Theo số liệu thống kê của Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) huyện Phú Bình, 6 tháng đầu năm nay, toàn huyện có 1.244 trẻ được sinh ra, trong đó có 174 trẻ là con thứ 3 trở lên. Căn cứ kết quả theo dõi và chăm sóc sức khỏe các bà mẹ đang mang thai trong toàn huyện, cả năm 2013, tổng số trẻ là con thứ 3 trở lên sẽ là 295 trường hợp. Cùng với đó, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cũng đang ở mức báo động 124,3 nam/100 nữ. Đáng chú ý, có tới 8 trường hợp là cán bộ, đảng viên vi phạm Pháp lệnh Dân số.
Ông Nguyễn Văn Hợi, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện cho biết: Tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, muốn có đông con nhiều cháu vẫn tồn tại trong một bộ phận không nhỏ người dân địa phương. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ trẻ là con thứ 3 ở Phú Bình luôn ở mức cao. Cùng với đó, nhiều cán bộ, đảng viên không gương mẫu, sinh con thứ 3 đã có ảnh hưởng rất xấu đến mục tiêu giảm sinh của huyện. Các xã có trường hợp cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3 là Lương Phú, Tân Kim. Thanh Ninh, Xuân Phương, Tân Khánh, Tân Kim và Hà Châu.
Xã Lương Phú, 6 tháng đầu năm nay có 58 trẻ mới sinh, trong đó có 7 trường hợp là con thứ 3. Hầu hết các cặp vợ chồng sinh con thứ 3 ở xã trước đó đều có con một bề. Xóm Đồng Mị 12 năm liên tục không có người sinh con thứ 3, đến nay lại có 1 trường hợp. Chị Nguyễn Thị Thúy, cán bộ dân số xã chia sẻ: “Chúng tôi xác định tập trung tuyên truyền đối với những gia đình đã có 2 con gái để họ thay đổi nhận thức. Tuy nhiên, nhiều người hiểu, có cam kết nhưng rồi lại cố tình vi phạm. Trường hợp đảng viên là giáo viên mầm non vi phạm vừa rồi có con gái út đã học lớp 7; còn trường hợp ở Đồng Mị, đôi vợ chồng này con gái út đã học cấp 3. Họ đã chấp hành nghiêm trong rất nhiều năm nhưng đến nay lại vi phạm”.
Chị Thúy cũng cho biết, nhiều cặp vợ chồng trẻ khi được tuyên truyền cũng không có ý định sinh thêm con thứ 3, thứ 4 nhưng do sức ép của gia đình nên vẫn vi phạm. Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thủy, xóm Lương Trình đã có 2 con gái, vừa qua anh chị sinh con thứ 3 cũng là gái, cán bộ dân số đến nhà vận động, mẹ chồng chị không ngại ngần tuyên bố “đẻ đứa thứ 3 rồi vẫn là gái thì còn phải đẻ tiếp đến khi nào có con trai mới thôi”.
Còn tại xã Hà Châu, một trong 2 xã (xã Nga My) luôn có tỷ lệ người sinh con thứ 3 cao nhất trong toàn huyện. Trường hợp vi phạm không chỉ có con một bề mà có những cặp vợ chồng đã có đủ trai lẫn gái. Theo chị Tạ Thị Sông, cán bộ dân số xã: Người dân trong xã hầu hết làm nông nghiệp, nên tư tưởng phải sinh con trai ở đây còn nặng nề khiến công tác tuyên truyền, vận động rất khó khăn. Những người cần được tiếp cận thông tin về chính sách DS-KHHGĐ để thay đổi hành vi ít khi tham dự các buổi truyền thông của cán bô dân số. Chúng tôi và cộng tác viên dân số phải đến tận nhà đối tượng để vận động, tuyên truyền, nhưng khi chúng tôi đến họ cũng đều tìm lý do để vắng mặt”.
Bên cạnh tư tưởng muốn có con trai là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sinh con thứ 3, thì chất lượng đội ngũ cán bộ làm dân số ở cơ sở cũng là điều cần bàn tới. Theo y sĩ Tạ Văn Hoài, Phó trưởng Trạm Y tế xã Hà Châu: Công tác DS-KHHGĐ chưa thực sự hiệu quả còn một phần do hệ thống cán bộ ở cơ sở chưa được bố trí hợp lý. Cụ thể, cán bộ dân số xã do Trung tâm Y tế huyện tuyển dụng nhưng lại chịu sự chỉ đạo chuyên môn của của Trung tâm DS-KHHGĐ huyện. Theo phân công, đội ngũ này phải trực hành chính tại các trạm y tế, trong khi muốn vận động hạn chế sinh con thứ 3 hiệu quả, nhất thiết phải đến tận các hộ gia đình. Vấn đề này được chị Tạ Thị Sông trao đổi thêm: Chúng tôi chịu sự quản lý của Trạm, nhiều khi muốn xuống cơ sở cùng công tác viên dân số để làm truyền thông, hoặc có những trường hợp đột xuất cần giải quyết ở xóm báo lên nhưng không được Trạm trưởng đồng ý thì tôi cũng không thể đi được.
10 năm nay, Phú Bình luôn có nhiều trường hợp sinh con thứ 3 trở lên. Mặc dù, huyện đã có những biện pháp xử lý các trường hợp vi phạm tùy vào mức độ, như cảnh cáo, khai trừ Đảng, thậm chí có người bị cách chức, bãi miễn chức vụ. Nhưng theo ông Hợi, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện thì những hình thức kỷ luật trên vẫn chưa đủ sức răn đe.