Điểm sáng ở Quỳnh Hội

10:35, 15/08/2013

Vệ sinh môi trường, an ninh trật tự đang là những vấn đề “nóng” ở khá nhiều vùng nông thôn hiện nay. Thế nhưng, ở xóm Quỳnh Hội, xã Trung Hội (Định Hóa), điều này đã cơ bản được giải quyết nhờ ý thức tự giác của mỗi người dân.

Tôi có dịp đi nhiều vùng nông thôn ở Định Hóa và thấy rằng ít có xóm, bản nào sạch sẽ như Quỳnh Hội. Từ đầu đến cuối xóm, tôi không hề thấy bất kỳ một túi ni lông, rác rưởi nào vứt vương vãi. Ông Nguyễn Tất Minh, người dân trong xóm phấn khởi cho biết: “Bà con đều có ý thức thu gom rác bỏ vào nơi tập trung để đảm bảo vệ sinh môi trường”.

 

 

Ý tưởng xây dựng những hố thu gom rác tập trung được xóm thực hiện từ năm 2007. Chị Đào Thị Hoài, Bí thư Chi bộ xóm nhớ lại: Vốn là địa bàn chuyên canh cây chè, cả xóm Quỳnh Hội có 35 hộ dân thì có tới hơn 15ha chè. Trước đây, mỗi khi phun thuốc trừ sâu, người dân thường có thói quen vứt vỏ thuốc, chai lọ ngay cạnh vườn chè hoặc xuống khe suối. Có người đi làm đồng đã từng dẫm phải mảnh thủy tinh bị đứt chân phải đi bệnh viện vì nhiễm trùng. Rồi chuyện bà con tiện tay vứt rác, túi ni lông đầy ra rìa đường rất mất vệ sinh. Trước thực trạng trên, xóm đã họp và thống nhất xây dựng 3 hố thu gom rác ở ba phân khu của xóm. Hố đào sâu 2m, diện tích khoảng 1m2.

 

Có hố thu gom rồi, việc tiếp theo là phải vận động bà con thu gom và phân loại rác. Nội dung này được ghi vào hương ước chung của xóm để tất cả mọi người thực hiện. Theo đó, cán bộ, đảng viên và trưởng các đoàn thể phải là những người gương mẫu thực hiện và nhắc nhở họ hàng của mình cùng làm. Những gia đình cố tình vứt rác bừa bãi ra nơi công cộng gây mất vệ sinh sẽ bị phạt, tối đa là 50 nghìn đồng. Số tiền này sẽ được bổ sung vào nguồn quỹ xóm để chi cho các hoạt động chung. Nhờ đó, vấn đề vệ sinh môi trường của xóm dần được giải quyết. Chị Nguyễn Thị Lặc, người dân trong xóm chia sẻ: “Nửa tháng một lần, tôi lại mang rác đi đổ. Ở đây, hầu hết nhà nào cũng có 2 thùng riêng biệt đựng rác, một đựng túi ni lông, vỏ nhựa và những thứ có thể tiêu hủy để mang bỏ ra hố thu gom, một để các chai lọ thủy tinh. Những chai lọ thủy tinh hiện giờ không nhiều, thường bà con bán để tái chế. Định kỳ 2 tháng một lần, trưởng xóm là người chịu trách nhiệm đổ xăng hoặc dầu hỏa vào các hố thu gom rác rồi đốt”. Từ năm 2012, xóm Quỳnh Hội được UBND huyện cấp cho một xe chuyên chở rác. Mỗi tháng một lần, Chi hội Phụ nữ xóm lại huy động hội viên tổ chức quét dọn đường làng, thu gom rác và dùng xe chở đến nơi tập trung để đốt.

 

Không chỉ làm tốt công tác vệ sinh môi trường, Quỳnh Hội còn là điểm sáng về tự quản an ninh trật tự. Anh Nguyễn Duy Chuyền, Công an viên của xóm cho biết: Chúng tôi xác định, để xóm bản bình yên cần sự chung sức của tất cả mọi người chứ không phải việc riêng ai. Cả xóm có 35 gia đình được chia thành 3 tổ tương ứng với 3 khu dân cư. Mỗi tổ bầu ra một tổ trưởng an ninh, người này có nhiệm vụ lập tức thông báo cho các tổ khác khi khu mình có trộm cắp hoặc tình huống bất thường, đồng thời phân công đại diện các gia đình luân phiên tuần tra quanh xóm vào buổi tối. Theo lịch, mỗi tổ sẽ thực hiện tuần quanh xóm 1 lần/ tháng. Anh Chuyền kể, nhờ nêu cao ý thức cảnh giác, người dân đã kịp thời phát hiện một số vụ trộm cắp. Cách đây không lâu, nhiều hộ trong xóm đột nhiên bị hái trộm chè vào buổi tối. Kẻ trộm hành động không theo quy luật và liên tục thay đổi địa điểm hái chè. Tuy nhiên, sau nhiều lần cắt cử người mai phục, bà con đã bắt được 1 đối tượng, từ đó truy ra thêm 4 kẻ trộm chè là người xã bên cạnh.

 

Được biết, để có kinh phí hỗ trợ tổ an ninh trật tự và các hoạt động thu gom, xử lý rác thải, cách làm ở Quỳnh Hội khá độc đáo. Ban đầu (năm 2007), xóm huy động mỗi gia đình đóng góp 50 nghìn đồng. Tiếp đó, tất cả tiền khen thưởng của cấp trên dành cho Chi bộ và các đoàn thể trong xóm đều được đóng vào quỹ chung. Xóm cử ra một thủ quỹ quản lý số tiền này. Hiện nay, số quỹ của xóm là 17 triệu đồng, trong đó, 15 triệu đồng được sử dụng cho các hộ nghèo vay với lãi suất ưu đãi (khoảng 8%/năm), số còn lại chi cho các việc cần thiết của tập thể. Ông Lộc Minh Toàn, Thường trực Đảng ủy xã Trung Hội nhận xét: Mô hình nhân dân tự quản ở Quỳnh Hội là cách làm hay và phù hợp. Xóm đã được Ban Dân vận Huyện ủy Định Hóa lựa chọn xây dựng thành mô hình điểm về dân vận khéo để từ đó nhân rộng ra các địa phương khác.