Tiếp tục quan tâm xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh toàn diện

08:55, 18/07/2013

Trong những năm qua hoạt động Công đoàn (CĐ) của tỉnh đã có nhiều đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả. Nhân Kỷ niệm 84 năm ngày thành lập CĐ Việt Nam (28/7/1929 – 28/7/2013); chào mừng Đại hội CĐ Việt Nam lần thứ XI; Lễ tôn vinh công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) tiêu biểu lần thứ VI và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì, phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Dương Xuân Hùng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Thái Nguyên.

PV: Xin đồng chí cho biết những nét khái quát về lịch sử hình thành phát triển của CĐ Việt Nam và LĐLĐ tỉnh?

 

Đ/c Dương Xuân Hùng: Ngày 28/7/1929, tại số nhà 15 phố Hàng Nón, Hà Nội, Công hội đỏ Bắc Kỳ ra đời - tổ chức CĐ đầu tiên ở Việt Nam, tiền thân của Tổng LĐLĐ Việt Nam ngày nay. Chặng đường cách mạng 84 năm xây dựng và trưởng thành của CĐ Việt Nam, đương đầu với vô vàn khó khăn, thử thách và nhiều lần phải thay đổi tên gọi theo từng giai đoạn lịch sử, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, CĐ Việt Nam đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

 

LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên được thành lập tháng 11/1946. Đến năm 1965, LĐLĐ tỉnh Bắc Thái được thành lập sau khi sáp nhập 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Đến năm 1997, LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên được tái thành lập sau khi chia tỉnh Bắc Thái thành 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, đến nay LĐLĐ tỉnh hiện có 7 ban chuyên đề, 4 đơn vị trực thuộc, 9 LĐLĐ huyện, thành phố, thị xã và 10 CĐ ngành với 1.317 tổ chức CĐ cơ sở, trên 54.000 đoàn viên trên tổng số 11,8 vạn CNVCLĐ.

 

PV: Theo đồng chí thì đánh giá thì đâu là nét nổi bật nhất trong hoạt động CĐ trong thời gian vừa qua?

 

Đ/c Dương Xuân Hùng: Nét nổi bật nhất của hoạt động CĐ trong thời gian qua chính là vai trò của CĐ trong công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và CNVCLĐ. CĐ các cấp luôn phối hợp chặt chẽ với giữa chính quyền đồng cấp trong việc thực hiện pháp luật lao động, Luật CĐ và các chế độ chính sách đối với người lao động. Hàng năm, CĐ các cấp chủ động phối hợp với chính quyền chuyên môn đồng cấp, người sử dụng lao động thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở thông qua việc tổ chức hội nghị cán bộ công chức, đại hội CNVC và hội nghị người lao động. Tổ chức CĐ đại diện cho người lao động tham gia đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể tại các doanh nghiệp, duy trì thường xuyên việc tư vấn, trợ giúp pháp lý cho người lao động. Công tác chăm lo bảo vệ cho người lao động còn được thể hiện thông qua các hoạt động xã hội từ thiện như: Hỗ trợ xây dựng 456 công trình xã hội từ thiện với số tiền 26 tỷ đồng, trong đó có 346 nhà “Mái ấm công đoàn” và nhà tình nghĩa. Thăm và tặng 24.205 suất quà với tổng giá trị trên 3,7 tỷ đồng cho các gia đình CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ cho hàng nghìn lượt lao động vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho CNVCLĐ.

 

PV: Để xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết số 20, ngày 28/1/2008 của BCH TW Đảng khóa X, thời gian tới LĐLĐ tỉnh đề ra những nhiệm vụ trọng tâm gì để tập trung thực hiện nhằm xây dựng tổ chức CĐ vững mạnh toàn diện thưa đồng chí?

 

Đ/c Dương Xuân Hùng: Thời gian tới, các cấp CĐ tiếp tục tập trung tuyên truyền và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 20 ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đẳng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Chủ động tham mưu với cấp ủy Đảng, phối hợp với chính quyền chuyên môn đồng cấp tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật, của Nhà nước đến với CNVCLĐ. Các cấp CĐ thường xuyên duy trì mối quan hệ với chính quyền và chuyên môn đồng cấp; sâu sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của CNVCLĐ, kịp thời phối hợp giải quyết những vấn đề bức xúc, nảy sinh liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ và phản ánh với cấp ủy Đảng để Đảng nghiên cứu và đề ra chỉ đạo sát với thực tiễn phong trào công nhân viên chức ở cơ sở.

 

Quán triệt, nâng cao nhận thức cán bộ, đoàn viên, hội viên của các tổ chức đoàn thể của tỉnh về vai trò, vị trí, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân tầm quan trọng của công tác xây dựng giai cấp công nhân hiện nay. Tiếp tục quan tâm đổi mới cả về tổ chức cũng như phương thức hoạt động, tập trung vào việc tập hợp giáo dục, hỗ trợ đoàn viên, thanh niên nâng cao trình độ mọi mặt, phát huy truyền thống theo phương châm hướng mạnh về cơ sở nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức và đội ngũ cán bộ CĐ.

 

Trong những năm qua, thông qua các phong trào thi đua đã có nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, nhiều công trình có ý nghĩa thiết thực của các cấp CĐ trong việc thực hiện Nghị quyết số 20. Có nhiều công trình mang lại ý nghĩa sâu sắc trong việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhiều đề tài sáng kiến được áp dụng đã chủ động được nguồn nguyên liệu, từ đó góp phần giảm giá thành sản phẩm, ổn định sản xuất, tạo việc làm ổn định cho CNVCLĐ, khẳng định được trình độ của đội ngũ CNVCLĐ trên địa bàn toàn tỉnh. Về mặt xã hội, nhiều đề tài đã khẳng định được trình độ của đội ngũ cán bộ, kỹ sư Việt Nam không thua kém già các kỹ sư của nước ngoài.

 

Kết quả trên đã chứng minh Nghị quyết của Đảng đã đi vào đời sống được đông đảo giai cấp công nhân đón nhận tích cực thực hiện với tinh thần, trách nhiệm cao không chỉ bằng những khẩu hiệu chung chung mà bằng những hành động và việc làm cụ thể. Đây là cơ sở để các cấp CĐ và CNVCLĐ trong toàn tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2013-2018; Nghị quyết số 20 về xây dựng giai cấp công nhân trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, xã hội của cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp, đóng góp chung vào sự phát triển của tỉnh.

 

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!