Khi trưởng xóm từ chối "vác tù và hàng tổng"

15:40, 27/08/2013

Một số nơi trên địa bàn tỉnh ta đang có hiện tượng trưởng xóm xin từ chức vì nhiều lý do khác nhau. Điều này đã và đang gây nhiều khó khăn cho quá trình triển khai nội dung công việc ở cơ sở.

Từ chức vì bị … xúc phạm

 

Đó là việc làm của ông Lê Đình Bàng, ở tổ dân phố (TDP) 6, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên). Ông Bàng kể lại: Đầu tháng 4-2013, tôi nhận quyết định làm một tổ trưởng TDP 6. Ngay sau đó, có 8 hộ dân xin ý kiến làm gần 100m mương thoát nước đi qua đoạn đường dân sinh trong ngõ 70. Sau khi làm xong, một số hộ (trong 8 hộ kể trên) đã không lấp trả mặt bằng, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Lúc tôi đến nhắc nhở còn bị nói rất khó chịu. Khi họp khu dân cư, vài người lại có lời lẽ xúc phạm tôi như: mới lên làm tổ trưởng nhưng đã đè nén, ức hiếp dân. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều và quyết định báo cáo với Bí thư Chi bộ rằng mình không làm tổ trưởng nữa. Đầu tháng 5, tôi viết đơn lên UBND phường xin nghỉ tổ trưởng TDP. Biết sự việc xảy ra, lãnh đạo phường có xuống động viên, thuyết phục tiếp tục làm nhưng tôi không đổi ý.

 

Khác với ông Bàng, anh Nguyễn Văn Huấn, Trưởng xóm Vinh Quang 2, xã Vinh Sơn (T.X Sông Công) lại… cáo ốm để xin thôi trưởng xóm. Anh Huấn sinh năm 1980, làm trưởng xóm từ năm 2011, đến cuối năm 2012 anh bị đau đầu phải điều trị ở bệnh viện tâm thần. Anh tâm sự: Tôi ở cùng cha mẹ già, 2 con nhỏ, kinh tế khó khăn hơn vì tôi làm Trưởng xóm mất nhiều thời gian, không phụ cùng vợ công việc đồng áng, lao động tự do sau mùa vụ thường xuyên được. Hơn nữa, sức khỏe không tốt nên tôi thấy mình không thể cáng đáng nhiệm vụ Trưởng xóm được.

 

Cũng với lý do sức khỏe không đảm bảo, sau hơn một năm làm Trưởng xóm, tháng 4-2013, chị Nguyễn Thị Lan, xóm Vinh Quang 1, cũng ở xã Vinh Sơn kiên quyết làm đơn xin nghỉ. Khi trò chuyện với chúng tôi, chị thổ lộ nguyên nhân sâu xa hơn: Làm Trưởng xóm với phụ nữ vất vả lắm, nhất là xóm có nhiều vấn đề phức tạp như xóm tôi. Khi họp dân, hầu hết mọi người không đến quá bán nhưng vẫn phải cho họp, triển khai các nội dung của cấp trên chỉ đạo. Mỗi lần họp, trăm dân trăm ý nên tôi nhiều khi rất lúng túng không biết xử lý ra sao. Nhất là năm 2012, xã quy hoạch nghĩa trang và khu chăn nuôi khoảng hơn 10ha, trong đó 2,5ha nghĩa trang nằm trên địa bàn xóm. Người dân lo lắng sẽ bị ô nhiễm môi trường nên không đồng ý. Có hơn 20/110 hộ đã viết đơn kiến nghị phản đối, gây rối trật tự, khiến đội ngũ cán bộ xóm, trong đó có tôi không biết giải quyết thế nào. Chị Lan cũng cho biết thêm: Trước, gia đình tôi làm một mẫu ruộng, từ khi là trưởng xóm, tôi phải cho khoán 3 sào, có vụ bỏ cả trồng mầu.        

 

Nan giải việc bầu trưởng xóm

 

Thời điểm hai trưởng xóm Vinh Quang 1, Vinh Quang 2 xin nghỉ đúng vào dịp triển khai công tác thủy lợi đảm bảo sản xuất vụ xuân và một số nội dung trong quá trình xây dựng nông thôn mới nên công việc rất nhiều. Trước thực trạng đó, xã Vinh Sơn đã chỉ đạo chi bộ tìm người thay thế. Xóm Vinh Quang 1 có 110 hộ dân, hơn 400 nhân khẩu, xóm Vinh Quang 2 có trên 100 hộ và cũng trên 400 nhân khẩu, vậy mà tìm mỗi xóm một người để bầu làm trưởng xóm mãi không được. Anh Huấn kể: Cuối năm 2012, tôi làm đơn lên UBND xã xin thôi làm Trưởng xóm nhưng chờ mãi không thấy cấp trên chỉ đạo họp bầu Trưởng xóm mới. Đầu tháng 6 vừa qua, xóm tổ chức họp để bầu Trưởng xóm nhưng người dân không có mặt đủ, ngay cả đảng viên cũng chỉ có mấy người cao tuổi, còn vắng hơn 10/19 đảng viên của chi bộ. Những người được đưa vào danh sách bầu Trưởng xóm thì hoặc là cử vợ đi thay hoặc vắng mặt để khỏi bị bầu. Vì vậy tôi vẫn bị "ép" làm Trưởng xóm. Không làm thì thấy có lỗi với dân nhưng làm thì áy náy vì không hoàn thành tốt nhiệm vụ...

 

Tình trạng khó khăn trong việc bầu trưởng xóm cũng diễn ra tương tự ở xóm Vinh Quang 2. Sau nhiều lần họp dân không thành, đến tháng 6 vừa qua, xóm đành phải "chữa cháy" bằng cách bầu ông Nguyễn Văn Ấn đang là Bí thư Chi bộ làm Trưởng xóm, việc bầu bí thư chi bộ khác thay ông Ấn sẽ tính sau. 

 

Còn ở TDP 6, phường Phan Đình Phùng, từ khi ông Lê Đình Bàng nghỉ, mọi việc dồn lên vai ông Ngô Văn Sơn, Tổ phó. Đến nay, vẫn chưa có bất cứ thông tin nào về việc bầu Tổ trưởng mới. Ông Sơn cho biết: Tôi chẳng ngại làm việc thay ông Bàng nhưng nói thật là tôi mới làm Tổ phó một năm, chưa có nhiều kinh nghiệm nên triển khai một số công việc rất khó khăn.

 

Cần sự quan tâm, thấu hiểu và hợp tác

 

Thực tế hiện nay, mọi người đưa ra rất nhiều lý do nhằm "trốn" chức Trưởng xóm. Nói theo cái “lý nhà nông” thì làm Trưởng xóm, công việc nhiều mà phụ cấp chỉ tương đương mấy buổi phụ hồ, thợ xây. Làm Trưởng xóm phải có kinh tế khá mới toàn tâm, toàn ý được. Như gia đình anh Nguyễn Văn Huấn có 6 sào ruộng. Lao động chính là anh vì vợ đang nuôi con nhỏ. Một năm trừ chi phí thì mấy tạ thóc vừa hết, năm ngoái cũng như các hộ khác ở địa bàn, gia đình anh còn bị lỗ vì mất mùa. Tiền phân bón, thuốc trừ sâu, giống mới, tiền đóng học cho con... biết bao khoản phải lo. Như vậy thử hỏi, sao anh có thể chuyên tâm với công việc "vác tù và hàng tổng".

 

Phụ cấp thấp, công việc nhiều, mất thời gian và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế gia đình… chưa hẳn là lý do chính để chức Trưởng xóm bị "ế" ở một số nơi như hiện nay. Chị Nguyễn Thị Lan nói: Đoạn đường bê tông nhánh 2 đi bến Toan có chiều dài hơn 600m được xóm triển khai làm từ 2012, tổng số tiền dân đối ứng 40% (gần 100 triệu đồng). Chia ra thì mỗi nhân khẩu trong xóm phải đóng 100 nghìn đồng. Xóm đã thống nhất thu làm 2 đợt, đợt 1 chỉ thu 80 nghìn đồng/khẩu nhưng đến nay vẫn chưa thu xong. Có người “nói cùn”: Tôi chả có tiền, bao giờ đường làm đến cổng nhà thì tôi mới nộp. Cũng biết, dân không có tiền nên mới nói vậy thôi chứ không phải họ có ác ý gì nhưng vẫn buồn. Chưa kể, nhiều khoản quỹ khác chưa thu được lại đành phải tạm ứng tiền túi ra để nộp lên trên.

 

Với trường hợp của ông Lê Đình Bàng cũng vậy, hiện ông đang là đại biểu HĐND phường, Chi hội trưởng Chi hội cựu chiến binh tổ 6, nhiều năm liền là tổ phó TDP nên không thể gọi là thiếu trách nhiệm. Thế nhưng bây giờ nhắc đến chuyện tiếp tục làm tổ trưởng TDP ông lắc đầu xin chịu. Ông Bàng cho biết: Tôi có thể chịu vất vả, hy sinh vì lợi ích của bà con lối phố nhưng tôi không chịu được sự xúc phạm quá đáng.

 

Như vậy có thể nói, làm Trưởng xóm rất vất vả và chịu nhiều áp lực. Để tình trạng này không còn xảy ra, thiết nghĩ các cấp chính quyền cần có những chế độ đãi ngộ cũng như quan tâm hơn đến những đối tượng này. Hơn nữa, điều quan trọng nhất là những người dân, hãy hợp tác để những trưởng xóm hoàn thành tốt nhiệm vụ “Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” của mình.