Để người lao động bớt khó khăn

08:53, 26/09/2013

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trong các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh vẫn đang gặp khó khăn, kéo theo sự sụt giảm thu nhập của người lao động. Thêm vào đó, giá các mặt hàng nhu yếu phẩm không ngừng tăng đã làm cho cuộc sống của nhiều công nhân gặp khó khăn.

Ngay gần cổng của Nhà máy May TNG Sông Công (KCN Sông Công) từ khá lâu đã hình thành một chợ cóc, chủ yếu bán các loại nhu yếu phẩm phục vụ công nhân ở KCN Sông Công. Chợ hầu như chỉ họp vào buổi chiều khi công nhân vào giờ tan tầm. Chợ nhỏ nhưng cũng tấp nập người bán kẻ mua. Tuy nhiên khi được hỏi thì những người bán hàng đều lắc đầu vì: “Bán kém lắm chú à”. Bà Dương Thị Huấn, người bán thịt lợn ở đây cho hay: Trước kia trung bình mỗi ngày tôi bán được 10kg thì nay chỉ được khoảng 5kg thịt lợn, lãi chẳng được là bao, có ngày còn suýt bị cụt vốn vì chủ yếu bán chịu. Cách đây vài ngày có một cô công nhân may ngại ngùng khi chìa tờ 2 nghìn đồng để mua thịt lợn về cho đứa con nhỏ. Thương cảm và cũng không biết bán thế nào nên tôi biếu cô ấy một miếng thịt lợn… Càng cuối buổi chiều chợ càng đông, nhưng có điều dễ nhận thấy là hàng bán rau luôn đông khách mua hơn hàng thịt. Nâng lên, đặt xuống những mớ rau đã không còn tươi, không ít công nhân rời chợ với chỉ một túi cà muối, hoặc quay sang mua vội chiếc bánh mỳ cho bữa tối.

 

Ngó nghiêng, mặc cả một lúc, anh Đỗ Văn Tráng cũng mua được vài mớ rau muống cùng ít thịt lợn. Theo về phòng trọ của anh Tráng, chúng tôi ngỡ ngàng vì dù anh đi làm cả ngày nhưng cửa phòng không khóa. Bước vào căn phòng chỉ rộng khoảng 10m2, chăn màn gấp vội, vài bộ quần áo công nhân treo trên móc, một bếp ga du lịch cũ cùng vài chiếc nồi, chảo, bát, đĩa chỏng chơ là những thứ đáng chú ý nhất trong căn phòng. Anh Tráng quê ở huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, đã làm công nhân tại Nhà máy Gạch ốp lát Việt Ý (KCN Sông Công) được hơn 4 tháng, thu nhập trung bình 2,5 triệu đồng/tháng. Vợ anh là chị Hà Thị Trọng làm công nhân tại Nhà máy May TNG Sông Công. Xa nhà, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ trông cả vào đồng lương công nhân eo hẹp. Anh Tráng nói: “Chúng em chưa tính chuyện sinh con vì cuộc sống còn quá vất vả”.

 

Gần khu trọ của vợ chồng anh Tráng là quán cơm của chị Phạm Thị Hà. Những tưởng, ở gữa khu công nghiệp tập trung với hàng nghìn công nhân thì cơm bụi sẽ đắt như… tôm tươi. Nhưng không, chị Hà cho biết: Công nhân trọ ở gần đây chủ yếu tự nấu ăn, hoặc ăn mỳ tôm vì họ bảo như vậy rẻ hơn. Tôi chỉ bán từ 10.000 đến 20.000 đồng/suất cơm, nhưng mỗi bữa cũng chỉ lèo tèo vài người ăn…

 

Thống kê cho thấy, số lao động ở thời điểm giữa năm 2013 tại riêng KCN Sông Công I là 5.015 người, giảm trên 200 người so với đầu năm, thu nhập trung bình của người lao động (NLĐ) đạt gần 3 triệu đồng/người/tháng. Theo bà Bùi Thị Kim Thành, Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh thì hình sản xuất, kinh doanh của các DN trong KCN hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, sản phẩm tồn đọng nhiều, nên dù cố gắng nhưng các chủ DN cũng khó có thể tăng hoặc tăng lương thỏa đáng cho công nhân. Mức thu nhập trung bình hiện nay của NLĐ thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống hằng ngày của họ, nhất là khi giá cả các nhu yếu phẩm đều tăng. Trước tình hình này, chúng tôi đã yêu cầu các công đoàn cơ sở vận động và đề nghị chủ DN ngoài việc đảm bảo lương còn hỗ trợ NLĐ một số khoản như: xăng xe, nhà trọ, tăng tiền ăn ca, tiền thưởng dịp lễ, Tết, hoặc hỗ trợ đột xuất để họ vơi bớt khó khăn. Bên cạnh đó, các cấp công đoàn cũng tăng cường tổ chức tuyên truyền, vận động để NLĐ thấu hiểu và biết chia sẻ hơn với DN, thi đua lao động sản xuất để cùng DN vượt qua khó khăn. Trong số những công đoàn cơ sở và đơn vị DN quan tâm thực hiện tốt công tác này có thể kể đến Nhà máy May TNG Sông Công; Công ty liên doanh Kim loại màu Việt Bắc; Công ty TNHH Hương Đông; Công ty TNHH Cơ khí Vĩnh Thái…   

 

DN khó khăn, đời sống của NLĐ chật vật, nếu tình trạng này kéo dài thì NLĐ khó có thể yên tâm gắn bó ở nơi không đảm bảo cuộc sống cho họ. Bà Bùi Thị Kim Thành cho rằng, lúc này cần sự cố gắng từ cả 2 phía DN và NLĐ. Điều đáng ghi nhận là, một số DN dù khó khăn nhưng vẫn cố gắng tăng lương, phụ cấp đều đặn, đảm bảo các chế độ cho NLĐ, đa phần NLĐ cũng thấu hiểu, thể hiện sự sẻ chia, đoàn kết cùng DN vượt khó.