Vì sao tỷ lệ trường THPT đạt chuẩn còn thấp?

10:52, 26/07/2013

Tính đến thời điểm hiện nay toàn tỉnh có 420/ 653 trường đạt chuẩn Quốc gia, bằng 64,31% tổng số trường, tăng 31 trường so với năm học 2011-2012. Trong đó bậc THPT là 10/32 trường (bằng 31,25%). Tuy tỷ lệ trường đạt chuẩn của cấp THPT đã vượt so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra nhưng so với các cấp học, bậc học khác thì đây là cấp học có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia thấp nhất.

Vậy đâu là những khó khăn trong công tác xây dựng trường chuẩn ở cấp học này? Để trường trung học đạt chuẩn Quốc gia cần đáp ứng 5 tiêu chuẩn là: Tổ chức nhà trường; Cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; Chất lượng giáo dục; Cơ sở vật chất và thiết bị và công tác xã hội hoá giáo dục. Trong 5 tiêu chí trên có 2 tiêu chí khó khăn nhất khi các trường bắt tay vào xây dựng trường đạt chuẩn đó là cơ sở vật chất, thiết bị và chất lượng giáo dục.

 

 

Theo cô giáo Lương Thị Kim Oanh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Hỷì: “Nhà trường đang phấn đấu để đến năm 2015 sẽ đạt chuẩn. Ban Giám hiệu Nhà trường cũng cố gắng đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy học. Trung bình mỗi năm từ nguồn xã hội hoá giáo dục thu được khoảng 300 triệu đồng, số tiền trên đều dành để tu bổ các phòng học lý thuyết vì hầu hết các dãy phòng học này đều đã xuống cấp. Khó khăn lớn nhất hiện nay là Trường thiếu các phòng học bộ môn như: phòng tiếng Anh, phòng thực hành Sinh-Hoá, phòng thực hành Vật lý. Theo quy định, các phòng học bộ môn này diện tích phải đạt 90m2, có đầy đủ các trang thiết bị thực hành. Song dù Trường có tiến hành cải tạo những phòng học cũ để làm phòng học bộ môn thì diện tích cũng không đạt theo quy định (diện tích các phòng học cải tạo chỉ có 54m2). Thêm vào đó sân chơi bãi tập của Trường chưa đảm bảo, mới là sân nền đất tự san lấp cho bằng phẳng để học sinh luyện tập. Nhà đa năng, phòng thư viện tuy đã có nhưng cũng chưa đạt chuẩn. Khó khăn thứ hai là chất lượng dạy học, tuy tỷ lệ học sinh khá, giỏi đã đạt chuẩn theo quy định, nhưng tỷ lệ học sinh yếu, kém vẫn còn cao:  năm học vừa qua tỷ lệ này là 11,9%”.

 

Còn theo thầy giáo Lại Đức Kế, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền: Ban Giám hiệu Nhà trường quyết tâm phấn đấu xây dựng trường theo các tiêu chí trường chuẩn, bắt đầu từ dạy học thật tốt, phụ huynh cũng nhiệt tình ủng hộ, vì mục đích cuối cùng chính là vì học sinh. Nền nếp, kỷ cương dạy học trong những năm qua của Nhà trường được duy trì tốt. Chất lượng dạy học tương đối ổn định, số học sinh có học lực giỏi đạt 2,6%, khá 31%. Tỷ lệ học sinh có học lực yếu kém khoảng 10%. Về chất lượng dạy học, Nhà trường có thể cam kết nỗ lực bằng nhiều giải pháp để nâng cao đạt tiêu chuẩn đề ra. Tuy nhiên, tiêu chí về đầu tư xây dựng các phòng học bộ môn, thư viện đạt chuẩn đối với Nhà trường là rất khó. Thực tế, nhiều năm qua theo quy định của UBND tỉnh không thu tiền đóng góp xây dựng của học sinh. Mỗi năm học, từ nguồn xã hội hoá giáo dục do Ban đại diện cha mẹ học sinh thu và tự quản lý cũng chỉ được 150 triệu đồng. Số tiền trên chủ yếu chi vào sửa chữa, nâng cấp các phòng học”. Theo tính toán của Hiệu trưởng Nhà trường, nếu đầu tư đủ các phòng học bộ môn, thư viện đạt chuẩn từ thì cần nguồn vốn khoảng 3 tỷ đồng, nếu không có sự hỗ trợ từ ngành, địa phương Nhà trường có thể thực hiện được”.

 

Về vấn đề này, đồng chí Bùi Đức Cường, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Ngành Giáo dục đã chỉ đạo các nhà trường đối chiếu với các tiêu chí của trường chuẩn, xem tiêu chí nào chưa đạt để tập trung xây dựng giải pháp thực hiện; tích cực huy động mọi nguồn lực, quyết tâm thực hiện mục tiêu xây dựng trường chuẩn Quốc gia của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết XVIII của Đảng bộ tỉnh. Nhưng trên thực tế, tại nhiều trường phổ thông các phòng học được xây dựng cách đây hàng chục năm, nay đã xuống cấp; chất lượng dạy học chưa đạt yêu cầu theo quy định của Bộ đề ra. Song nếu chỉ có sự nỗ lực của riêng ngành Giáo dục thì khó có thể thực hiện được. Vì thế, lãnh đạo ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh, làm việc với các địa phương nhằm thống nhất cơ chế đầu tư xây dựng trường chuẩn.

 

 Cụ thể, với huyện Phổ Yên đang tập trung đầu tư xây dựng Trường THPT Lê Hồng Phong đạt chuẩn trong năm học tới. Nhà trường thiếu khoảng 1 tỷ đồng để hoàn thiện cơ sở vật chất thì ngành Giáo dục sẽ hỗ trợ 50%, còn lại do địa phương dành ngân sách hỗ trợ. Các huyện khác đều có cơ chế hỗ trợ giữa địa phương và ngành, tỷ lệ giữa 2 bên tùy theo từng vùng, miền. Năm 2013, nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung của ngành được cấp 4,5 tỷ đồng, ngành sẽ tập trung cho các trường trong lộ trình xây dựng trường chuẩn. Cụ thể năm 2013 tập trung đầu tư xây dựng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh và THPT Phú Bình đạt chuẩn; năm 2014 là trường Lê Hồng Phong (Phổ Yên), Khánh Hoà (T.P Thái Nguyên), xa hơn là THPT Đồng Hỷ… Ngoài những trường nêu trên, Sở tiếp tục chỉ đạo các trường THPT còn lại thực hiện xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia theo lộ trình đã xây dựng. Bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ của ngành, địa phương, các trường cần tiếp tục làm tốt công tác xã hội hoá giáo dục để huy động thêm nguồn lực đầu tư nâng cấp, xây dựng, củng cố cơ sở vật chất trường hoc. Đồng thời ngay từ đầu năm học, các nhà trường cần tiến hành rà soát, phân loại học sinh để có biện pháp giáo dục phù hợp với từng đối tượng nhằm nâng cao tỷ lệ học sinh khá, giỏi; giảm tỷ lệ học sinh yếu, kém.

 

Xây dựng trường chuẩn Quốc gia là một quá trình lâu dài, không thể chạy theo thành tích. Với sự nỗ lực của Ngành Giáo dục và các nhà trường, sự chung tay góp sức của các cấp, ngành, địa phương, các bậc phụ huynh, mong rằng muc tiêu mà ngành Giáo dục đề ra từ nay đến hết năm 2015 có thêm 8 trường THPT đạt chuẩn