Vinh dự khi được khoác 2 màu áo

10:36, 08/07/2013

Nhiệm vụ của các y, bác sĩ ở trại giam Phú Sơn 4 là khám, chữa bệnh cứu người, nhưng bệnh nhân của họ chủ yếu là phạm nhân. Tuy gặp nhiều khó khăn, vất vả thậm chí chỉ một chút sơ suất là nguy hại đến tính mạng, nhưng các y, bác sĩ công tác tại Trạm giam Phú Sơn 4 luôn cảm thấy tự hào vì họ được đứng trong hàng ngũ của những người chiến sĩ công an nhân dân, được khoác trên mình 2 màu áo...

Trong buồng bệnh xá của Phân trại số 1(K1) 5 cán bộ y, bác sĩ đang tất bật chăm sóc, khám bệnh cho hơn 20 bệnh nhân mặc áo kẻ sọc, trong đó có nhiều bệnh nhân bị lở loét. Bác sĩ Lê Viết Thọ, Tổ trưởng Tổ y tế K1 cho biết: Nhiều bệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn cuối. Có lúc, số bệnh nhân này lên tới 11 trường hợp. Tổ chúng tôi có 5 người gồm 1 bác sĩ, 4 y tá và y sĩ. Có ngày chúng tôi khám và điều trị bệnh cho gần 100 trường hợp. Trung bình tại đây luôn có từ 20 -25 bệnh nhân nằm điều trị, có lúc cao điểm nên tới 60 người.

 

 

Toàn Trại hiện có 25 cán bộ, trong đó có 3 bác sĩ, chịu trách nhiệm khám và điều trị bệnh ban đầu cho gần 5 nghìn phạm nhân và gần 900 cán bộ, chiến sĩ Công an. Bình quân mỗi năm có 1.600 lượt người được khám và điều trị bệnh. Trung tá Nguyễn Văn Giang, Bệnh xá trưởng của Trại, người có 28 năm trong nghề chia sẻ: “Điều chúng tôi canh cánh nhất không phải là trang thiết bị y tế của Bệnh xá còn nghèo nàn, bác sĩ hầu như không ai muốn về đây công tác (máy móc hiện đại nhất của Trạm bây giờ vẫn chỉ là máy siêu âm đen trắng, điện tim...) mà là các phạm nhân thường xuyên giở những chiêu trò ma mãnh để hòng qua mắt cán bộ. Tình trạng phạm nhân nhiễm HIV vào trại ngày càng gia tăng, cán bộ của chúng tôi phải đối diện với nguy cơ lây nhiễm bất cứ lúc nào”. Thật khó để kể hết những khó khăn mà các y, bác sĩ ở đây phải đối mặt. Nhiều bệnh nhân được đưa đến Bệnh xá nhưng không chịu hợp tác, không ăn uống, không cho thăm khám và từ chối uống thuốc... Điển hình gần đây như phạm nhân Giơ Lan Pi Áp, quê ở Tây Nguyên (đang thụ án 7 năm tù), bị tràn dịch màng phổi và màng bụng phải đưa xuống Bệnh viện Lao và Bệnh phổi kiểm tra và điều trị. Do phạm nhân không chịu hợp tác nên ngoài việc giám sát phạm nhân, cán bộ y tế của Trại còn phải vất vả động viên thậm chí phải “nịnh” để phạm nhân chịu điều trị bệnh. Bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, có phạm nhân giả vờ liệt; giả vờ lên cơn đau bụng dữ dội, lại có người vờ lên cơn động kinh hay tự làm mình bị thương để qua mặt cán bộ y tế. Trong khi đó máy móc của Bệnh xá lại khá nghèo nàn nên một mặt các y, bác sĩ phải sử dụng cả nghiệp vụ công an để phán đoán và giáo dục đối tượng, một mặt phải nhờ đến sự hỗ trợ từ bệnh viện tuyến tỉnh và Trung ương để xác minh tình trạng bệnh tật của bệnh nhân.

 

Điều trị cho phạm nhân không chỉ khó bởi những lý do trên mà nhiều khi còn vô cùng nguy hiểm, nhất là đối với phạm nhân nhiễm HIV. Mọi người ở đây còn chưa quên sự việc 2 y tá là Trung sĩ Bùi Thu Huyền, công tác tại K3 và Trung sĩ, y tá Ngô Thị Ân ở K4 bị phơi nhiễm HIV do trong quá trình tiêm, truyền cho bệnh nhân AIDS đã bị bệnh nhân gây khó dễ khiến các chị bị kim đâm vào tay. Việc chăm sóc cho các bệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn cuối, toàn thân lở loét chỉ cần sơ xảy chút thôi là nguy cơ lây nhiễm có thể xảy ra. Y tá Đào Thị Hạnh còn nhớ như in cảm giác rợn người khi mới vào nghề năm 2008, lúc đó chị phải chăm sóc cho các bệnh nhân mắc AIDS mà bộ phận trên cơ thể đã bắt đầu hoại tử và chứng kiến các ca tử vong. Rất nhiều bệnh nhân bị gia đình bỏ mặc, tất cả đều do cán bộ Trạm lo liệu. “Nếu không có bản lĩnh của người chiến sĩ công an, cùng với đó là sự động viên, chia sẻ của gia đình thì thật khó để vượt qua”, y tá Hạnh chia sẻ.

 

Nguy hiểm, vất vả là vậy nhưng các y, bác sĩ công tác tại Trại giam Phú Sơn 4 cũng có những kỷ niệm đẹp khó quên. Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của bác sĩ Lê Viết Thọ đó là một buổi chiều khi vừa hết ca trực, anh đang chuẩn bị về nhà thì có một phạm nhân nữ được đưa đến buồng bệnh trong tình trạng trở dạ. Bệnh nhân sẽ sinh dọc đường nếu đưa chuyển tuyến, sau khi thăm khám, anh xác định phải cho bệnh nhân sinh tại chỗ. Tuy không có bàn đẻ, dụng cụ thiếu nhưng không còn cách nào khác, anh đã cùng với một phụ tá  giúp sản phụ sinh con an toàn. Anh tâm sự: “Nhìn thấy cậu bé đỏ hỏn khóc oe oe, khỏe mạnh và nét mặt vô cùng hạnh phúc của người mẹ, tôi biết mình đã quyết định đúng, dù trước đó rất lo lắng vì đây là ca đầu tiên tôi đỡ đẻ cho phạm nhân trong trại giam”.