Ô nhiễm môi trường từ nước thải hầm biogas

10:25, 12/07/2013

Thời gian qua, nhân dân xóm Nà Họ, xã Thanh Định (Định Hóa) rất bức xúc trước tình trạng ô nhiễm môi trường do nguồn nước thải biogas của các hộ chăn nuôi ở xóm Hùng Lập chảy về các ao, mương dẫn nước của xóm gây ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của các hộ dân...

Ông Triệu Văn Anh, Trưởng xóm Nà Họ cho biết: Nước thải biogas của các hộ chăn nuôi ở xóm Hùng Lập (cùng xã) đã khiến cho ao cá của các hộ dân ở Nà Họ bị ô nhiễm không thể chăn thả được cá và một số ruộng lúa bị giảm năng suất. Tình trạng này đã xảy ra khoảng 2 năm nay. Gia đình tôi cũng có 1 ao cá với diện tích mặt nước khoảng 1 mẫu. Trước kia, mỗi năm gia đình tôi vẫn cấy 1 vụ lúa,  thả 1 vụ cá, thu được khoảng 1 tấn thóc và 4-5 triệu đồng tiền bán cá/năm. Nhưng giờ thì ao này không thể cấy lúa cũng như thả cá được nữa do bị nguồn nước thải từ hầm biogas làm ô nhiễm... Cùng chung nỗi bức xúc này, bà Nguyễn Quỳnh Lan, một hộ dân cùng xóm Nà Họ phản ánh: Gia đình tôi có 1 ao rộng khoảng 5 sào. Do nguồn nước thải từ các hầm biogas của các hộ chăn nuôi xóm Hùng Lập làm ô nhiễm khiến ao của gia đình không thể thả được cá. Trước kia, tình trạng xả nước thải chăn nuôi từ các hầm biogas được xả vào ban ngày. Thời gian gần đây, do bà con trong xóm có ý kiến nhiều nên có một số hộ đã xả thải vào buổi tối hoặc những hôm trời mưa.

 

 

Hiện xóm Hùng Lập có trên chục hộ chăn nuôi lợn, có hộ nuôi đến 40 con lợn/lứa. Lượng nước tắm, cho lợn và rửa chuồng trại thải ra hằng ngày khá lớn. Trong khi đó, hầu hết hầm biogas của các hộ này đều làm bằng nhựa (vật liệu nhựa Composit). Khi lượng nước thải ra quá lớn sẽ khiến cho hầm biogas bị quá tải, chưa kịp phân hủy, đã chảy tràn xuống các ao, một phần theo mương dẫn nước về đồng ruộng. Do lượng nước thải chưa được phân hủy hoàn toàn nên khi xả ra môi trường khiến ao cá của các gia đình: Nguyễn Văn Niên (xóm Hùng Lập) và Nguyễn Văn Chín, Triệu Văn Bẩy, Triệu Văn Anh, Triệu Văn Trường, Ma Tử Hờn, Ma Phúc Công, Nguyễn Quỳnh Lan (đều thuộc xóm Nà Họ) với tổng diện tích mặt nước khoảng 4-5 mẫu bị ô nhiễm nặng, không thả được cá. Cùng với đó, một số ruộng lúa nằm ngay sát mương dẫn nước cũng bị lốp vì quá tốt khi bị nhiễm nguồn nước thải này. Chị Ma Thị Oanh, cho biết: Gia đình tôi có 1 sào ruộng nằm cạnh mương. Mọi năm khi chưa bị ô nhiễm, đám ruộng này cho thu hoạch được khoảng gần 2 tạ thóc/vụ. Nhưng vụ xuân năm nay, chỉ thu hoạch được khoảng 50 kg thóc/vụ. Để chuẩn bị cấy vụ mùa, gia đình tôi tính mua vôi rắc xuống ruộng, hy vọng sẽ cải thiện được phần nào.

 

Cũng theo phản ánh của người dân xóm Nà Họ, nguồn nước xả thải không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước ở ao, ruộng lúa, mà còn gây ra mùi hôi thối rất khó chịu, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người dân. Bà Vũ Thị Nguyệt, một hộ dân xóm Nà Họ cho biết: Nước xả thải từ hầm biogas của các hộ chăn nuôi ở xóm Hùng Lập xuống mương dẫn nước xóm Nà Họ ở gần khu vực nhà ở chúng tôi có lúc là màu đen kịt, rất hôi thối, ruồi nhặng bay về nhiều, nhất là vào buổi trưa nắng nóng.

 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Hà Xuân Quyết, Trưởng xóm Hùng Lập thừa nhận vấn đề ô nhiễm nguồn nước do nước thải biogas của các hộ chăn nuôi lợn ở xóm ông như phản ánh của nhân dân xóm Nà Họ là đúng sự thật. Thiết nghĩ, việc chăn nuôi với quy mô lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao là việc người dân nên phát huy. Nhưng các hộ chăn nuôi ở xóm Hùng Lập cũng cần nâng cao ý thức hơn trong vấn đề xử lý môi trường để không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của những hộ dân xung quanh. Cấp ủy, chính quyền địa phương cần sớm quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung cách xa khu dân cư và phối hợp với ngành chức năng hướng dẫn các hộ chăn nuôi xử lý triệt để nguồn nước thải trước khi xả thải ra môi trường.