Triển khai ngay các biện pháp phòng, chống bệnh dại

15:44, 06/08/2013

Theo báo cáo của Trạm Thú y các huyện Đại Từ và Phổ Yên, từ giữa tháng /2013, trên địa bàn có hiện tượng chó lạ không có chủ có biểu hiện nghi dại cắn người và động vật. Trong đó, tại huyện Phổ Yên, từ ngày 27/7 đến ngày 1/8, tổng số người bị chó lạ không có chủ cắn là 24 người ở các xã: Thành Công, Minh Đức, Vạn Phái, Nam Tiến, Đắc Sơn. Số chó lạ đã tiêu diệt được 9 con.

Còn tại huyện Đại Từ, ngày 10/7, chó nhà ông Lương Văn Độ ở xóm 10, xã Phú Xuyên đã cắn 9 người và 6 con chó gần nhà. Trước diễn biễn trên, Chi cục Thú y tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh bàn biện pháp phòng, chống bệnh dại. Tổ chức khám và tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho toàn bộ số người bị chó cắn và những người tiếp xúc với chó có biểu hiện của bệnh dại. Số chó có biểu hiện khả nghi, số chó nghi dại cắn đều đã bị đập chết, tiêu huỷ. Đồng thời, lấy mẫu bệnh phẩm chó nghi mắc bệnh dại gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm. Kết quả trả lời xét nghiệm ngày 1/8 cho thấy, mẫu bệnh phẩm dương tính với virut dại.

 

 

Để ngăn chặn bệnh dại lây lan trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã đề nghị UBND các huyện, thị, thành, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng, Chi cục Thú y phối hợp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đối với các huyện đang có dịch, khi phát hiện chó, mèo hoặc động vật cảm nhiễm khác có biểu hiện của bệnh dại thì chủ nuôi phải báo ngay cho chính quyền địa phương, Trạm Thú y hoặc cán bộ thú y xã, phường. Nếu phát hiện chó, mèo mắc bệnh dại phải đập chết, tiêu huỷ ngay. Khẩn trương triển khai tiêm phòng bổ sung vắc xin dại cho đàn chó, mèo khoẻ mạnh trên địa bàn xã có dịch. Xử lý nghiêm những trường hợp không chấp hành tiêm phòng dịch cho chó. Thông tin công khai rộng rãi về tình hình dịch và hướng dẫn biện pháp phòng, chống.

 

Trong vùng có dịch, yêu cầu chủ nuôi nhốt, xích chó; không mua, bán, vận chuyển, giết mổ và sử dụng thịt chó, mèo đề phòng lây lan bệnh dịch. Chi cục Thú y phối hợp với cơ quan Y tế, chính quyền địa phương kiểm tra, xác định nguyên nhân, nguồn gốc phát sinh đàn chó dại; quản lý chặt chẽ ổ dịch chó dại và người bị chó dại cắn; hướng dẫn tiêm phòng cho người bị chó dại cắn. Thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng bằng hoá chất, vôi bột tại nơi phát hiện chó, mèo mắc bệnh dại; nơi nuôi nhốt, nơi tiêu huỷ, chôn chó mèo, xử lý thức ăn thừa, chất thải theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Đối với các huyện chưa có dịch, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bệnh dại, tính chất nguy hiểm của bệnh dại và các biện pháp phòng, chống tới từng hộ nuôi chó, mèo và cộng đồng. Vận động các tổ chức, cá nhân, cá nhân nuôi, giết mổ, vận chuyển kinh doanh chó, mèo ký kết thực hiện “5 không”(không nuôi chó, mèo chưa khai báo với chính quyền; không tiêm phòng dại; không nuôi chó thả rông; không để chó cắn người; không nuôi chó, mèo gây ô nhiễm môi trường). Tổ chức rà soát thống kê số lượng chó đã được tiêm phòng và số chó chưa được tiêm phòng để tiêm bổ sung. Thường xuyên vệ sinh, phun khử tiêu độc tại những nơi nuôi, nhốt chó mèo; ở khu vực thành phố, thị xã, khu vực đông dân cư khi đưa chó, mèo ra ngoài phải có dây xích, rọ mõm và có người dắt…