Tiếng vọng chiến tranh

10:43, 10/08/2013

Theo thống kê của Hội Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) tỉnh: Toàn Hội hiện còn 176 gia đình hội viên còn khó khăn về nhà ở; 132 gia đình hội viên còn khó khăn về đời sống và 450 hội viên bị bệnh tật hiểm nghèo đang cần được giúp đỡ.

Anh Nguyễn Văn Tăng mang thân hình dị dạng, chân, tay teo tóp. Anh bị liệt bẩm sinh do bị di chứng chất độc da cam (CĐDC) từ bố. Bố anh là cựu chiến binh (CCB), nạn nhân CĐDC Nguyễn Văn Chương, xóm Tổ, xã Phượng Tiến (Định Hoá). Hơn 30 tuổi, nhưng chưa 1 ngày anh được sống như người bình thường. Chân, tay trơ gióng xương nghều ngào, nói năng ú ớ, ăn, rồi nằm luôn một chỗ.

 

 

Tăng là một trong 1.396 trường hợp là con của nạn nhân CĐDC đang sinh sống ở tỉnh Thái Nguyên bị di chứng từ bố. Họ chưa bao giờ biết đến chiến tranh, chưa bao giờ nhìn thấy những loại hoá chất dioxin huỷ diệt do đế quốc Mỹ xâm lược đổ xuống nhiều vùng đất ở chiến trường miền Nam, nhưng họ lại đang phải gánh chịu suốt cuộc đời một thân phận nghiệt ngã, chung sống với đau đớn vì bệnh tật hành hạ.

 

Ông Hoàng Hà Long, Chánh Văn phòng Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh cho biết: Hiện, Thái Nguyên có 11.451 nạn nhân CĐDC đang được hưởng trợ cấp của Nhà nước. Phần lớn họ có hoàn cảnh kinh tế gia đình rất khó khăn, như trường hợp nạn nhân Nguyễn Văn Chưng, năm 2012, Quỹ Nạn nhân CĐDC hỗ trợ cho gia đình ông 25 triệu đồng để làm lại nhà ở, nhưng ông không dám nhận vì gia đình không có tiền "đối ứng" để làm. Cùng với đó, các nạn nhân CĐDC là người nghèo nhất, khổ nhất về cả vật chất lẫn tinh thần. Nhiều gia đình sinh được 3-4 người con lớn lộc ngộc, ăn không biết no nhưng lại chẳng thể làm được gì giúp bố mẹ. Như trường hợp nạn nhân Dương Trọng Dong, tổ 19, phường Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên) có 2 con bị thiểu năng trí tuệ. Nạn nhân Hoàng Văn Quýnh, xóm Quang Trung, xã Trung Lương (Định Hoá) có 1 con trai là Hoàng Văn Kim phải mang trên khuôn mặt những bìu thịt, chân tay bị co quắp, thấy có người đến nhà là há miệng, nhểu dãi vì răng trong hàm cứ tự rụng. Nạn nhân Nguyễn Trọng Hợp, xóm Tân Mỹ (Tân Quang, T.X Sông Công) có 3 con cứ đến 14 tuổi thì xương chân nhũn ra, phải đi lại bằng cách lê lết trên nền nhà.

 

Trò chuyện về "nỗi đau thời hậu chiến", ông Nguyễn Ngọc Minh, Chi hội trưởng Chi hội Nạn nhân CĐDC xóm Cao Khản, xã Lục Ba (Đại Từ) bùi ngùi nói: Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã đi vào dĩ vãng gần 40 năm, nhưng dư âm của nó còn vọng lại bằng nỗi đau mang tên da cam. Nỗi đau ấy đã theo những người lính từ chiến trường miền Nam trở về, đến cả nơi miền quê xa xôi hẻo lánh, "nó" không chỉ âm thầm tàn phá sức khoẻ của người CCB, mà còn di chứng sang các thế hệ con, cháu của họ.

 

Hiện trên địa bàn tỉnh có 9 gia đình có tới 4 người là nạn nhân CĐDC; 176 gia đình có 3 người là nạn nhân CĐDC và 1.017 gia đình có 2 người là nạn nhân CĐDC. Đau đớn nào bằng khi bản thân đã và đang phát tác nhiều chứng bệnh, lại hằng ngày phải nhìn các con ngơ ngác, đứa lớn kêu đau đầu, đứa nhỏ la hét như hoang thú… Chiến tranh là thế, tiếng đạn bom kết thúc rồi, nhưng không ít người lính ở cả 2 bên chiến tuyến, buông súng để bồng đứa con đang chết dần trong tay.

 

Tất nhiên ở cuộc chiến với tử thần, những CCB, nạn nhân CĐDC không cô đơn. Bên họ còn có tình đồng chí, đồng đội và tình làng, nghĩa xóm. Ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh cho biết: Với truyền thống, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Thương người như thể thương thân", nạn nhân CĐDC đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân về cả vật chất, tinh thần. Gần đây nhất, năm 2012, các tổ chức, cá nhân, nhà từ thiện trong, ngoài tỉnh đã ủng hộ cho Quỹ Nạn nhân CĐDC tỉnh tiền và vật chất  hơn 4,7 tỷ đồng. Đầu năm 2013, Hội phối hợp với Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Xổ số kiến thiết tỉnh tổ chức phát hành xổ số đặc biệt xây dựng Quỹ Nạn nhân CĐDC, đạt số tiền thu quỹ 2,3 tỷ đồng.

 

Đến với nạn nhân CĐDC còn có các nhà hảo tâm, các doanh nhân làm ăn thành đạt trong, ngoài tỉnh, như Tập đoàn Tài chính SVA (Hà Nội). Từ 4 năm nay, Tập đoàn này đã ủng hộ cho các nạn nhân CĐDC ở Thái Nguyên hơn 100 triệu đồng/năm. Cũng từ 4 năm nay, Công ty TNHH An Lộc Sơn (T.P Thái Nguyên) ủng hộ mỗi năm từ 3 đến 5 triệu đồng. HTX Thương mại Phúc Lợi (T.P Thái Nguyên) ủng hộ từ 11 đến 12 triệu đồng/năm. Đặc biệt, cá nhân bà Đào Thị Hồng, tổ 19, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên) năm nào cũng có 10 suất quà Tết gửi đến tay nạn nhân CĐDC, mỗi suất quà trị giá hơn 200.000 đồng. Số tiền không nhiều so với tổng số nạn nhân CĐDC trong tỉnh, nhưng nặng tình nghĩa biết bao nhiêu, bởi từng giọt nước gom lại sẽ làm nên một biển cả yêu thương.

 

 Cùng với Quỹ của Hội là Quỹ bảo trợ nạn nhân CĐDC và một số nguồn quỹ khác, nhờ đó mỗi năm toàn tỉnh có hàng nghìn nạn nhân CĐDC được thăm hỏi, tặng quà; hỗ trợ tiền làm nhà, sửa chữa nhà ở; khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí; hỗ trợ điều trị bệnh hiểm nghèo; trợ cấp khó khăn; tặng xe lăn… Chỉ từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh có 145 gia đình nạn nhân CĐDC được hỗ trợ tiền làm nhà và sửa chữa nhà ở, trong đó có 101 hộ làm nhà mới, 44 hộ sửa chữa. Riêng 7 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh có 7 nạn nhân được tặng xe lăn, 6 nạn nhân mắc bệnh hiểm nghèo được hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ; 6 nạn nhân nghèo được hỗ trợ đột xuất 1 triệu đồng/hộ; 2 hộ, ở xã La Hiên (Võ Nhai) do bị mưa đá, tố lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu được Hội thăm hỏi kịp thời và hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ. Thông qua hoạt động của Quỹ, nhiều gia đình nạn nhân CĐDC đã từng bước ổn định cuộc sống, như các hộ ở huyện Võ Nhai là Nguyễn Văn Dụ, xóm An Long (xã Bình Long) có 2 con ngơ ngẩn và 1 cháu ngoại mắc nhiều chứng bệnh lạ khó chữa. Hộ bà Hoàng Thị Quyên, xóm Na Mấy (xã Vũ Chấn), bà Quyên bị thiểu năng trí tuệ, không lấy chồng nhưng có 2 con. Gia đình Nông Văn Lẩn, xóm Cao Lầm (xã Phú Thượng), ông Lẩn là nạn nhân CĐDC, sức yếu và là hộ nghèo. Nhờ được hỗ trợ tiền làm nhà, hộ ông Lẩn cũng như các hộ ông Dụ, bà Quyên đã có ngôi nhà mưa không hắt, nắng không dọi qua mái.

 

Song, trong cuộc sống bộn bề khó khăn hiện nay, còn nhiều lắm những gia đình nạn nhân CĐDC còn rất thiếu thốn, khốn khó về cả vật chất và tinh thần. Và, họ đang cần nhiều lắm sự chung tay góp sức để xoa dịu nỗi đau da cam của cả cộng đồng xã hội, bằng những hành động, việc làm thiết thực. Đó cũng là trách nhiệm của mỗi người trong chúng ta.