạt lở đường giao thông ở Văn Lăng

10:28, 24/07/2013

Với địa hình hiểm trở, nhiều núi cao, suối lớn nên từ trước đến nay, việc đi lại ở xã vùng cao Văn Lăng (Đồng Hỷ) luôn là vấn đề khiến người dân nơi đây lo ngại. Đặc biệt, vào mùa mưa lũ, hầu hết các tuyến đường liên xóm đều bị sạt lở, lầy thụt dẫn đến ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chúng tôi có mặt ở xã Văn Lăng khi trận mưa rào vừa dứt. Biết chúng tôi muốn đi các xóm vùng sâu tìm hiểu những khó khăn về giao thông tại địa phương, ông Hoàng Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã Văn Lăng có gần 1.200 hộ dân sinh sống tại 16 xóm. Hiện, toàn xã có 8,7 km đường tỉnh lộ, trên 18 km đường liên xã, gần 30 km đường liên xóm và trên 20 km đường nội đồng thì mới trải nhựa được 3km đường liên xã, bê tông hóa được 2,5km đường liên xóm, còn lại vẫn là đường rải cấp phối và đường đất. Vì phần lớn các tuyến đường đều nằm dưới chân núi và có nhiều con suối chảy ngang đường nên mùa mưa ở đây rất hay xảy ra hiện tượng lũ ống, lũ quét gây sạt lở đất. Do đời sống của bà con chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp nên việc giao thông đi lại khó khăn đã ảnh hưởng đến việc vận chuyển nông sản và trở thành lực cản phát triển kinh tế của người dân nơi đây.

 

 

Rời UBND xã, chúng tôi cho xe “ngược rừng” để vào xóm Mỏ Nước, con đường vào xóm được rải cấp phối đã bị cuốn trôi gần hết lớp đất sau mấy trận mưa lớn hồi đầu tháng 7 này, giờ chỉ còn trơ ra những viên đá hộc. Dù đã ghì chắc tay lái nhưng chúng tôi cũng mấy phen “chao đảo” do trượt bánh xe khi đi trên đá. Vào đoạn đường liên xóm Vân Lăng – Mỏ Nước càng thấy rõ hậu quả nghiêm trọng do mưa lớn gây ra. Đây là đoạn đường được cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn 575 - Quân Khu I phối hợp với nhân dân địa phương xây dựng từ cuối năm 2012 theo phong trào “Lực lượng vũ trang quân khu chung sức xây dựng nông thôn mới”. Con đường đất có chiều dài 3km, với tổng giá trị đầu tư gần 600 triệu đồng (trích từ nguồn ngân sách của huyện và ngân sách hoạt động thường xuyên của đơn vị Lữ đoàn 575).

 

Theo quan sát của chúng tôi, trên đoạn đường này đã có 4 điểm bị sạt lở, làm ảnh hưởng đến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Trong đó, điểm hư hỏng nghiêm trọng nhất là khu vực đặt cống thoát nước ở khe Ho. Toàn bộ mặt đường dài khoảng 5m ở điểm này đã bị nước cuốn trôi khiến tất cả các phương tiện giao thông đều không thể lưu thông được. Chị Lầu Thị Mai, ở xóm Mỏ Nước cho biết: Đường khe Ho bị hỏng từ đầu tháng 7 năm nay, mỗi lần muốn ra xã hoặc đi chợ, bà con phải gùi nông sản trên lưng rồi lội bộ qua đoạn này. Hôm nào mưa to, nước ở khe dâng cao thì không thể qua được.

 

Vượt qua khe Ho, chúng tôi đi bộ để lên xóm Bản Tèn. Đây vốn là xóm có đường giao thông hiểm trở, khó đi nhất xã bởi đường lên xóm chạy qua những con dốc cao thẳng đứng. Dọc đường đi, thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp những những tảng đá hộc to tướng nằm chềnh ềnh giữa đường đi, chon von bên sườn đồi hoặc ngay kề cận nhà dân. Nhiều đoạn đường còn bị cắt ngang, xẻ dọc bởi các mạch nước ngầm chảy ra từ khe núi và những rãnh nước khoét sâu xuống nền đường, đó là dấu vết sau mỗi trận mưa lớn để lại. Ông Vương Văn Tình, Trưởng xóm Bản Tèn cho biết: Đây là xóm định cư của người Mông, hơn 20 năm nay bà con đều phải đi trên con đường gập ghềnh ấy, chuyện bị ngã sứt chân, sứt tay là chuyện bình thường ở đây. Nếu là mùa khô thì còn có một vài nhà dám dùng xe máy để vận chuyển ngô xuống núi chứ mùa mưa thì không ai dám đi bởi hễ trời mưa to là nước trên núi đổ xuống như thác, cuốn theo cả những viên đá to hơn cái gùi của bà con nên rất nguy hiểm. Năm nay mưa nhiều đã làm cho một số đoạn đường lên xóm gần như biến mất bởi lượng đất đá trên núi sạt xuống quá nhiều. Sau mỗi trận mưa, bà con trong xóm lại phải cùng nhau vận chuyển đất đá để lấy đường đi.  Xóm Bản Tèn hiện có 105 hộ dân thì 100% số hộ đều là hộ nghèo. Đời sống của bà con chủ yếu phụ thuộc vào cây ngô nhưng mỗi năm vẫn bị đói ăn từ 2-3 tháng. Vì cái ăn còn chưa lo được nên bà con trong xóm không bao giờ dám nghĩ đến chuyện bỏ tiền ra làm đường, chỉ trông cậy vào Nhà nước thôi.

Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, từ đầu mùa mưa đến nay, trên địa bàn xã Văn Lăng có hơn 10 điểm bị sạt lở gây ảnh hưởng giao thông, trong đó tập trung ở những xóm như: Liên Phương, Vân Lăng, Bản Tèn, Vân Khánh…Nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở là do những tuyến đường này đều nằm ở chân núi cao nên thường bị đất đá sạt xuống mỗi khi mưa to. Bên cạnh đó, trên các đoạn đường liên xóm lại có khoảng 20 khe suối lớn nằm vắt ngang đường nên khi nước dâng hay có lũ về rất dễ xảy ra hiện tượng sạt lở ở hai bên bờ.

 

Ông Hoàng Xuân Trường cho biết: Để đối phó với hiện tượng lũ quét và sạt lở núi, chính quyền xã đã tổ chức tuyên truyền vận động bà con không đi nương rẫy vào những thời điểm mưa lớn; thành lập các tổ đội xung kích tại các bản để kịp thời ứng cứu khi các sự cố xảy ra; hàng năm, xã trích ngân sách ra 15 triệu đồng để duy tu, sửa chữa lại những tuyến đường bị hỏng nhằm đảm bảo giao thông cho người dân…Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những giải pháp tạm thời, lũ quét và sạt lở đất vào mùa mưa vẫn luôn là nỗi lo của người dân nơi đây.