Người giao liên tận tụy

15:27, 10/08/2013

Giữa thời nghệ thông tin hiện đại phát triển, trên những ngả đường làng quê vẫn còn người giao liên (giao thông viên của ngành Bưu chính) làm công việc thủ công, tưởng chừng đơn giản - đưa thư, báo về cơ sở, nhưng luôn đòi hỏi sự dũng cảm và tận tụy.

Hình ảnh anh Trương Đức Hiền, giao liên Bưu cục thị trấn Giang Tiên (Bưu điện huyện Phú Lương) can đảm đội mưa, vượt lũ đưa thư, báo, công văn hỏa tốc kịp thời về các xã trong những ngày mưa lũ tháng 7 và đầu tháng 8 vừa qua đã phần nào phản ánh công việc thầm lặng của người giao liên, xứng với 10 chữ vàng được Bác Hồ tặng ngành Bưu điện “Trung thành, dũng cảm, sáng tạo, tận tụy, nghĩa tình”.

 

Đặc thù của nghề là phải bảo đảm thông tin thông suốt và kịp thời, nên bất kể điều kiện giao thông, thời tiết, người giao liên luôn chủ động tìm phương án tốt nhất để hoàn thành nhiệm vụ, chính vì vậy, người giao liên phải có sức khỏe tốt, thông thuộc địa hình và gắn bó mật thiết với quần chung nhân dân. Anh Hiền kể lại: Liên tục trong các ngày 28, 29 và 30/7/2013, mưa kéo dài, nước lũ từ thượng nguồn dồn về khiến giao thông liên xã, thông tin tê liệt. Đập tràn Đan Khê nối từ xã Tức Tranh đi xã Phú Đô nước ngập lan ra trên 50m, vị trí sâu nhất đo được gần 3m. Sáng sớm ngày 28/7/2013, nhận công văn hỏa tốc, không một chút đắn đo, anh khoác áo mưa, mang theo túi bạt, đèn pin và ít bánh mỳ làm lương khô, rồi vội vã lên xe máy lao đi trong mưa. Có mặt tại đập Đan Khê từ sớm, nhưng vì lũ mỗi lúc lên một cao, vượt lũ có thể tính mạng bị de dọa, anh Hiền đã tính phương án đi đường vòng lên giáp huyện Chợ Mới rồi men theo lối mòn để vào xã Phú Đô. Đợi quá trưa, áp lực lũ giảm, anh Hiền quyết định bỏ toàn bộ áo mưa bó kín bưu kiện, công văn thư báo tránh ướt, đồng thời tạo thành túi khí làm phao rồi buộc ngang lưng và thả người cùng phao bưu phẩm xuôi lũ, bơi chéo dòng sang gò đất bên kia bờ. Anh nhớ lại: “Cũng có lúc đuối hơi, tưởng như không thể ngoi lên nổi mặt nước, tôi vẫn giữ chặt dây thắt miệng túi bưu phẩm, vừa để túi không thoát khí khi dây buộc bị nước ngấm làm lỏng nút thắt vừa tạo thành phao kéo người trôi theo dòng chảy. Gần 30 phút vượt dòng chảy, cuối cùng tôi cũng đến bờ. Rồi những cánh tay của bà con bên bờ tiếp sức kéo tôi lên một chiếc mảng trong niềm vui khôn xiết ”.

 

Nghề vất vả, hiểm nguy, nhưng chưa khi nào anh Hiền chán nản. Anh kể về cái duyên vào nghề đến với anh như là định mệnh: Năm 1997, khi đó vợ anh là Linh Thị Mỳ làm bưu tá tại Bưu cục thị trấn Giang Tiên, huyện Phú Lương, thực hiện một chuyến đưa thư, công văn khẩn về xã, trong điều kiện thời tiết xấu, thương vợ vất vả, anh nhận làm “xe ôm” đưa vợ đi. Bất ngờ một tai nạn giao thông đã ập đến. Anh bị gẫy hai đùi, tràn dịch màng phổi, đa chấn thương. Nhập viện trong trạng thái hôn mê sâu, rồi bệnh viện trả về, vô phương cứu chữa. Trong lúc bối rối, chị Mỳ quả quyết với bác sĩ: “Bác sĩ cứ cứu chữa, anh ấy có đi thì cũng đi tại nhà, dù sao bệnh viện đã trả về ”. Còn nước còn tát, rồi phương án mổ cấp cứu được các bác sĩ thực hiện. Như có phép thần tiên, sau ca mổ, anh tỉnh lại và tiếp tục được điều trị, sức khỏe của anh phục hồi nhanh chóng. Ra viện, với bao khó khăn từ cuộc sống, thu nhập thấp, vết thương lại luôn đau nhức. Thương vợ một mình đi đưa thư, báo, với bao nỗi vất vả, đã có lúc anh khuyên chị nên từ bỏ nghề, vì anh không thể đưa, đón chị được nữa. Nhưng vì tình yêu nghề, chị đã khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, vừa tảo tần chăm chồng, nuôi con trưởng thành. Thấy vợ quyết tâm cao và đầy nghị lực vượt qua khó khăn, anh càng thêm tôn trọng và cảm thông với nghề Bưu chính ở cơ sở. Sức khỏe bình phục, gạt bỏ mọi toan tính thường ngày, anh tình nguyện theo nghề của vợ. Hiện nay, anh được ngành giao cho đảm nhiệm chuyển thư, báo, bưu phẩm, công văn đến 7 xã và Mỏ than Phấn Mễ. Bất kể điều kiện thời tiết, bình quân mỗi ngày anh phải đi đưa thư trên 50km bằng xe máy, bảo đảm đúng thời gian và an toàn. Mặc dù cuộc sống hằng ngày gia đình anh Hiền, chị Mỳ vẫn còn khó khăn, nhưng anh, chị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được cán bộ ngành, huyện và các xã tin tưởng, bà con nhân dân quý mến…

 

Năm nay anh Hiền bước sang tuổi 56, nhưng tác phong, tính tình vẫn rất “thanh niên”. Anh tâm sự: “Tôi luôn trong tư thế sẵn sàng lên đường, làm nhiệm vụ, vì một phút chậm trễ là cả khoảng thời gian dài mong đợi ở cơ sở. Trong công việc và cuộc sống tôi luôn tâm niệm mình vì mọi người thì sẽ nhận được sư tôn trọng và cảm thông”…