Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Trí, Giám đốc điều hành Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 8 (Bộ Giao thông – Vận tải) – đơn vị thi công đoạn đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên đi qua địa bàn phường Tích Lương, T.P Thái Nguyên, sau khi có ý kiến của người dân địa phương về những ảnh hưởng do quá trình thi công đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của bà con.
Như chúng ta đã biết, tuyến đường cao tốc mang tầm chiến lược nối Thủ đo Hà Nội với Thái Nguyên đã hiện hữu, chuẩn bị đưa vào sử dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương, nhất là các tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Tuy nhiên trong quá trình các nhà thầu thi công với tốc độ khẩn trương, gấp rút nhằm hoàn thành tiến độ cũng như bảo đảm chất lượng, để tuyến đường được đưa vào sử dụng theo đúng kế hoạch, đã không tránh khỏi những ảnh hưởng nhất định tới đời sống và sản xuất của người dân ở những địa phương nơi tuyến đường chạy qua. Đơn cử như ở hai tổ 1 và 2, phường Tích Lương (T.P Thái Nguyên), đất nông nghiệp bị đất đá bồi lấp, không thể trồng cấy; kênh mương, đường nhựa, đường bê tông bị hư hỏng…
Bà Nguyễn Thị Tính ở tổ 1, cho biết: “Gia đình có 2.500 m2 đất ruộng, khi làm tuyến đường cao tốc, Nhà nước đã thu hồi hơn 700 m2. Trong quá trình làm đường cao tốc, đơn vị thi công đã làm tràn đất đá xuống ruộng, có chỗ không thể cấy lúa được nữa vì năng suất bị giảm 50%...”.
Dẫn chúng tôi đi thăm khu ruộng của người dân ở Tổ 1, ông Dương Văn Tám, Tổ trưởng tổ dân phố nói: “Tình trạng ruộng canh tác bị bồi lấp đất đá như thế này khiến người dân khó có thể sản xuất được. Chưa kể kênh mương dẫn nước cũng bị hỏng nên trời mưa thì ruộng lại bị ngập úng…”. Về vấn đề này, ông Dương Văn Đoàn, Bí thư Chi bộ tổ 1 cho biết thêm: “Đất nông nghiệp của tổ trước kia là 147.000 m2, sau khi Nhà nước thu hồi đất làm đường thì còn lại 84.000 m2, trong đó có 24.000 m2 đất bị ảnh hưởng, nhiều diện tích không thể trồng cấy được nữa…”.
Được biết, Tích Lương hiện có gần 30.000 m2 đất nông nghiệp bị ngập úng và đất đá bồi lấp do quá trình thi công đường cao tốc gây ra. Bên cạnh đó, gần 100m kênh N6 dẫn nước từ kênh núi Cốc tưới cho diện tích đất sản xuất nông nghiệp (nằm trên địa bàn tổ 1 và 2) và cống dẫn nước từ kênh N6 bắt với tuyến mương nội đồng cũng đã bị sạt lở, lấp kín.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Thế Minh, Phó Chủ tịch UBND phường cho biết: “Để góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công đường cao tốc, thời gian qua, Đảng ủy, chính quyền địa phương, các ngành chức năng đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Nhờ đó, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đã diễn ra thuận lợi, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường. Tuy nhiên, trong quá trình làm đường, các xe chở đất, đá với tải trọng lớn đã phá hủy đường dân sinh, đường bê tông do nhân dân đóng góp xây dựng. Ngoài ra đơn vị thi công đã làm tràn đất đá xuống nhiều diện tích đất ruộng của người dân. Chúng tôi đã đề nghị đơn vị thi công là Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 8 hỗ trợ người dân, khắc phục tình trạng trên... Về lâu dài, chúng tôi đề nghị tỉnh cho chuyển mục đích sử dụng đối với diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng do quá trình thi công đường cao tốc gây ra”.
Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Trí, Giám đốc điều hành Tổng Công ty Công trình Giao thông 8 cho biết: “Quá trình thi công đường cao tốc, đơn vị có làm ảnh hưởng đến các tuyến đường và đất nông nghiệp của người dân. Chúng tôi đã phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương thống kê, kiểm đếm bồi thường đầy đủ cho người dân có đất nông nghiệp bị thu hồi theo đúng quy định của Nhà nước. Đối với diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng do thi công tuyến đường cao tốc, thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các ngành chức năng và địa phương có biện pháp hỗ trợ người dân. Về các tuyến đường dân sinh bị ảnh hưởng, từ nay đến hết tháng 9 tới, Công ty cam kết sẽ rải nhựa toàn bộ và hoàn trả cho địa phương để đảm bảo giao thông trên địa bàn…”.