Đó là tâm sự của kỹ sư trồng trọt Nguyễn Thị Lan, công tác tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miềm núi. 27 tuổi đời. trải qua gần 5 năm làm việc tại Trung tâm, chị đã có 2 đề tài nghiên cứu về phương pháp trồng và thành phần dinh dưỡng của các loại cỏ nhập nội phù hợp làm thức ăn xanh cho gia súc, được Viện Chăn nuôi Việt Nam đánh giá cao, cho áp dụng vào sản xuất đại trà.
Đến Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi có trụ sở tại xã Bình Sơn, T.X Sông Công, chúng tôi gặp chị Lan đang thu lá cây xanh cho vào trong các bao tải để tránh mưa. Chị Lan giới thiệu với chúng tôi, đó là lá của cây keo dậu, có hàm lượng dinh dưỡng rất cao, phù hợp với việc làm thức ăn cho loài ngựa. Hiện, lá đang được phơi khô để phục vụ một đề tài nghiên cứu khoa học mới của chị về bổ sung lá cây keo dậu trong khẩu phần thức ăn của ngựa, dự kiến sẽ hoàn thiện vào cuối năm nay.
Qua trò chuyện với chị, chúng tôi được biết: Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành kỹ sư trồng trọt của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên năm 2009, chị được nhận vào công tác tại Trạm Nghiên cứu và sản xuất thức ăn chăn nuôi của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi. Tại đây, chị Lan luôn miệt mài với những đề tài nghiên cứu khoa học của mình. Chị tâm sự: “Với công việc nghiên cứu khoa học, phải thật chuyên tâm thì mới có thể thành công”. Vì vậy, từ khi về Trung tâm đến nay, chị đã tham gia nghiên cứu nhiều đề tài về thức ăn chăn nuôi. Để thu được thành công, chị ngày đêm nghiền ngẫm, có khi lăn lộn cả ngày ở ngoài vườn để theo dõi cây cỏ: Đo chiều cao, đếm số nhánh, thu thập lá để phân tích thành phần, hàm lượng chất dinh dưỡng. Đồng thời so sánh số lượng và loại phân bón sử dụng để tìm được phương án tối ưu nhất giúp bà con nông dân trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc đạt năng suất cao nhất, giảm thiểu được chi phí.
Từ đó, các đề tài chị tham gia nghiên cứu đều được ứng dụng vào sản xuất, trong đó có 2 đề tài nghiên cứu do chị làm chủ đã được Viện Chăn nuôi Việt Nam đánh giá cao và ứng dụng vào sản xuất đại trà. Đó là đề tài về: “Khảo nghiệm, đánh giá năng suất chất lượng của các giống cỏ nhập nội”; “Ảnh hưởng của các mật độ trồng và mức phân bón đến năng suất, sản lượng, chất lượng giống cỏ Brachiaria Mulato I và Brachiaria Mulato II”. Nói về 2 đề tài này, chị Lan chia sẻ: Hiện nay, người chăn nuôi gia súc thường chăn thả trên đồng cỏ tự nhiên là chính. Tuy nhiên diện tích đồng cỏ tự nhiên đang ngày càng bị thu hẹp, vì vậy nguồn thức ăn cho gia súc không ổn định, dẫn đến chất lượng sản phẩm chăn nuôi không có sức cạnh tranh, ngành chăn nuôi khó phát triển mở rộng. Do vậy, tôi đã lựa chọn 2 đề tài nghiên cứu trên để tập hợp, khảo nghiệm, đánh giá và chọn lọc, lưu giữ nguồn gen của những cây thức ăn cho gia súc có năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp với Việt Nam, giúp người nông dân chủ động về nguồn thức ăn chăn nuôi cho gia súc.
Chị cho biết thêm, với Đề tài “Khảo nghiệm, đánh giá năng suất, chất lượng của các giống cỏ nhập nội”, chị và các đồng nghiệp đã phải nghiên cứu, đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển, năng suất và hàm lượng chất dinh dưỡng của 45 giống cỏ trong vòng 1 năm. Từ đó tìm ra kết quả: Các giống cỏ voi cho sản lượng cỏ thành phẩm cao nhất, từ 145 đến 224 tấn/ha/năm, phù hợp với việc trồng làm thức ăn xanh trong mùa mưa; nhóm giống cỏ Brachiaria (tốt nhất là giống cỏ Brachiaria Mulato I và Brachiaria Mulato II), cho sản lượng cỏ thành phẩm từ 96 đến 136 tấn/ha/năm, trong điều kiện thời tiết có sương muối, khô, lạnh vẫn cho sản lượng cỏ thành phẩm cao nên phù hợp trồng trong mùa đông. Kết quả này giúp cho người nông dân có thể lựa chọn loại cỏ phù hợp để chăn nuôi gia súc. Sau khi nghiên cứu thành công, đầu năm 2012, các giống cỏ này được bà con trong tỉnh và các tỉnh như: Hà Giang, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Ninh Bình, Nam Định mua về trồng để chăn nuôi gia súc với số lượng khoảng 60 tấn cỏ giống (trồng được khoảng 10ha cỏ).
Sau khi người dân đưa cỏ về trồng, nhận thấy người dân rất thích giống cỏ Brachiaria để làm thức ăn cho gia súc vào mùa đông, chị và đồng nghiệp lại tiếp tục nghiên cứu Đề tài “Ảnh hưởng của các mật độ trồng và mức phân bón đến năng suất, sản lượng, chất lượng giống cỏ Brachiaria Mulato I và Brachiaria Mulato II”. Sau 9 tháng nghiên cứu, chị và các đồng nghiệp đã tìm ra được khoảng cách trồng cụ thể giữa các khóm cỏ và lượng phân bón thích hợp để 2 giống cỏ Brachiaria Mulato I và Brachiaria Mulato II cho sản lượng và chất lượng dinh dưỡng cao nhất. Sau khi kết quả này được công nhận, chị Lan đã tích cực tham gia vào công tác chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho bà con nông dân tại địa phương, góp phần làm tăng lượng thức ăn cho gia súc, nhất là trong mùa đông. Chỉ tính riêng ở T.X Sông Công, mỗi năm, Trung tâm chuyển giao trên 100 tấn giống cỏ Brachiaria để bà con trồng cỏ chăn nuôi trong vụ đông cho trên 4 nghìn con trâu, bò của địa phương.
Gia đình ông Đồng Văn Bến, xóm Chùa, xã Bá Xuyên đã trồng 2 sào cỏ để chăn nuôi trâu nái và nghé. Ông chia sẻ: Giống cỏ Brachiaria tôi mua từ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi đạt năng suất gần 6 tấn/sào/năm, đặc biệt là có thể trồng được cả những nơi đất cằn cỗi, trong thời tiết rét, sương muối của mùa đông, mùa thường thiếu cỏ cho trâu, bò nên rất phù hợp với nhu cầu trồng cỏ chăn nuôi của gia đình tôi. Vì thế, mùa đông năm 2012, mặc dù thời tiết khắc nghiệt như vậy nhưng cỏ vẫn lên tốt, gia đình tôi chỉ việc cắt về cho trâu ăn, không phải dắt đi chăn mất ngày mất buổi như trước nữa.
Bên cạnh công tác chuyên môn, chị Lan được đoàn viên thanh niên trong Chi đoàn Trung tâm tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư Đoàn Thanh niên nhiệm kỳ 2012 - 2014. Phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ, chị đã tham mưu cho Chi đoàn tổ chức nhiều hoạt động tình nguyện, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân... Những cố gắng, nỗ lực của chị Nguyễn Thị Lan đã được ghi nhận. Hiện nay, chị đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng và đảm nhiệm chức Phó Trưởng Trạm Nghiên cứu và Sản xuất thức ăn chăn nuôi của Trung tâm. Năm 2012, chị được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được Tỉnh đoàn vinh danh “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác”.