Mức lương tối thiểu 2014 sẽ được trình Chính phủ vào đầu tháng 10 tới và sẽ “lấy ở mức hài hòa” - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Phạm Thị Hải Chuyền phát biểu tại phiên họp toàn thể của Ủy ban các Vấn đề xã hội sáng 23-9.
Mức hài hòa là từ 2,3 đến 2,5 triệu, tùy thuộc vào việc “tiếp tục nghiên cứu” của Bộ LĐTBXH.
Vấn đề lương tối thiểu cho người lao động được bàn thảo bởi đại diện 3 bên: Chủ sử dụng lao động, cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức Công đoàn. Theo Bộ trưởng Chuyền: “Mười mấy năm nay, quan điểm giữa người sử dụng lao động, đại diện cho người lao động luôn có sự chênh” (khác biệt).
Đại diện cho người lao động là tổ chức Công đoàn luôn nêu yêu cầu “Lương tối thiểu không đáp ứng mức sống tối thiểu là không được”. Phía người sử dụng lao động là doanh nghiệp (DN) thì sợ không đáp ứng được dẫn tới những khó khăn, phá sản.
Theo kết quả khảo sát của Viện Công nhân - Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, dự báo mức sống tối thiểu năm 2014 tại vùng I sẽ là 4,113 triệu đồng/tháng, vùng II là 3,41 triệu đồng/tháng, vùng III là 3,014 triệu đồng/tháng, vùng IV là 2,435 triệu đồng/tháng.
Căn cứ vào khảo sát này, Tổng Liên đoàn đã đề xuất hai phương án mức lương tối thiểu năm 2014. Theo phương án một, mức lương tối thiểu năm 2014 sẽ được điều chỉnh tăng từ 400.000 - 850.000 đồng (khoảng 24-36%) và đáp ứng 77-84% so với nhu cầu mức sống tối thiểu của người lao động. Theo phương án hai, mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu tăng từ 350.000 - 750.000 đồng (21-32%), đáp ứng khoảng 75-82% nhu cầu sống tối thiểu.
Tuy nhiên, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất phương án đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2014 từ 250.000 - 400.000 đồng (tương ứng 15-17%).
“Các DN cả trong và ngoài nước đều rất kêu” - Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nói. Bà cam kết bộ sẽ “tiếp tục nghiên cứu lấy ở mức hài hòa. Vì DN không có người lao động thì không thể phát triển được, nhưng gánh nặng tiền lương cũng gây khó khăn cho DN”.
Chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng: Hội đồng tiền lương hoạt động tốt, có tranh luận, bỏ phiếu và đa số nghiêng về phía người lao động. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh lương là vấn đề trọng yếu nhất để giải quyết cuộc sống, cần được thực hiện không thể chậm lại được, không dừng lại được.