Sau khi hoàn thiện nâng cấp, đưa vào sử dụng khoảng bốn tháng, Quốc lộ 3 (QL3) đoạn từ km51 đến km63+200 đã xuống cấp. Nhiều đoạn đường bị lún bề mặt tạo thành rãnh có độ sâu từ 3cm đến 7cm. Tình trạng xuống cấp tuy chưa nghiêm trọng nhưng đã khiến người dân trên địa bàn và người tham gia giao thông lo ngại.
Dự án nâng cấp QL3 đoạn từ Km51+00 đến Km63+200 thành đường phố chính đô thị thứ yếu theo tiêu chuẩn TCVN 104-2007 được khởi công tháng 7-2011, hoàn thành đưa vào sử dụng ngày 3-2-2013. Đây là đoạn đường nằm trong Dự án Tăng cường ATGT trên các QL ở phía Bắc Việt Nam do Ban Quản lý dự án An toàn giao thông - TSPMU (trực thuộc Uỷ ban ATGT Quốc gia) triển khai. Mục tiêu của dự án là giảm số vụ tai nạn giao thông và hạn chế thiệt hại do tai nạn giao thông trên các tuyến QL 3, 5, 10, 18, góp phần cải thiện môi trường sống của người dân và những người tham gia giao thông trên các tuyến quốc lộ.
Mặc dù mới thông xe, đưa vào hoạt động hơn bốn tháng nhưng đoạn đường này đã xuống cấp. Trên toàn tuyến xuất hiện nhiều chỗ bị lún bề mặt làm ảnh hưởng tới an toàn cho người tham gia giao thông. Theo quan sát của chúng tôi, trên toàn tuyến QL3 đoạn từ km 51 thuộc địa phận T.X Sông Công đến km 63+200 thuộc địa phận T.P Thái Nguyên, hàng chục chỗ bị lún tạo thành rãnh chạy dọc tuyến sâu từ 3cm đến 7cm. Cá biệt, nhiều đoạn lún có chiều dài hàng chục mét và thậm chí nhiều đoạn lớp thảm bê tông bề mặt đường bị bung ra để lộ lớp nền bên dưới. Một vài đoạn đường lún đã được nhà thầu thi công sửa chữa. Theo một số người dân sống ven QL3, tình trạng mặt đường bị lún như trên xảy ra sau khi thông xe khoảng bốn tháng. Ông Nguyễn Văn Trung, tổ 15, phường Tân Lập (T.P Thái Nguyên) cho biết, ông và người dân sống ven đường QL3 phát hiện đường bị lún bề mặt từ tháng 6-2013. Lúc đầu, mặt đường chỉ bị lún nhẹ nhưng đến nay nhiều đoạn lún sâu đã tạo thành rãnh dài ảnh hưởng tới các phương tiện tham gia giao thông.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Văn Phụng, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho biết: Theo khảo sát của Sở, diện tích mặt đường bị lún vào khoảng 5 nghìn mét vuông, chiếm tỷ lệ 2,5% tổng diện tích mặt đường toàn tuyến. Trước tình trạng lún đường xảy ra như trên, Sở đã báo cáo Bộ Giao thông - Vận tải và TSPMU kiểm tra, khắc phục. Đầu tháng 7-2013, đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Ngọc Đông dẫn đầu đã thực địa khảo sát trên toàn tuyến. Theo đánh giá sơ bộ của đoàn công tác, tình trạng lún đường chỉ xảy ra trên lớp bê tông thảm bề mặt và không ảnh hưởng đến các lớp bên dưới. Sơ bộ, đoàn công tác đánh giá tình trạng đường bị lún có thể do một trong ba nguyên nhân: nhựa đường nhập khẩu (từ Singapore) không đảm bảo chất lượng, tỷ lệ pha trộn bê tông không bảo đảm chất lượng hoặc do lưu lượng xe quá tải trọng hoạt động nhiều. Tại buổi thực địa, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Ngọc Đông đã yêu cầu Tổng cục Xây dựng cơ bản (Bộ Giao thông - Vận tải), TSPMU và các nhà thầu khoan lấy mẫu đem đi phân tích tìm nguyên nhân gây lún bề mặt đường.
Được biết, hiện toàn bộ dự án vẫn đang trong thời gian bảo hành một năm. Để khắc phục sự cố, các nhà thầu gồm: Công ty cổ phần Hoàng An đảm nhận thi công đoạn Km51+00 đến Km56+600, Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại & Xây dựng Giao thông 1 - Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường đảm nhận thi công đoạn Km56+600 đến Km63+200 vẫn chủ động thường xuyên theo dõi, kiểm tra và tiến hành sửa chữa những vị trí cục bộ bằng kinh phí của nhà thầu. Đối với những đoạn hư hỏng, nhà thầu tiến hành bóc bỏ lớp bê tông bề mặt và tiến hành trải thảm lại toàn bộ diện tích mặt đường bị lún.
Đánh giá nguyên nhân gây lún, ông Trương Văn Phụng cho biết: Toàn bộ thiết kế thành phần cấp phối của lớp bê tông nhựa này áp dụng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 104-2007, mặt đường bê tông nhựa nóng - yêu cầu thi công và nghiệm thu mới ban hành. Đây là dự án thực hiện bằng nguồn vốn vay JICA (Nhật Bản) đảm bảo tuân thủ đúng hồ sơ thiết kế cũng như quy trình, quy phạm thi công. Từ cơ sở nêu trên, ông Phụng khẳng định, việc thiết kế thành phần cấp phối và quy trình thi công của nhà thầu đã tuân thủ theo đúng các quy định hiện hành thì hiện tượng trên có thể là do ảnh hưởng của tình trạng xe quá tải thường xuyên lưu thông trên tuyến đường. Ông Phụng lấy dẫn chứng: tình trạng lún QL3 chỉ xảy ra tại một bên làn đường hướng Thái Nguyên đi Hà Nội trong khi hướng ngược lại không hề bị lún. Ngoài ra, cùng chung tình trạng như QL3, đường tránh T.P Thái Nguyên sau nhiều năm đi vào sử dụng bảo đảm chất lượng tốt cũng xảy ra hiện tượng lún bề mặt bên làn đường hướng Thái Nguyên đi Hà Nội chỉ trong vài tháng trở lại đây.
Xác định nguyên nhân có thể do xe quá tải trọng làm lún đường, Sở Giao thông - Vận tải đã đề nghị Công an tỉnh phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm chở quá tải trên tuyến đường này. Đồng thời, đề nghị các nhà thầu thi công bóc bỏ lớp bê tông bề mặt và tiến hành trải thảm lại với tỷ lệ pha trộn đá và nhựa đường thay đổi theo hướng tăng lượng đá có kích cỡ to hơn để có thể chịu được xe trọng tải lớn hơn. Theo ông Phụng: trong khi chờ kết luận chính thức của các cơ quan chức năng thì đây là biện pháp chủ động tránh cho đường tiếp tục xuống cấp.