Để bảo vệ tài sản, tính mạng cho các hộ dân ở xã Văn Yên (Đại Từ) nằm trong khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, Nhà nước đã cấp trên 38,7 tỷ đồng (UBND tỉnh đối ứng 10% tổng vốn đầu tư) để xây dựng Khu tái định cư cho 81 hộ dân tại xóm Dưới 1. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, Dự án này đã hoàn thành giai đoạn 1. 45 hộ dân đã được cấp đất miễn phí, hỗ trợ tiền làm nhà tại nơi ở mới (khu tái định cư) để di chuyển khỏi vùng có nguy cơ lũ, sạt lở đất. Tuy nhiên, hiện nay, Khu tái định cư lại thưa vắng người ở vì nhiều hộ dân đã nhận đất và tiền hỗ trợ để xây nhà tại đây, nhưng lại về nhà cũ sinh sống.
Năm nay, trên địa bàn huyện Đại Từ liên tục có những cơn mưa lớn, lượng nước đổ từ núi Tam Đảo về suối Cái (dòng suối chạy qua xã Văn Yên) nhiều hơn so với năm trước. Do vậy, những hộ dân ở dọc theo hai bên bờ suối Cái và những khu vực có nguy cơ bị sạt lở đất (gần 200 hộ) chưa được xét cấp đất tại Khu tái định cư trên địa bàn xã vẫn canh cánh nỗi lo về sự an toàn cho tính mạng, tài sản của mình mỗi khi có mưa lớn kéo dài. Trong khi đó, 45 hộ dân được tiêu chuẩn nhận phần đất tái định cư (170m2/hộ) và 10 triệu đồng tiền hỗ trợ làm nhà đợt 1 (trong tổng số 81 hộ đã được chính quyền địa phương bình xét để di dời tới Khu tái định cư vì nguy cơ bị lũ cuốn, sạt lở đất) lại có thái độ rất khác nhau về vấn đề này. Hiện mới có khoảng 10 hộ dân đến sống ổn định tại Khu tái định cư, còn lại mặc dù đã nhận đất, tiền hỗ trợ nhưng chỉ xây dựng những căn nhà tạm rất nhỏ. Những căn nhà này giờ cửa khóa, then cài hoặc làm rào chắn bên ngoài, chứ không có người ở, cỏ dại bắt đầu mọc lan vào sân, hè.
Bà Hoàng Thị Thao, ở xóm Đình 2, đang xây dựng nhà ở tại Khu tái định cư cho biết: “Tôi là giáo viên nên 170m2 đất được cấp đủ xây nhà ở, nhưng nhiều hộ làm nông nghiệp cho rằng quỹ đất giao cho mỗi hộ như vậy chưa đủ để xây dựng thêm các công trình phục vụ chăn nuôi cũng như không có đất canh tác. Do vậy, nhiều hộ chỉ xây nhà tạm tại Khu tái định cư rồi về nơi ở cũ sinh sống, canh tác”. Cá biệt, trong số 45 hộ được di dời khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, có hộ cương quyết không nhận đất, tiền hỗ trợ mà đề nghị được ở tại nơi cũ. Ông Lê Đăng Thái ở xóm Cầu Găng chia sẻ: “Nhà nước có chính sách cấp đất miễn phí, hỗ trợ tiền làm nhà cho những hộ có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai là quan tâm đến cuộc sống của người dân. Nhưng người dân nông thôn ngoài nơi ở, cần có chỗ để chăn nuôi, trồng trọt, giờ di dời đến Khu tái định cư biết làm việc gì để ổn định cuộc sống. Gia đình tôi sống gần suối Cái rất sợ lũ cuốn trôi, nhưng đến Khu tái định cư lại lo cuộc sống bị đảo lộn”.
Khác với ông Thái, có hộ dân thuộc diện di dời khỏi vùng nguy cơ sạt lở đất, lũ quét ở xã Văn Yên vẫn nhận đất tái định cư, tiền hỗ trợ nhưng không di dời với quan điểm nơi ở cũ có đất canh tác và mình không dùng thì để đất tái định cư cho người thân. Điều này đã gây ra bức xúc đối với người dân tại địa phương, nhất là những hộ cũng có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ quét nhưng lại chưa có tên trong danh sách 81 hộ được xét cấp đất tại Khu tái định cư. Nguy hiểm hơn là một số hộ cố bám trụ ở những nơi có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, nếu không may xảy ra thiên tai gây thiệt hại về người, tài sản thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Đồng chí Ngô Ngọc Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Văn Yên cho biết: “Tình trạng một số hộ dân thuộc diện được nhận đất tái định cư, nhận tiền hỗ trợ nhưng chỉ xây nhà tạm, chưa di chuyển khỏi nơi tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất, lũ quét là có thực. Chúng tôi rất lúng túng, chưa biết giải quyết vấn đề này ra sao vì bà con lý giải tiền hỗ trợ ít nên không đủ xây nhà, đất tái định cư thì hẹp, trong khi nhu cầu của bà con là cần có đất để xây dựng công trình chăn nuôi và phục vụ canh tác…”.
Trước khi xây dựng Khu tái định cư, chủ đầu tư Dự án (Chi cục Phát triển nông thôn, thuộc Sở Nông nghiệp - PTNT) và chính quyền địa phương đã tuyên truyền mục tiêu chỉ giải quyết chỗ ở và diện tích đất dành cho mỗi hộ là 170m2, số tiền hỗ trợ 10 triệu đồng và cơ bản các hộ trong diện cần di dời đến Khu tái định cư đều đồng tình. Nhưng khi tiền hỗ trợ không đủ làm nhà, đồng thời thiếu quỹ đất xây dựng công trình chăn nuôi và phục vụ canh tác thì một số người dân ở Khu tái định cư lại cho rằng, tuy tránh được lũ quét nhưng cuộc sống sẽ bất ổn. Ông Nguyễn Văn Hợp, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, chủ đầu tư Dự án này cho biết: “Mục tiêu của Dự án là di chuyển người dân khỏi nơi có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất nên chúng tôi chỉ có thể cấp đất ở. Còn các hoạt động sản xuất, bà con vẫn thực hiện tại nơi ở cũ. Để từng bước tháo gỡ khó khăn cho người dân ở Khu tái định cư vùng lũ, chúng tôi đã đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ thêm mỗi hộ 10 triệu đồng, tiến tới sẽ đào tạo nghề, đồng thời đề nghị Ngân hàng Chính sách Xã hội cho người dân vay vốn với lãi suất thấp để làm nhà ở. Để ổn định cuộc sống cho người dân ở Khu tái định cư xóm Dưới 1, xã Văn Yên sẽ phải mất thời gian từ 1 đến 3 năm”. Còn ông Vũ Quyết Tiến, Chủ tịch UBND xã Văn Yên cho rằng: “Hiện, xã đang tiếp nhận thêm 20 đơn xin ra Khu tái định cư của các hộ dân đã được bình xét từ cơ sở, qua đây cho thấy đa phần người dân đều biết việc di dời khỏi vùng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, lở đất là cần thiết. Riêng với những hộ còn băn khoăn về đất canh tác, hoặc do thiếu tiền làm nhà ở mà chưa muốn ra Khu tái định cư, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động và mong bà con cùng chia sẻ khó khăn khi nguồn lực đầu tư của Nhà nước còn hạn chế”.
Dự án Khu tái định cư xã Văn Yên có số vốn đầu tư tương đối lớn, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Đề nghị các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động để các hộ dân trong diện di dời hiểu sâu về mục đích, ý nghĩa của Dự án. Đồng thời, các cơ quan chức năng nên giám sát chặt chẽ các khâu, kịp thời tháo gỡ những vấn đề phát sinh để quá trình thực hiện Dự án này đạt được mục tiêu đề ra, mà quan trọng nhất là bảo đảm an toàn về tính mạng và tài sản của nhân dân.