Trái tim người lính

09:21, 26/07/2013

Ở tuổi ngoài lục tuần, sức khỏe yếu, thậm chí phải đi bệnh viện cấp cứu 2 lần vì bệnh tim, nhưng Cựu chiến binh (CCB) Cao Văn Thường, xóm Cầu Thành, xã Hùng Sơn (Đại Từ) vẫn quyết tâm vượt hàng nghìn cây số sang Lào để tìm hài cốt những đồng đội cũ.

Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu từ căn phòng cấp 4 nhỏ hẹp của gia đình ông Cao Văn Thường, CCB Tiểu Đoàn 27 Thái Nguyên ở xóm Cầu Thành, xã Hùng Sơn (Đại Từ). Ông Thường sinh năm 1952, đến tháng 4/1970 khi chưa đủ 18 tuổi, ông đã làm đơn tình nguyện đi bộ đội. Gia nhập quân ngũ, ông được tuyển làm bộ đội đặc công thuộc Tiểu đoàn 27, Đoàn 305 thực hiện nhiệm vụ quốc tế bên nước bạn Lào. Từ khi tham gia chiến đấu cho đến khi hòa bình lập lại, ông Thường cùng đồng đội đã tham gia nhiều trận đánh thọc sâu vào Long Chẹng (một tỉnh của Lào giáp với tỉnh Nghệ An). Tại chiến trường này, rất nhiều bộ đội Việt Nam đã hy sinh anh dũng.

 

 

Sau khi hòa bình lập lại, phục viên trở về, ông Thường tất bật lo cho cuộc sống nhà nông đầy vất vả. Nhưng bao nhiêu năm qua đi, ông không lúc nào nguôi ngoai nỗi nhớ những người đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường. Trong số ấy, nhiều đồng đội đã trút hơi thở cuối cùng trên tay ông, đã được ông chôn cất. Day dứt nhất là liệt sĩ Nguyễn Văn Quang, ở xóm Phố Giầu, xã Tiên Hội (Đại Từ), người bạn thân cùng học phổ thông, cùng nhập ngũ, cùng huấn luyện trong 1 đại đội và cùng chiến đấu trong 1 tiểu đoàn. Ông Quang ở Đại đội 18, còn ông Thường ở Đại đội 17. Hai đại đội như hai anh em song sinh, liên tục thay đổi nhiệm vụ cho nhau sau mỗi chiến dịch, nếu Đại đội 18 chiến đấu, Đại đội 17 vận chuyển lương thực và ngược lại. Ông Thường kể: Có đêm tôi mơ thấy đồng đội về bên giường gọi tôi, ánh mắt ẩn chứa bao nỗi niềm. Choàng tỉnh giấc rồi không sao ngủ lại được, tôi lại nằm với miên man bao ký ức thời chiến đấu.

 

Nhiều năm trăn trở nhưng ông Thường không có cách nào để vào lại chiến trường xưa. Tình cờ cuối năm 2010, ông Thường gặp lại CCB Vũ Hồng Thịnh ở tỉnh Nam Định, người trực tiếp chiến đấu cùng và biết khu vực hy sinh của liệt sĩ Nguyễn Văn Quang. Hai người mừng mừng tủi tủi hàn huyên và giao hẹn một ngày cùng nhau trở lại chiến trường xưa tìm hài cốt đồng đội cũ. Tháng 9/2012, ông Thường họp CCB Tiểu đoàn 27 khu vực Thái Nguyên và liên hệ với đồng đội ở các tỉnh khác chọn thêm 3 CCB cùng đi tìm hài cốt. Họ tự sắm sửa vật dụng, tư trang hành quân, đi tìm hài cốt trên tinh thần tự nguyện. Đối với ông Thường, thời gian trước chuyến đi là một thử thách vì bệnh tim tái phát, ông đã phải nằm điều trị tại Bệnh viện A, Thái Nguyên do đó gia đình, quyết tâm phản đối, can ngăn. Ông Thường tâm sự: Ý tôi đã quyết, không ai có thể ngăn cản được. Hơn 1 tháng trước chuyến đi, biết sức khỏe yếu, đường rừng hiểm trở, tôi đã tự cho gạch đá vào ba lô đi bộ mỗi buổi sáng để rèn luyện sức khỏe. Chúng tôi xác định đi chuyến này nhất định phải mang hài cốt các anh trở về.

 

Sau khi tìm hiểu, ông Thường được biết, ngoài giao thông đi lại khó khăn, tình hình an ninh khu vực Long Chẹng rất phức tạp. Nơi này có một số nhóm thổ phỉ và đôi khi đụng độ với lực lượng an ninh của Lào và Việt Nam. Để vào được khu vực có hài cốt, ông Thường phải liên hệ với Đoàn quy tập hài cốt liệt sĩ tỉnh Nghệ An. Ông kể: Trước khi đi, đồng chí Hồ Trọng Bình, Đoàn trưởng Đoàn Quy tập hài cốt liệt sĩ tỉnh Nghệ An có cảnh báo đường rừng hiểm trở, khu vực này nhiều nhóm thổ phỉ, có thể mất mạng các bác có quyết đi không? Chúng tôi đã quyết tâm đi và trả lời nếu bỏ mạng nơi chiến trường xưa vì đồng đội cũng cam lòng.

 

Tháng 11/ 2012, ông Thường cùng các CCB và gia đình liệt sĩ đi thẳng từ Thái Nguyên sang thị xã Phôn Xa Vẳn, tỉnh Xiêng Khoảng, Lào. Tại đây, Đoàn quy tập hài cốt liệt sĩ tỉnh Nghệ An đón và tiếp tục đi ô tô vào khu trung tâm Long Chẹng cách đó 90km. Đường rừng hiểm trở, phải mất hơn 6 tiếng đoàn mới vào được khu vực Long Chẹng. Sau đó, đoàn tổ chức họp dân, tìm hiểu lại các địa danh năm xưa để định hình và lập phương án tìm kiếm. Đêm trước khi vào khu vực hài cốt, ông Nguyễn Văn Sắc, em liệt sĩ Nguyễn Văn Quang nằm mơ người anh báo mộng sáng mai sẽ đón ở suối.

 

Sáng hôm sau, từ trung tâm Long Chẹng, đoàn tìm kiếm theo người dẫn đường địa phương đi bộ sâu vào rừng. Đến đúng con suối Nậm Phả, nơi trước kia người dẫn đường vẫn đi qua, nay dòng nước rất lớn. Đoàn bắt buộc đi ngược suối, được khoảng 500m thì thấy nước gợn ghềnh đá bèn lội sang bờ bên kia. Đi thêm 500m nữa, đoàn thấy tổ chim, di vật (áo, khăn dù) của liệt sĩ Nguyễn Văn Quang, liệt sĩ Phạm Văn Bảo.

 

Sau chuyến đi cuối năm 2012, tháng 3 năm 2013, ông Thường tiếp tục kết hợp cùng Đoàn Quy tập hài cốt liệt sĩ Nghệ An đi tìm tại khu vực Long Chẹng. Nhờ sự tư vấn của các CCB Tiểu đoàn 27, đợt cuối năm 2012, Đoàn Quy tập hài cốt liệt sĩ tỉnh Nghệ An đã tìm được 96 hài cốt liệt sĩ, đợt tháng 3 năm 2013 tìm thấy 72 bộ hài cốt liệt sĩ.

 

Trước khi chia tay, chúng tôi có hỏi: Thời gian tới, ông có tiếp tục đi tìm hài cốt các đồng đội không? ông Cao Văn Thường trả lời: Tôi đã quá may mắn vì được trở về lành lặn, có bao đồng đội của tôi còn nằm lại nơi chiến trường, bao gia đình đau đáu ngóng tìm người thân. Ngày nào còn sống, còn khỏe tôi sẽ còn đi.