Bảo hiểm thất nghiệp cầu nối giúp lao động thất nghiệp vượt qua khó khăn.

08:34, 20/08/2013

Tuy mới áp dụng thực hiện từ năm 2009, nhưng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, trở thành một trong những phương tiện chủ yếu của an sinh xã hội do Nhà nước điều hành.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, từ năm 2011 đến nay, số người tham gia BHTN ngày càng gia tăng sau mỗi năm. Nếu như năm 2011 số người tham gia BHTN là 85.297 người, thì năm 2012 là 86.410 người và 6 tháng đầu năm 2013 là 86.983 người. Cùng với số người tham gia BHTN tăng, số người hưởng BHTN cũng tăng từ 1.097 người năm 2011 lên 2.649 người năm 2012  và 6 tháng đầu năm 2013 đã có 1.952 người với tổng số tiền hơn 26,9 tỷ đồng.

 

Nắm bắt kịp thời những ưu điểm về chính sách BHTN, nhiều đơn vị sử dụng lao động đã tích cực triển khai tại đơn vị mình. Điển hình như Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, ngay từ khi có chính sách BHTN, Công ty đã thực hiện đầy đủ 100% chế độ nộp BHXH cho người lao động. Bước sang năm 2011 và năm 2012 kinh tế khó khăn, thiếu việc làm, mỗi năm hơn 200 lao động phải nghỉ việc, đặc biệt 6 tháng đầu năm 2013 con số này đã tăng lên 700 người. Ngay sau khi hoàn tất các thủ tục 100% lao động trong diện được hưởng chế độ BHTN kịp thời. Lúc này, BHTN thực sự đã trở thành phao cứu sinh cho lao động thất nghiệp. Tính ưu việt về chính sách xã hội là vậy song việc chấp hành chính sách của các đơn vị sử dụng lao động lại khác nhau. Thực tế ở Công ty Cổ phần Luyện cán thép Gia Sàng một ví dụ: Do Công ty không thực hiện đầy đủ chế độ nộp BHXH cho người lao động, dẫn đến tình trạng khi không có việc làm, người lao động không được hưởng chế độ từ chính sách bảo hiểm. Tính đến tháng 8 năm 2012, số tiền nợ chế độ BHXH của đơn vị này là 1,543 tỷ đồng, trong đó nợ BHTN là 74,7 triệu đồng khiến cho 529 công nhân khi không có việc làm cũng không thể được nhận hỗ trợ từ BHTN và khó khăn lại chồng chất khó khăn.

 

Có thể nói, BHTN được coi là biện pháp hỗ trợ tích cực cho lao động thất nghiệp, nhưng tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội (trong đó có nợ BHXH) ngày càng gia tăng đang khiến cho người lao động trở nên bất an hơn lúc nào hết. Tính đến hết tháng 6/2013, số tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, BHTN của các cơ quan, đơn vị, DN là 159,6 tỷ đồng, tăng 83,813 tỷ đồng (110,6%) so với cùng kỳ năm 2012. Trong số này, nợ BHXH là 41,497 tỷ đồng; nợ bảo hiểm thất nghiệp là 8,38 tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương nợ 6,65 tỷ đồng, chiếm 79% tổng số nợ BHTN. Với con số nợ trên đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, bởi lẽ khi không có việc làm, đơn vị sử dụng lao động không nộp tiền BHXH, cơ quan BHXH không thể chốt sổ bảo hiểm và chắc chắn số người lao động không được hưởng chế độ BHTN sẽ tăng lên.