Để địa bàn không còn phức tạp về an ninh trật tự

08:20, 20/08/2013

Nhiều xã, phường của tỉnh được xác định là địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự (ANTT) đã có chuyển biến tích cực sau 1 năm thực hiện chuyển hóa theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ (BCĐ 138/CP). Những người thực thi nhiệm vụ ở các địa phương này đã làm thế nào và mong muốn điều gì để làm tốt hơn nhiệm vụ được giao? Bài viết này sẽ đề cập đến những vấn đề đó.

9 địa bàn được xác định là trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự của tỉnh gồm: thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ; xã Hà Thượng, huyện Đại Từ; phường Phan Đình Phùng, T.P Thái Nguyên; phường Cải Đan, thị xã Sông Công; xã Trung Hội, huyện Định Hóa; xã Bình Long, huyện Võ Nhai; thị trấn Ba Hàng, huyện Phổ Yên; xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương; xã Tân Khánh, huyện Phú Bình.

 

Càng trung tâm càng phức tạp

Đa số những địa bàn (ĐB) trọng điểm, phức tạp về ANTT có vị trí trung tâm về kinh tế, chính trị, văn hóa của huyện/ thành phố. Thị trấn Chùa Hang (Đồng Hỷ) là một trong số đó. Nơi này có số dân đông nhất huyện: hơn 3.000 hộ, gần 12 nghìn nhân khẩu; có 38 cơ quan, đơn vị; 11 doanh nghiệp, trường học; 41 cơ sở kinh doanh có điều kiện; 30 cơ sở kinh doanh văn hóa và dịch vụ văn hóa; có 1 ngôi chùa nổi tiếng trong nước hằng năm thu hút hàng triệu lượt khách thập phương (Chùa Hang); đường giao thông liên tỉnh, liên huyện rất thuận lợi cho kinh doanh, văn hóa, du lịch. Sự đông đúc, tiện lợi nói trên cũng là “mảnh đất” tốt để một số đối tượng bất hảo như trộm cắp, cờ bạc, ma túy, gây rối trật tự công cộng hoạt động. Trên địa bàn có tới 124 người nghiện ma túy và 184 đối tượng tù tha về đang trong diện quản lý. 

Tương tự thị trấn Chùa Hang, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên) cũng là phường trung tâm, có nhiều trục đường trọng yếu cắt qua địa bàn với lượng người lưu thông lớn như đường Cách mạng Tháng Tám, đường Phan Đình Phùng. Lợi dụng nhà mặt đường, không ít hộ kinh doanh đã lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán gây nguy hiểm về an toàn giao thông, mất mỹ quan đô thị. Đặc biệt, trên ĐB Phường, nhiều dự án lớn có liên quan đến đất đai đang triển khai như dự án xây dựng khu dân cư số 2, 5, 9; khu dân cư Hồ điều hòa Xương Rồng… đã phát sinh những “điểm nóng” tranh chấp, kiện tụng. Chỉ trong năm 2012, có 58 đơn thư đề nghị của người dân liên quan đến chế độ chính sách, đất đai, giải phóng mặt bằng. Chưa kể, trong phường còn có nhiều nhà nghỉ, khách sạn với nhiều hoạt động phức tạp về hoạt động mại dâm, buôn bán ma túy.


Khác với 2 ĐB trên, xóm Bình Long (Võ Nhai) được chọn là ĐB trọng điểm phức tạp về ANTT do phía Bắc giáp với xã Quyết Thắng (huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn), phía Nam giáp xã Đồng Tiến (huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang). Đặc biệt, xã có 2 xóm là Đồng Bản và Đồng Bứa là nơi sinh sống của 800 người, trong đó đồng bào dân tộc Dao chiếm 70%, do địa hình và giao thông khó khăn, nhất là về mùa mưa nên gần như bị tách biệt. Tại 2 xóm này, cuối năm 2011 đã có 40 người kéo đến phần đất tranh chấp với Công ty Trường Lộc (là đơn vị trồng rừng của huyện Yên Thế, Bắc Giang) dùng dao, gậy, súng tự chế đập phá tài sản, đánh người gây thương tích. Thời điểm đó, 2 xóm Đồng Bản, Đổng Bứa là điểm “nóng” về ANTT không chỉ của xã Bình Long mà của cả huyện Võ Nhai.


Giải pháp mạnh đối với điểm “nóng”

Xác định là ĐB trọng điểm, phức tạp về ANTT, cách làm chung của các địa phương nói trên là trấn áp mạnh mẽ các loại tội phạm. Thượng tá Nguyễn Quang Sơn, Trưởng Công an huyện Đồng Hỷ cho biết: Thực hiện yêu cầu của BCĐ138 của tỉnh, ngay trong dịp Tết Nguyên đán 2012, BCĐ huyện Đồng Hỷ đã yêu cầu BCĐ thị trấn Chùa Hang và Công an huyện phối hợp chặt chẽ, quyết liệt trong đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; huy động sức mạnh của đông đảo quần chúng, tạo thế chủ động, áp đảo mạnh mẽ tội phạm.

BCĐ thị trấn Chùa Hang đã mở hội nghị triển khai kế hoạch đến các bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố, hiệu trưởng 6 trường học đóng trên địa bàn, lãnh đạo các ngành, đoàn thể, bảo vệ dân phố của thị trấn và tổ chức ký cam kết đảm bảo ANTT ở các tổ dân phố, các trường học nói trên. BCĐ đã cho lắp đặt 15 hòm thư an ninh tố giác tội phạm và tệ nạn xã hội tại 15 nhà văn hóa của Thị trấn; phối hợp với Tòa án nhân dân huyện đưa 2 vụ án về ma túy và trộm cắp tài sản về xét xử lưu động tại nhà văn hóa tổ 22,23,24,25; phối hợp kiểm tra 5 cơ sở kinh doanh về lĩnh vực văn hóa; kiểm tra 13 lượt nhà nghỉ, nhà trọ; phối hợp với lực lượng bảo vệ dân phòng tổ chức tuần tra ban đêm tại các điểm phức tạp về ANTT… Sau 1 năm chuyển hóa tích cực, tình hình phức tạp về ANTT ở thị trấn Chùa Hang giảm hẳn: năm 2012, xảy ra 52 vụ, giảm 66 vụ so với cùng kỳ năm trước. Các tội phạm về ma túy, tai nạn giao thông, đánh nhau gây thương tích giảm 56%.

BCĐ 138 của phường Phan Đình Phùng lại có cách làm khác. Ngoài triển khai ký cam kết, tuyên truyền phổ biến đến các khu dân cư, Công an phường đã phối hợp với Cơ quan cảnh sát điều tra cấp trên đẩy mạnh khám phá các loại án phạm pháp hình sự. Trong năm 2012, đã điều tra khám phá 30/51 vụ (năm trước là 12/28 vụ), bắt giữ 29 đối tượng; giải quyết xong 35/81 vụ vi phạm trật tự trị an; xử phạt hành chính 23 đối tượng, lập hồ sơ 18 đối tượng giáo dục tại phường, xã; đưa 49 đối tượng đi cai nghiện ma túy; phát hiện 11 vụ (58 đối tượng) đánh bạc (tăng 2 vụ); giải tỏa hàng trăm lượt hộ kinh doanh lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè; xử lý 792 trường hợp vi phạm lấn chiếm hành lang giao thông đường bộ (tăng 539 trường hợp)…Từ đó, ANTT được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, không có trọng án xảy ra.

Điểm nhấn về chuyển hóa ĐB ở xã Bình Long (Võ Nhai) lại hướng mạnh vào 2 xóm Đồng Bản và Đồng Bứa. Thượng tá Diệp Văn Cao, Trưởng Công an huyện Võ Nhai cho biết: Chúng tôi xác định việc tranh chấp đất rừng với Công ty Trường Lộc của một số người dân 2 xóm trên xuất phát từ nhận thức pháp luật còn hạn chế và do bị một số phần tử xấu kích động. Từ đó, chúng tôi chú trọng triển khai công tác toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, lấy ĐB 2 xóm làm trọng điểm. Chúng tôi đã kiện toàn lực lượng công an cơ sở, xây dựng mô hình tự quản quần chúng ở các xóm, vận động nhân dân tham gia tố giác tội phạm. Trong năm 2012, nhân dân đã cung cấp cho lực lượng công an 38 tin, trong đó có 21 tin có giá trị, giúp cơ quan điều tra khám phá 4 vụ án hình sự (4 đối tượng), gọi kiểm điểm 15 đối tượng, vận động 2 đối tượng có lệnh truy nã ở huyện Yên Thế (Bắc Giang) ra đầu thú. Về vụ tranh chấp đất rừng, sau khi lãnh đạo địa phương làm việc với doanh nghiệp Trường Lộc, những diện tích đất “xôi đỗ”, chưa sử dụng đến đã được doanh nghiệp sắp xếp, để cho người dân ở đây sản xuất. Từ đó, năm 2012 ở 2 xóm nói trên không xảy ra vụ nào liên quan đến ANTT (năm 2011 xảy ra 5 vụ), điểm “nóng” đã không còn “nóng”.

Vẫn còn nhiều trăn trở

Rõ ràng, sau một năm thực hiện chuyển hóa, các ĐB trọng điểm, phức tạp về ANTT đã có bước tiến bộ rõ rệt, ANTT được giữ vững, tệ nạn xã hội bị đẩy lùi, cuộc sống của nhân dân bình an hơn. Tuy nhiên, nhìn lại hoạt động này thời gian qua, nhiều “người trong cuộc” vẫn còn trăn trở. Ông Đàm Thế Nhàn, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND thị trấn Chùa Hang bộc bạch: Mặc dù chúng ta đã vận động quần chúng tham gia phong trào đấu tranh phòng chống tội phạm, nhưng trên thực tế, một bộ phận không nhỏ nhân dân khi thấy sự việc xảy ra còn thờ ơ, ngại va chạm, sợ bị liên đới nên né tránh, coi như không phải việc của mình. Hạn chế nữa là, việc trang bị công cụ hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ dân phố còn quá thiếu. Hiện nay thị trấn mới trang bị cho 49 bảo vệ dân phố được 3 công cụ hỗ trợ (1 súng bắn đạn cao su, 2 roi điện), không đủ trang bị vũ khí cho các thành viên trong tổ tuần tra (thường có 5 người). Vì vậy, đối mặt với các đối tượng nguy hiểm, người làm nhiệm vụ đôi khi vẫn lâm vào tình thế lúng túng, sợ hãi. Cùng suy nghĩ này, ông Đặng Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND phường Phan Đình Phùng nhận xét: việc phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể với cấp ủy chi bộ, tổ nhân dân chưa đồng bộ, dẫn đến hiệu quả chưa cao.

Để xóa “danh hiệu” điểm phức tạp về ANTT ở 9 ĐB nói chung, 3 ĐB đề cập đến trong bài viết nói riêng, việc triển khai hoạt động này cần được duy trì, đi vào chiều sâu. Hơn nữa, việc xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ việc, các đối tượng có hành vi sai phạm, không có “vùng riêng” với bất cứ đối tượng nào; việc bảo vệ, khen thưởng kịp thời người cung cấp thông tin, người trực tiếp đấu tranh, tố giác tội phạm… rất cần được làm mạnh hơn. Khi tạo được niềm tin của nhân dân thì mọi người sẽ đồng lòng, hiệp sức đấu tranh với cái xấu, kết quả chuyển hóa ĐB sẽ vững chắc hơn.

Xã, thị trấn (gọi chung là xã) trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự bao gồm: xã có đường biên giới quốc gia; xã đảo; xã nội địa, xã ven biển có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng hoặc xã có tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội thường xuyên có diễn biến phức tạp (Trích Thông tư 12/2010/BCA ngày 8-4-2010 của Bộ Công an quy định cụ thể thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã).